Tiếng dân

Mòn mỏi chờ di dời khỏi vùng lõi di sản

Đình Minh 29/12/2023 08:24

Đã 5 năm trôi qua kể từ ngày được chính quyền tổ chức đo đạc, kiểm đếm tài sản nhưng tới nay, 9 hộ dân ở xóm 9, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) nằm trong vùng lõi của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An vẫn chưa nhận được đền bù để di dời đến nơi ở mới.

bai-chinh.jpg
9 hộ dân ở xóm 9, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) sống trong những ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đ. Minh.

Được biết, do nằm trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, 9 hộ dân tại xóm 9, xã Gia Sinh thuộc diện phải di dời đến nơi ở khác để đảm bảo phù hợp với các định hướng và giải pháp quy hoạch vùng di sản đã được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt. Năm 2018, UBND huyện Gia Viễn đã tiến hành đo đạc, kiểm đếm tài sản trên diện tích 10.730m2, gồm đất vườn và đất ở của 9 hộ trên để tổ chức bồi thường theo quy định. Song, kể từ thời điểm đó đến nay, mọi việc không có gì tiến triển, các hộ dân vẫn ngày ngày phải sống trong những căn nhà xuống cấp, chờ sập mà không được sửa chữa.

Trên con đường rải đá cấp phối dẫn vào một khu đất có nhiều cỏ dại, những căn nhà ngói, nhà cấp 4 bạc màu, sờn rêu phong được sắp xếp thẳng hàng. Ông Vũ Văn Thiệu (trú xóm 9) cho biết: Cả 3 thế hệ của gia đình đang sống chung trong căn nhà chỉ rộng vài chục mét vuông. Do quá chật chội, lại đông người nên nhiều lần, ông Thiệu lên xã xin tách khẩu cho con trai đã lập gia đình nhưng đều bị từ chối vì lý do đất đang nằm trong vùng di sản, không được xây sửa hay có biến động.

“Nhà cửa dột nát lắm rồi nên mỗi khi ngủ, cứ lo nó sẽ đổ sập rồi vùi lấp mình. Sống ở đây, sợ nhất là lúc mưa lớn vì nước chảy tràn từ nhà trên xuống nhà dưới, biến khu vực này thành cái ao tù đọng” - ông Thiệu kể.

Nằm sát nhà ông Thiệu, gia đình ông Hoàng Văn Đánh cũng chẳng khá khẩm hơn khi hàng loạt vấn đề như điện, nước sạch, nhà ở… luôn khiến ông đau đầu. "Điện chập chờn, thiếu đường nước sạch, đi ra bên ngoài thì gập ghềnh trên con đường đầy sỏi đá khiến người lớn còn khổ huống gì trẻ con. Hiện tại, chúng tôi chỉ mong muốn sớm được đền bù để di dời”- ông Đánh nói.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri đã vào những năm qua, các hộ dân ở đây đã nhiều lần ý kiến, kiến nghị các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ đền bù, sớm giải phóng mặt bằng để người dân có kinh phí di dời đến nơi ở khác. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi thứ vẫn chưa có kết quả.

Ông Phạm Hồng Hà - Phó Chủ tịch xã Gia Sinh cho biết: Nguyên nhân khiến 9 hộ dân chưa được di dời là do tỉnh, huyện chưa bố trí được kinh phí để chi trả đền bù. "Các hộ dân đều đồng thuận di dời và mong muốn chính quyền sớm triển khai. Về phía xã, cũng đã nhiều lần báo cáo lên huyện, năm 2018 huyện cũng về để đo đạc, kiểm đếm tài sản nhưng do khó khăn về kinh phí và mặt bằng tái định cư nên tới nay vẫn chưa làm được”- ông Hà nói.

Bà Vũ Thị Dược - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Liên quan đến việc di dời 9 hộ dân ra khỏi vùng lõi Di sản Tràng An, mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã có chủ trương bố trí nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2024 để hỗ trợ huyện thực hiện công tác đền bù. Từ đó, huyện đã lập dự toán với tổng kinh phí 55 tỷ đồng, trong đó, đền bù đất ở là gần 8 tỷ đồng, đất vườn là 18 tỷ đồng và tài sản trên đất là gần 29 tỷ đồng, sẽ triển khai trong năm 2024.

“Việc tổ chức di dời sớm 9 hộ dân sẽ giúp bảo tồn cảnh quan, môi trường trong khu vực vùng lõi của Di sản Tràng An, vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ quyết liệt chỉ đạo thực hiện” - bà Dược khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mòn mỏi chờ di dời khỏi vùng lõi di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO