Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Dự thảo thông tư Quy chế và hoạt động của trường THPT chuyên. Dự thảo lấy ý kiến đến hết ngày 14/12/2022. Theo đề xuất tại dự thảo, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 trường chuyên.
Trường chuyên được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất
Cụ thể, tại Điều 3 của Dự thảo quy định về hệ thống trường chuyên gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thuộc cơ sở giáo dục đại học (ĐH), có đề xuất mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 trường chuyên. Trường chuyên thuộc tỉnh do Sở GDĐT quản lý. Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục ĐH do cơ sở giáo dục ĐH quản lý về công tác tổ chức, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính và tuyển sinh; chịu sự quản lý của Sở GDĐT nơi trường đặt trụ sở về thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, tổ chức thi tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp.
Theo dự thảo, mục tiêu, nhiệm vụ và quyền hạn của trường chuyên là: Trường dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học của học sinh trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Trường chuyên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trường trung học quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học và nhiệm vụ, quyền hạn sau: Tổ chức và thực hiện kế hoạch dạy học chương trình giáo dục nâng cao đối với các môn chuyên do Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định. Nghiên cứu vận dụng phù hợp, hiệu quả chương trình giáo dục và các phương pháp quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá tiên tiến; thúc đẩy giáo dục tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học trong giáo dục phổ thông. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, cơ cấu; giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; có năng lực nghiên cứu khoa học; sử dụng thành thạo thiết bị dạy học hiện đại; có kỹ năng về công nghệ thông tin; sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp, dạy học và nghiên cứu khoa học…
Trường chuyên được ưu tiên: Bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bảo đảm đủ định mức, đạt tiêu chuẩn quy định; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; được liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học có chất lượng cao theo quy định; bố trí kinh phí chi thường xuyên để bảo đảm cho các hoạt động giáo dục; mời chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài thỉnh giảng theo quy định, bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh.
Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục ĐH được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành và mời giảng viên thuộc các phòng, khoa của cơ sở giáo dục đại học thực hiện giảng dạy, bồi dưỡng học sinh chuyên.
Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định các chế độ chi ngân sách đầu tư cho trường chuyên thuộc tỉnh về cơ sở vật chất, chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn chuyên được đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở trong nước, nước ngoài. Cơ sở giáo dục ĐH quyết định chính sách ưu tiên đầu tư đối với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục ĐH.
Cần thay đổi tư duy về dạy - học chuyên
Từng nhiều lần góp ý về hệ thống trường chuyên, ông Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT), có nhiều năm là Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) chia sẻ: Thời vàng son của hệ chuyên đã qua. Một trong những mặt được và cũng là thành tích lớn nhất của hệ chuyên là cung cấp thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khoa học quốc tế.
Những mặt được cơ bản của giai đoạn trước, nhưng tới nay lại là những bất hợp lý, không còn phù hợp của hệ chuyên. Đó là một nghịch lý tất yếu mà giáo dục phải đối đầu, rất cần thay đổi. Tuy nói là đào tạo toàn diện, nhưng thực chất hệ chuyên là “dạy chuyên” và “học chuyên”, chỉ chuyên sâu vào một môn học, đơn chuyên. Bản chất là trường chuyên biệt, là tập trung nguồn lực dạy đơn chuyên. Tuy có một bộ phận học sinh trưởng thành, nhưng một bộ phận lớn khác lại trở thành những chú “gà công nghiệp”, con “mọt sách”, thiếu sức khỏe, thiếu kỹ năng sống, hạn chế ngoại ngữ, khó hòa nhập xã hội, ít tiếp cận với phẩm chất công dân toàn cầu. Chất lượng học sinh không toàn diện, học lệch, học tủ, giáo dục không hài hòa giữa các mặt Đức, Trí, Thể, Mỹ. Dẫn đến hệ quả, học sinh hệ chuyên trượt ĐH do học sâu đơn môn, ít học liên môn.
Theo ông Ân, hệ chuyên về cơ bản là không phù hợp với triết lý giáo dục đổi mới. Ngoài ra, cũng chính hệ thống này đã tạo ra sự bất bình đẳng về hưởng thụ giáo dục cũng như môi trường giáo dục ở mỗi địa phương. Mỗi trường chuyên có hàng trăm cán bộ giáo viên giỏi để dạy cho khoảng 700-800 học sinh giỏi. Tỷ lệ giáo viên trên lớp quá cao và tỷ lệ học sinh trên một lớp quá thấp.
Làm thế nào để đổi mới dạy và học chuyên? Ông Ân phân tích, hướng đi cho hệ chuyên, có thể là việc phải thiết kế lại hệ chuyên. Dạy học đổi mới là dạy học hướng tới người học; Thay đổi lại phương thức thi cho hệ chuyên. Không thể duy trì cách tổ chức và nội dung thi học sinh giỏi quốc gia như hiện nay, nó quá đi sâu vào học thuật. Như vậy, cần thiết phải đổi mới toàn diện nếu không nói là cải tổ hệ chuyên ở Việt Nam hiện nay.