Cũng như các nước trên thế giới, nước ta hiện đang đối diện với nhiều vấn đề môi trường gay gắt, hệ sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng, săn bắn trộm động vật hoang dã... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của con người và sự phát triển bền vững của đất nước đòi hỏi mỗi cá nhân, tập thể phải nỗ lực hơn nữa để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Ảnh hưởng của hệ sinh thái bị suy thoái
Theo nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng như nạn phá rừng, sói mòn đất, việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên ven biển đe dọa tới các hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và sự cạn kiệt nguồn gen.
Bên cạnh đó, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho rằng, hiện nay, diện tích các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm, nhiều nhà máy xả ra chất thải công nghiệp, sinh hoạt, chất độc hại của quá trình sản xuất không được xử lý nghiêm túc mà đưa trực tiếp vào môi trường, gây tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái, gây bệnh tật cho người dân.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cả nước có hơn 5.400 làng nghề, riêng Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề, tuy nhiên 95% hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, hơn 50% gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ nhìn chung lạc hậu, chưa đầu tư thích đáng vào xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải.
Nồng độ bụi ở đô thị vượt quá nhiều lần chỉ tiêu cho phép. Nồng độ khí thải CO2 nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến 2,5 lần. Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn cũng là vấn đề nan giải đối với các khu dân cư.
Giải pháp bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên
Trước tình trạng hệ sinh thái bị suy thoái sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam đang nỗ lực để bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế và thực hiện mở rộng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên.
Theo PGS, TSKH Trần Nguyễn Tuyên - Hội đồng lý luận Trung ương, thời gian tới, để thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong điều kiện mới, cần tiếp tục thay đổi nhận thức, tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của môi trường sinh thái, trên cơ sở này xây dựng ý thức sinh thái, tức là làm cho mọi người nhận thức được một cách tự giác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.
Chủ trương không nhập công nghệ gây ô nhiễm môi trường sinh thái với bất kỳ điều kiện nào. Phát triển kinh tế trên sự hủy hoại môi trường cũng đồng nghĩa với sự kết án tương lai của mình. Mục tiêu chuyển giao công nghệ phải làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm vấn đề môi trường sinh thái.
Khắc phục tình trạng tiêu xài phung phí nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được (các nguyên, nhiên liệu hóa thạch), cần tận dụng tối đa tính năng vốn có sử dụng tài nguyên thiên nhiên từ bề rộng sang bề sâu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Triển khai thực hiện đầy đủ Luật bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm về tài nguyên môi trường, tập trung xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả của chiến tranh. Tăng cường giám sát công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu đông dân cư. Cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn.
Nhờ sự chỉ đạo, nỗ lực không ngừng nghỉ của các ban ngành, địa phương, đến nay, Việt Nam đã thiết lập các hành lang đa dạng sinh học kết nối các sinh cảnh nơi có các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng 3 khu vực ưu tiên bảo tồn hổ tại Khu bảo tồn liên biên giới với Lào và Campuchia (Vườn Quốc gia Phù Mát - Nghệ An; Khu bảo tồn Sốp cộp - Sơn La và Vườn Quốc gia Yok Đôn - Đắk Lắk); phối hợp với Lào và Campuchia xây dựng Cụm bảo tồn xuyên biên giới Virachay, Dong Am Phan và Chư Mom Rây; điều tra, đánh giá giá trị và dịch vụ hệ sinh thái của các khu bảo tồn thiên nhiên; xây dựng kế hoạch dài hạn về đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn và thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững trong vùng đệm…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh, bảo đảm diện tích rừng nguyên sinh được bảo vệ ở mức 0,57 triệu ha; thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; khoanh nuôi, tái sinh rừng trong các chương trình trồng rừng, thực hiện các biện pháp làm giàu rừng bằng cây bản địa và đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống cháy rừng, nâng cao năng lực ứng phó với cháy rừng ở các cấp; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Thực hiện Kế hoạch bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên đối với các lưu vực sông trọng yếu; ưu tiên cho các hệ thống sông quan trọng như sông Hồng, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba - sông Côn, sông Đồng Nai và sông Cửu Long…
Được biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, phục hồi 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.