Môi trường để văn hóa đọc lan tỏa

Minh Quân 21/04/2023 07:32

Với sự bùng nổ của công nghệ, văn hóa đọc đang bị chi phối bởi mạng xã hội và các thiết bị điện tử thông minh. Điều này dẫn tới nhu cầu đọc sách của người dân giảm sút. Vì vậy đã đến lúc cần có những hướng tiếp cận mới.

Nuôi dưỡng và phát triển văn hóa cần một môi trường tốt. Ảnh: Quang Vinh.

Xu hướng thay đổi

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Trước đó, có một thời gian, con số thống kê trung bình mỗi năm người Việt đọc 0,8 cuốn sách khiến nhiều người bày tỏ nỗi lo âu. Gần đây, một số liệu khác làm người ta có phần lạc quan hơn: mỗi năm người Việt đọc 4,2 cuốn sách. Với những số liệu trên cho thấy, số người hiện nay đọc sách khá thấp so với một số quốc gia trong khu vực. Mặc dù tổng số lượng sách xuất bản hàng năm là tương đối lớn. Nhưng nếu nhìn vào dân số của Việt Nam đã xấp xỉ 100 triệu dân mà mỗi đầu sách chỉ in từ 1.000-2.000 cuốn thì điều đó phần nào nói lên sức hấp dẫn của việc đọc sách đã không còn như xưa.

Mặc dù vậy, có một tín hiệu khả quan là có đến 70% người dân Việt Nam sử dụng Internet, nằm trong nhóm đầu thế giới, lại đang mở ra hướng đi mới trong việc tiếp cận văn hoá đọc. Thời gian qua, với sự chuyển đổi số, việc tiếp cận sách tại Việt Nam đang có nhiều thay đổi, đặc biệt đến từ giới trẻ và hiện đang hình thành một thói quen mới đó là thói quen “nghe sách”, sách điện tử. Để thích ứng với nhu cầu này, nhiều nhà xuất bản đã mở thêm kênh xuất bản sách điện tử, từ thể loại lật đơn giản như sách truyền thống đến sách tương tác, sách 3D, hay gần đây nhất là sách nói. Tuy nhiên, dù có những ưu điểm như cập nhật nhanh, lưu trữ tốt, nhiều người cũng đặt ra những lo ngại liên quan đến loại hình sách điện tử như ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng thiết bị điện tử để đọc sách quá lâu…

Nhìn nhận về xu hướng này, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, văn hóa đọc ngày nay còn bị chi phối bởi cách đọc đã thay đổi. Chúng ta đã đánh mất văn hóa đọc trong một vài thế hệ. Đến khi chúng ta nhận ra điều ấy thì cũng là lúc công nghệ truyền thông của thời đại mới ùa vào và mang theo sự đe dọa với văn hóa đọc. Ngày càng có xu hướng người trẻ không đủ thời gian để đọc trọn vẹn một tác phẩm, thay vào đó, họ đọc vì mục tiêu, cách ứng dụng sách vào thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, ebook (sách điện tử), audiobook (sách nói) cũng phát triển hơn. Tuy nhiên, để hưởng thụ trọn vẹn tinh thần một tác phẩm văn học nghệ thuật sâu sắc, tôi nghĩ ebook hay audio book không thể thay thế được sách in truyền thống.

Mặc dù vậy, ông Thiều cũng cho rằng, xu hướng đọc ebook, hay audiobook dẫu sao vẫn đáng khích lệ, bởi rõ ràng, không nên áp thói quen đọc của thế hệ này với thế hệ khác. Tôi chưa hình dung đến việc những tác phẩm văn học nghệ thuật đến một ngày nào đó sẽ chỉ còn được “đọc bằng tai”, nhưng tôi tin rằng mỗi cách tiếp cận sẽ mang lại một giá trị khác nhau. Có thể trong một không gian yên tĩnh trên bàn, tôi chọn đọc một cuốn sách giấy. Nhưng khi đang lái xe trên đường, thì tôi chắc chắn sẽ chọn audio book. “Cách thức tiếp cận sách sẽ thay đổi, nhưng theo hướng tích cực, nó tạo nên sự đa dạng cho người đọc, khiến văn hóa đọc lan rộng hơn” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ.

Nâng cao chất lượng sách

Hiện nay, mặc dù các sản phẩm xuất bản khá đa dạng, nhưng có một thực trạng đáng buồn là thị trường sách hiện nay nạn sách giả, sách lậu… vẫn đang tồn tại như một vấn nạn. Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, sách được bán trực tuyến nhiều so với bán trực tiếp tại các nhà sách hay trung tâm thương mại. Tất nhiên, hình ảnh sản phẩm được rao bán trên mạng xã hội được chụp từ sản phẩm “thật”. Nhưng “thật” hay “giả” thì chỉ đến khi nhận hàng, người tiêu dùng mới biết được.

Bên cạnh sách in thì sách nói (audio book) và sách điện tử (ebook) lại càng dễ dàng bị làm giả, sao chép. Như vậy, khái niệm “sách giả” đã mở rộng khái niệm và cần phải tìm các giải pháp phù hợp để đối phó, ngăn chặn. Thậm chí, các vụ việc liên quan tới sách giả, sách lậu khi bị phát giác đều đang ở trong giai đoạn bán ra thị trường với số lượng lớn. Hoạt động sản xuất in ấn đã được đầu tư bằng dây chuyền công nghệ hiện đại, quy trình vận hành khép kín và được ngụy trang bằng các công ty kinh doanh tư nhân với đầy đủ tư cách pháp nhân.

Nâng tầm văn hóa đọc đang là một hành trình dài đầy gian nan. Theo Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng, chúng ta có Ngày sách, Đường sách, hội sách, các cuộc thi bình sách, cuốn sách tôi yêu, tổ chức cuộc thi đại sứ văn hóa đọc… Đó đều là các hoạt động mang tính phong trào góp phần truyền cảm hứng, thúc đẩy cộng đồng đến với sách. Song về căn bản, muốn hình thành, phát triển một nền văn hóa đọc lâu dài thì phải giúp hình thành một thói quen đọc sách trong cộng đồng, và thói quen đó phải hình thành từ tuổi thơ, từ trong môi trường gia đình và trường học. Một cá nhân muốn có thói quen đọc từ nhỏ thì thói quen đó phải được lặp đi lặp lại, diễn ra thường xuyên trong chu kỳ lâu dài.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, để khuyến khích lòng ham đọc sách và xây dựng một cộng đồng nuôi mầm “ham đọc sách” thì bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc khuyến khích việc đọc sách, phụ huynh phải có ý thức về việc đọc sách và trao truyền ý thức đó cho con trẻ, cùng nhau chia sẻ sách giữa bố mẹ và con cái, dành thời gian để cho con đọc sách. Nhà trường cũng cần tập cho học sinh có được thói quen đọc sách, hướng dẫn các em lựa chọn sách, cách đọc sách. Có một môi trường tốt, mới có những “mầm tốt” phát triển”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Môi trường để văn hóa đọc lan tỏa