Sức khỏe

Mối lo ngại và hệ lụy của bệnh suy thận ở trẻ em

Hoàng Chiến 14/03/2024 14:35

Suy thận mạn ở trẻ em là tình trạng trẻ bị suy giảm chức năng thận một cách từ từ và kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm, dẫn đến sự ứ đọng nước, các chất độc độc hại trong cơ thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ.

Nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ em

Từ năm 2006, Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày thứ 5 tuần thứ 2 của tháng 3 hàng năm là Ngày Thận Thế Giới (World Kidney Day), nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về cách phòng ngừa và điều trị các bệnh về thận cũng như biến chứng do thận gây ra; từ đó, góp phần làm giảm tần số và tác động của bệnh thận trên toàn thế giới. Hiện nay, hoạt động này đã được hơn 100 quốc gia hưởng ứng mỗi năm.

Hiện nay, ước tính có khoảng 850 triệu người trên toàn thế giới mắc các bệnh lý về thận do các nguyên nhân khác nhau. Con số này gấp đôi số lượng người bệnh đái tháo đường và gấp 20 lần so với bệnh ung thư.

Người bệnh mắc suy thận mạn giai đoạn cuối để duy trì sự sống sẽ phải điều trị thay thế thận. Một trong các phương pháp điều trị thay thế thận tối ưu và mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất là ghép thận.

dsc03629.jpg
Các bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối đang được điều trị tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương.

Suy thận mạn ở trẻ em là tình trạng trẻ bị suy giảm chức năng thận một cách từ từ và kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm, dẫn đến sự ứ đọng nước, các chất độc độc hại trong cơ thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ.

Điển hình, trẻ có thể mắc tình trạng đau nhức do sưng phù chân tay nặng; tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, phù phổi; thiếu máu, tăng kali trong máu dẫn đến tử vong; xương trẻ bị yếu, giòn, dễ gãy; trẻ kém tập trung do hệ thần kinh bị tổn thương; hệ miễn dịch bị suy giảm dẫn đến nguy cơ mắc kèm nhiều bệnh lý khác.

Bên cạnh đó, suy thận mạn còn gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống của trẻ khi thường xuyên phải thăm khám, điều trị tại bệnh viện. Đối với những trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối chưa ghép thận mà được điều trị phương pháp thay thế là thận nhân tạo sẽ phải đến bệnh viện liên tục 3 – 4 lần/ tuần, khiến trẻ không thể đi học, vui chơi như các bạn cùng lứa tuổi và cũng gây gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Điều kỳ diệu từ những ca ghép thận

Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên và là 1 trong 2 đơn vị duy nhất ghép thận trẻ em tại Việt Nam. Tính từ năm 2004 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện thành công 62 ca ghép thận cho trẻ em, mở ra nhiều trang mới cho cuộc đời của các bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối. Tỷ lệ thành công sau ghép là khoảng 98,2% với độ tuổi trung bình là 13,3 tuổi.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Khoa Thận và Lọc máu (Bệnh viện Nhi Trung ương), ghép thận là một hành trình dài của cả bệnh nhi, gia đình và các bác sĩ. Trước khi ghép thận, trẻ cần đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc nhằm tạo điều kiện tốt nhất trước và sau ghép. Mọi yếu tố từ chiều cao, cân nặng, các chỉ số xét nghiệm máu, tiêm phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, cho tới việc tìm được người cho thận phù hợp,… đều được kiểm soát chặt chẽ.

"Trong ghép thận từ người cho sống, phẫu thuật lấy thận và ghép thận là 2 cuộc mổ được tiến hành song song, phối hợp nhuần nhuyễn để đảm bảo thận lấy ra phải được ghép kịp thời. Sau ghép, trẻ được theo dõi rất tỉ mỉ từng giờ các chỉ số sinh tồn và lượng dịch vào – ra tại Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa. Khi bệnh nhi ổn định mới chuyển về Khoa Thận và Lọc máu tiếp tục theo dõi điều trị”, BS Ngọc cho hay.

Theo các báo cáo tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau ghép thận, trẻ đa phần cải thiện rõ rệt về sự phát triển thể chất, giảm tỷ lệ thiếu máu và biến chứng tim mạch sau 1 năm, 3 năm và 5 năm. Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều khoa học kỹ thuật tiến bộ và nỗ lực của các y bác sĩ, nhưng việc ghép thận còn gặp một số khó khăn như chưa có thuốc ức chế miễn dịch tối ưu để loại trừ hoàn toàn sự thải ghép; vẫn còn một số biến chứng sau ghép như nhiễm trùng, ung thư…

Khả năng chữa khỏi bệnh suy thận ở mỗi bệnh nhi là khác nhau, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: giai đoạn, nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng, cũng như khả năng đáp ứng phương pháp điều trị. Song, cha mẹ nên chủ động đưa con đi thăm khám nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh suy thận hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp, trẻ sẽ có cơ hội phục hồi hoàn toàn.

Với bệnh nhi đã được chẩn đoán suy thận cấp, các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, không tự ý bỏ thuốc, không sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, tránh làm tình trạng trẻ nặng hơn và chuyển từ suy thận cấp sang suy thận mạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mối lo ngại và hệ lụy của bệnh suy thận ở trẻ em