Theo đánh giá của Trung tâm Ứng cứu An toàn thông tin mạng (VNCERT) tại “Ngày An toàn Thông tin Việt Nam” năm 2019 vừa được tổ chức ngày 21/11 tại TP HCM, môi trường mạng tại Việt Nam đứng thứ ba thế giới về nhiễm mã độc. Các chuyên gia cho rằng, đây là một điều đáng lo ngại vì dù doanh nghiệp (DN), ngươi dân đã có ý thức hơn trong bảo vệ an toàn thông tin nhưng vẫn chưa đủ để mang đến một môi trường mạng trong sạch và an toàn hơn.
Quang cảnh Ngày An toàn Thông tin Việt Nam.
Chuyên gia bảo mật Trịnh Ngọc Minh cho rằng, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về nhiễm mã độc chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, các nước này đông dân hơn, nhiều máy tính hơn, nên nếu nói về trung bình thì có thể Việt Nam nhiễm mã độc cao nhất. Nguyên nhân theo ông Minh là sự “phòng thủ” của chúng ta còn yếu, người dân và đặc biệt DN còn chưa chú tâm và các hành động phòng có chủ đích, còn bấm vào link lại, email ẩn danh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông ví von cuộc sống thật và ảo đều giống nhau, để bảo vệ tài sản trong nhà thì phải có cửa, có cổng, cổng nhà lỏng lẻo thì dễ mất tài sàn. Tương tự như cổng bảo vệ thông tin của còn rất lỏng nên kẻ trộm dễ xâm nhập lấy cắp dữ liệu, thông tin và đó cũng chính là tài sản của chúng ta. Ông Hưng cho rằng, cần phải xác định phòng bệnh trước khi chữa bệnh.
Sau nhiều năm khuyến khích, cảnh báo người dân về những tác hại của mất an toàn thông tin trên môi trường mạng, Việt Nam đã xếp hạng thứ 50 trên 175 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá, và tăng 50 hạng so với chỉ số năm 2017. Đây là tín hiệu tốt nhưng chưa mang lại sự an tâm đối với DN và người dân. Theo các chuyên gia, vẫn còn 81% DN không biết hoặc không có quy trình xử lý sự cố.
Cũng theo ông Trịnh Ngọc Minh, hiện vẫn còn 81% DN không biết hoặc không có quy trình xử lý sự cố. Thường khi bị tấn công mạng, họ chỉ biết rút dây mạng và tắt máy. Mà như vậy là vẫn không bảo vệ được hệ thống. Mã độc vẫn còn đó mà âm ỷ hoạt động. Cái chính là phải có bộ tường lửa để đánh chặn.
Một chuyên gia khác cho rằng, để phòng ngừa, DN phải hiểu và có ngân sách hợp lý. Còn họ chưa thấy sự thiệt hại nên chưa chịu đầu tư để bảo vệ, khi thiệt hại thì đi cầu cứu, đi đâu tư. Đây chính là hình thức “mất bò mới lo làm chuồng”.
Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch chi hội An Toàn thông tin phía Nam, cho biết, dù đã có Chỉ thị số 14 về việc tổ chức phải chi 10% cho an toàn thông tin nhưng không nhiều tô chức thực hiện việc này.
Theo khảo sát mới nhất được công bố tại Ngày An Toàn thông tin 2019, chỉ có 14% trả lời có đầu tư trên 10% cho an toàn thông tin và đây là trở ngại lớn cho việc chuyển đổi một môi trường mạng an toàn hơn cho người dân và DN.
Các chuyên gia tại ngày hội cũng kiến nghị đến các DN nên ưu tiên sử dụng các công cụ nội địa hóa để ngày một tự chủ hơn về công nghệ và tạo môi trường cho các DN an toàn thông tin Việt Nam phát triển và coi an toàn thông tin như một đầu tư phòng chống rủi ro với những tiêu chí về hiệu quả rõ ràng. Qua đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin có thể phát triển và lớn mạnh bền vững, bên cạnh sự phát triển của DN.
Lam Hồng