Nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng chậm lại nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro vì các chỉ số nợ vẫn còn cao. Đặt trong bối cảnh Việt Nam đã hết nguồn vốn vay giá rẻ, dần phải chuyển sang vay vốn với điều kiện thị trường, việc quản trị nợ công cần phải được cải thiện.
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về tình hình thu chi ngân sách 10 tháng đầu năm 2018 cho thấy, công tác quản lý nợ công thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Giảm tốc độ tăng nợ công (giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 18,1%/năm; 3 năm 2016-2018 tăng bình quân khoảng 10%/năm).
Song song với kết quả đạt được, một số thách thức cũng được đưa ra. Trong các năm 2017 và 2018, dư nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh, tiệm cận ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép (50% GDP), chủ yếu do nợ nước ngoài của các doanh nghiệp vay theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ so với thu NSNN có xu hướng gia tăng do các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trước đây đã đến giai đoạn trả nợ gốc; các khoản vay mới có điều kiện kém ưu đãi hơn. Giới chuyên gia cho rằng, vay nợ để chi cho đầu tư phát triển là một nhẽ, nhưng cần siết ở công đoạn quản lý chi ra sao trong bối cảnh các dự án đầu tư làm ăn thua lỗ,thất thoát vốn nhà nước.
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nợ công, cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, Bộ Tài chính chỉ ra: Tiếp tục cơ cấu lại nợ Chính phủ theo hướng kênh huy động vốn trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Đảo ngược cơ cấu nợ trong nước và ngoài nước của danh mục nợ Chính phủ, từ cơ cấu nợ trong nước/ngoài nước là 39%/61% năm 2011, chuyển thành 60%/40% năm 2018. Tập trung tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc đánh giá tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn theo quy định của Luật Quản lý, cân đối giữa vốn vay trong nước và vốn vay nước ngoài nhằm đạt được cơ cấu danh mục nợ công hợp lý; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát chặt chẽ sử dụng vốn vay, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn để tạo nguồn trả nợ trong tương lai, gắn trách nhiệm sử dụng vốn vay nợ công với trách nhiệm giải trình; công khai minh bạch về nợ công.
Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại nói, để khắc phục điểm yếu về quản lý nợ địa phương, cần thiết lập hệ thống thông tin, hài hoà quy định từ Trung ương đến địa phương để thống nhất cách thức quản lý.