Trong 3 phương án được đưa ra tại “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” do EVN vừa xây dựng, phương án tính đồng giá điện là 1.747 đồng/kWh không nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia tại buổi hội thảo lấy ý kiến liên quan về dự thảo biểu giá điện mới do EVN tổ chức ngày 22/9. Nhiều ý kiến cho rằng, biểu giá lũy tiến được xem là hợp lý hơn cả.
Người tiêu dùng cần sự minh bạch giá điện. Ảnh:Hoàng Long.
Mới đây, EVN đã “trình làng” Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán điện, trong đó đưa ra 3 phương án giá điện mới. Cụ thể, phương án 1 là sẽ giữ nguyên biểu giá lũy tiến 6 bậc như hiện hành, phương án 2 là biểu giá một mức duy nhất (đồng giá) và phương án 3 là rút gọn biểu giá điện bậc thang từ 6 xuống còn 3 hoặc 4 bậc.
Tại cuộc hội thảo, hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra không đồng tình với phương án đưa giá điện về một mức giá duy nhất – phương án 2 – đồng giá.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, ở phương án 2, nếu để giá điện đồng giá, sẽ có sự minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng, quản lý, kiểm tra và giám sát hơn. Ngoài ra, nó cũng tạo điều kiện giúp cải tiến khâu kinh doanh bán điện về công tác ghi chỉ số công tơ, từng bước thực hiện cơ chế thị trường, xóa bỏ việc thực hiện chính sách xã hội qua giá và thay bằng chính sách khác.
Tuy nhiên, đối với các hộ sử dụng ít điện (dưới 240 kWh/ tháng) thì tiền điện theo mức giá này lại tăng cao, ngược lại đối với các hộ sử dụng điện nhiều, từ 300 kWh/tháng trở lên thì tiền điện trả hàng tháng lại giảm đi. Như vậy hộ dùng càng nhiều điện thì càng có lợi, và những hộ nghèo dùng ít điện có khi sẽ phải “gánh” cho những hộ giàu dùng nhiều điện.
Có lẽ, chính sự bất hợp lý này nên phương án 2 hầu như nhận được ý kiến bất đồng của dư luận cũng như giới chuyên môn tại cuộc hội thảo.
Đối với phương án 3, ông Thỏa nghiêng về phương án này với đề xuất, nên rút từ 6 bậc xuống 3 hoặc 4 bậc, sẽ khắc phục phần lớn những khuyết điểm của phương án 1 , 2 và vẫn thực hiện được chính sách giá điện theo quy định của Luật Điện lực. Theo ông Thỏa, phần lớn các nước trên thế giới áp dụng cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến, chỉ có cách sắp xếp là khác nhau. Do đó, EVN cần điều chỉnh sao cho hài hòa giữa lợi ích của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.
Cũng đồng tình với phương án biểu giá điện bậc thang, PSG.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nêu quan điểm, hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng phương pháp tính điện theo bậc thang lũy tiến.
Theo ông Long, vẫn còn có ý kiến cho rằng, nhược điểm khi tính giá điện 6 bậc là phức tạp, khó khăn trong việc tính toán, thì chúng ta có thể đưa vào phần mềm máy tính. Tuy nhiên, EVN nên điều chỉnh sao cho hệ số theo phân khúc giảm bớt đi, nghĩa là giá từng bậc so với giá bình quân thấp hơn hiện hành.
PSG.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, EVN nên giữ nguyên cách tính giá điện bậc thang, nhưng dùng khoảng 3-4 bậc, không nên duy trì quá nhiều bậc.
“Nên giãn khoảng cách giữa các bậc, đảm bảo không quá nhảy cóc sẽ có lợi cho người tiêu dùng và không thiệt cho EVN” - PGS.TS Thiên nhận định.
Nêu quan điểm đại diện cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng ủng hộ phương án tính biểu giá điện theo lũy tiến bậc thang. Tuy nhiên, theo ông Hùng, giữ nguyên 6 bậc hay rút ngắn về bao nhiêu cần phải điều chỉnh một cách hợp lý.
“Điều người tiêu dùng cần là sự minh bạch chứ không phải là giá điện phải thấp. Do đó việc điều chỉnh sao cho đảm bảo tính ổn định, lâu dài, không gây xáo trộn đối với đời sống, bởi thông thường, khi có bất cứ điều chỉnh giá điện sẽ liên quan đến hàng loạt giá sản phẩm kéo theo” - ông Hùng nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cho dù cách tính giá điện như thế nào cũng phải tính đến số đông người dân hiện nay là người nghèo, thu nhập thấp. Do đó, ông Kiên cho rằng, nên chia giá điện theo bậc thang lũy tiến, như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi số đông người nghèo.