Theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, trẻ em là đối tượng bảo vệ đặc biệt của xã hội và pháp luật, mọi hành vi xâm hại đều phải bị nghiêm trị.
PV:Tình trạng trẻ bị XHTD bởi chính người thân đã được cảnh báo từ lâu, thế nhưng đến nay số vụ XHTD vẫn gia tăng. Theo ông nguyên nhân do đâu?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là nhóm tội về tình dục, chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tình hình tội phạm nói chung, diễn biến rất phức tạp.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi phạm tội đối với trẻ em, nhất là xâm hại tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…là do sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa về nhân cách. Chính các đặc điểm tiêu cực có sẵn trong tâm lý cá nhân người phạm tội như lối sống ích kỷ, vô cảm, tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân, coi thường các chuẩn mực đạo đức và pháp luật, bị tiêm nhiễm bởi văn hoá độc hại, đồi trụy trên mạng và trong môi trường sống… khi gặp các tình huống thuận lợi cho việc gây án thì nảy sinh ý định phạm tội và quyết định gây án.
Vậy công tác phòng ngừa đối với loại tội phạm này như thế nào?
- Những năm qua, công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em được toàn xã hội quan tâm. Nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề này đã được triển khai, từ việc hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ quyền trẻ em, tăng cường tính răn đe trong hình phạt đến các giải pháp tuyên truyền đều được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, dưới tác động của các yếu tố tiêu cực trong môi trường kinh tế - xã hội, hoàn cảnh sống của trẻ, mà loại tội phạm này vẫn chưa được giải quyết tận gốc rễ.
Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố chủ quan chậm được khắc phục. Chẳng hạn, việc giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em ở lứa tuổi học đường còn chưa được chú trọng đúng mức, hoặc chưa được triển khai, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều gia đình nạn nhân không am hiểu pháp luật nên không kịp thời trình báo vụ việc tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi phát hiện con em mình bị xâm hại. Trong điều tra án, vấn đề quan trọng hàng đầu là chứng cứ, nếu không đủ căn cứ, thì phải tuân theo nguyên tắc suy đoán vô tội...
Có ý kiến cho rằng việc điều tra các vụ án xâm hại trẻ em khó hơn nhiều so với hoạt động điều tra những vụ án khác. Là người có gần 20 năm làm công tác điều tra, giải quyết nhiều vụ án xâm hại trẻ em, ý kiến của ông thế nào?
- Đúng là điều tra án xâm hại trẻ em gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là do bị hại là người dưới 16 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ, nhiều nạn nhân còn rất non nớt, nên khả năng tri giác về tội phạm và trình bày với cơ quan điều tra việc đã xảy ra với mình còn hạn chế, không thống nhất.
Thứ hai, nhiều trẻ không biết mình đã bị xâm hại, hoặc do bị đe dọa, dụ dỗ, nên không kể với bố mẹ ngay sau khi vụ việc xảy ra, khi gia đình phát hiện và trình báo thì sự việc đã trải qua nhiều ngày. Việc thu thập các dấu vết, chứng cứ vật chất phục vụ việc truy nguyên thủ phạm gặp khó khăn do đã bị tiêu hủy bởi tác động của các yếu tố tự nhiên như thời tiết, khí hậu hay hoạt động của con người.
Thứ ba, thủ phạm gây án thường là người trưởng thành, đủ khôn ngoan để phủ nhận mọi cáo buộc. Khi không có tài liệu chứng cứ bổ trợ cho hoạt động chứng minh tội phạm thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ rất khó khăn khi quyết định các biện pháp tố tụng với nghi can.
Ngoài ra, nhiều gia đình đã giấu thông tin tội phạm, khi kẻ thủ ác chính là thành viên trong gia đình như ông, bố, anh em, họ hàng của nạn nhân.
Vậy theo ông cần những giải pháp nào để phòng ngừa vấn nạn này ?
- Theo tôi, giải pháp căn cơ nhất là đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi. Trong đó việc tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng bảo vệ trẻ em có vai trò vô cùng quan trọng. Trước tiên dạy cho trẻ các kỹ năng nhận biết cơ thể mình với những vùng nhạy cảm không ai có quyền đụng chạm, tác động, dạy trẻ biết các quyền của mình và nghĩa vụ của người lớn, các nguy cơ tội phạm có thể xảy ra. Vai trò giám sát và bảo vệ con cái của cha mẹ cũng hết sức quan trọng.
Trong trường hợp không may con mình trở thành nạn nhân của tội phạm này, người nhà cần kiên nhẫn, dành thời gian để nói chuyện với con để tìm hiểu lý do và giúp con giải quyết vấn đề. Người thân cũng cần khai báo kịp thời và phối hợp tích cực với cơ quan chức năng.
Các cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em cần làm tròn trách nhiệm của mình, đồng thời kiên quyết xử lý mọi hành vi xâm hại trẻ em…
Trân trọng cảm ơn ông!