Mấy ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm vụ việc một khách hàng thông qua ứng dụng mua đồ ăn của GrabFood đã đặt đơn hàng có giá trị hàng triệu đồng nhưng khi tài xế xe ôm tới giao dịch thì khách hàng huỷ đơn, tắt điện thoại không liên lạc. Hậu quả của việc này là người tài xế chịu trách nhiệm bởi anh ta là người trực tiếp mua, trả tiền cho quán ăn đơn hàng đó.
Tình trạng các tài xế của GrabFood bị huỷ đơn hàng, lãnh hậu quả đang xảy ra khá nhiều, với mật độ ngày một nhiều hơn. Nhưng phía cung cấp dịch vụ là Grab lại không có bất cứ một trách nhiệm liên quan hay hướng xử lý thoả đáng nào. Trong số các trường hợp tài xế bị huỷ đơn hàng, đại diện Grab chỉ trả lời là sẽ hỗ trợ các tài xế chứ thực tế không có quy định trách nhiệm nào của GrabFood chung trong các dịch vụ này.
Theo một số chuyên gia, giao dịch mua đồ ăn thông qua ứng dụng của GrabFood nhìn bên ngoài có vẻ như là giao dịch 3 bên gồm khách hàng, GrabFood và công ty bán đồ ăn, uống. Tuy nhiên thực tế lại phức tạp hơn khá nhiều bởi dù các bên gồm tài xế, GrabFood và công ty bán đồ ăn uống đều được lợi từ giao dịch này nhưng chỉ có tài xế là chịu thiệt hại khi xảy ra rủi ro. Dù mang đơn hàng đến cho các tài xế, GrabFood dễ dàng phủi trách nhiệm khi giao dịch không thành công vì bản thân công ty này cũng không có chế tài gì với khách hàng. Thậm chí với khách hàng trả tiền qua các ứng dụng ví điện tử, tiền trực tuyến ngân hàng thì phần thiệt thòi của các tài xế còn lớn hơn nữa. Cụ thể, quy định của GrabFood là sau khi giao dịch thành công với đơn hàng lớn hơn 500.000 đồng, phải từ 3-5 ngày tài xế mới nhận được tiền. Mà khách mua đồ ăn đã chuyển qua thẻ của Grab trong khi tài xế phải trả tiền trực tiếp trước khi mua đồ. Với hàng ngàn các giao dịch, số tiền mà Grab tạm giữ của tài xế trong khoảng thời gian 3-5 ngày cũng không hề nhỏ.
Không thể phủ nhận việc ứng dụng giao đồ ăn uống, mua đồ ăn uống trực tuyến trên mạng internet đang mang lại một số tiện ích và phát triển rất nhanh ở các thành phố lớn trong một vài năm qua. Các giao dịch cũng ngày càng lớn lớn, có những đơn hàng đồ ăn với trị giá lên đến vài triệu đồng nhưng trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các bên lại rất lỏng lẻo. Các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý dường như vẫn đứng ngoài các giao dịch này khi chưa có bất cứ các chế tài hay hoạt động nào để kiểm soát và cân bằng các giao dịch. Và khi xảy ra các sự cố, hậu quả thì phía tài xế, những người yếu thế nhất trong chuỗi giao dịch này lại phải chịu trách nhiệm.