Mỗi hộ nông dân là một doanh nghiệp chuyển đổi số

Lan Hương 31/12/2021 13:15

Nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (công nghệ RAS), Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Quyết Thắng, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tăng doanh thu mỗi năm từ 15 -20 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi 8 tỷ đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX nông nghiệp Quyết Thắng cho biết, trước đây nuôi tôm sú và tôm thẻ quảng canh, bán thâm canh… trong ao đất rộng hơn 100 ha. Do thời tiết diễn biến thất thường, ô nhiễm môi trường khiến năng suất không ổn định, tôm dễ nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ RAS với chi phí đầu tư khoảng 5 tỷ đồng không những giảm chi phí nhân công mà số lượng nuôi tôm nhiều hơn và cho năng suất cao hơn.

Tương tự, anh Lê Ngọc Hoàng (thôn Cổ Trâu, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) đã quyết định đầu tư mua một chiếc máy bay không người lái chuyên phun thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học cho diện tích 7 mẫu đất với 500 gốc bưởi, 300 gốc nhãn, 100 gốc ổi và ao thả cá.

Nếu trước đây phải thuê 14-15 nhân công lao động để làm việc này thì nay trong 2 giờ, máy bay đã phun xong toàn bộ. Với việc đầu tư này, mỗi năm giúp anh giảm bớt chi phí thuê nhân công hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó nhờ áp dụng công nghệ, cây trồng cho năng suất cao hơn với phương thức truyền thống.

Không chỉ áp dụng công nghệ vào sản xuất, hiện nay nhiều người nông dân còn tận dụng lợi thế của công nghệ số để tiêu thụ sản phẩm. Nhờ áp dụng chuyển đổi số, đưa hàng nông sản lên sàn điện tử thương mại, nhiều nông dân kiếm tiền tỷ không phải là chuyện hiếm.

Theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ, nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam chưa thực sự được biết đến nhiều như Miến Vương, Vua Gạo, Domilk đã trở nên nổi tiếng khi lên sàn.

Đặc biệt, vụ vải thiều Lục Ngạn của Bắc Giang và vải Thanh Hà của Hải Dương có người nông dân đã bán được 2 tấn vải chỉ sau 1 giờ livestream đầu tiên. Ngoài ra, có 20 tấn vải được tiêu thụ mỗi ngày thông qua sàn Sendo.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp được xem là nhân tố quyết định để xây dựng “trụ đỡ”. Tuy nhiên quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương.

Nói như TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) thì trình độ công nghệ của chúng ta ở mức trung bình, hạ tầng số hóa chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa… nên để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, Nhà nước cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Còn theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đại dịch Covid-19 là cú hích mạnh mẽ cho chuyển đổi số trong nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến, thị trường nông sản diễn ra rất nhanh trên phạm vi toàn quốc, động chạm cùng lúc tới các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX, nông dân.

Nhưng cách triển khai, tiếp cận rời rạc đã nảy sinh các vấn đề: về trao đổi thông tin giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa bộ, ngành, các địa phương; về ứng dụng công nghệ; về dữ liệu. Do vậy, việc chuyển đổi là vấn đề cấp thiết, song cần phải nhìn nhận việc chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “xóa bỏ” cách làm cũ.

Vì vậy, mỗi bước đi chuyển đổi số trong nông nghiệp cần thận trọng. Với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, chuyển đổi số trong nông nghiệp không được phép sai lầm. Cần triển khai ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng.

Theo ông Tiến, giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển của đất nước.

Để chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho rằng cần có sự phối hợp để tổ chức tập huấn kỹ năng số cho 11.000 nông dân theo hướng mỗi xã có ít nhất một nông dân thành thạo kỹ năng số để làm hạt nhân lan tỏa ra cộng đồng. “Chúng tôi cũng mong muốn từ năm 2022 phát động một làn sóng doanh nghiệp công nghệ số trong ngành nông nghiệp, tham gia vào nghiên cứu phát triển, triển khai các giải pháp phục vụ ngành nông nghiệp, thúc đẩy mỗi hộ nông dân trở thành một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” - ông Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỗi hộ nông dân là một doanh nghiệp chuyển đổi số