Một bậc hiền tế

Nguyễn Trọng Văn 06/05/2022 06:16

Khi tôi vừa tới cổng đền thờ Quan thái tể Phạm Công Trứ đã thấy cửa đền rộng mở, tiếng người lao xao. Ngó mặt nhìn vào, cất tiếng chào tôi đã nghe những lời mời thân thiện. Hỏi ra mới biết ngày 17/3 âm lịch (tức ngày 17/4/2022), là ngày sinh nhật lần thứ 423 của Quan thái tể.

Đền thờ Phạm Công Trứ ở làng Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Tể tướng Phạm Công Trứ sinh ngày 17/3 năm Kỷ Hợi (1599) trong một gia đình Nho học, cha là Phạm Cai, mẹ là Nguyễn Thị Liên ở làng Liêu Xuyên, nay là làng Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ nhỏ ông đã rất ham học, phong thái giản dị, tính tình cương trực và nhân hậu. Được sự chăm sóc, dạy dỗ chu đáo của cha mẹ, lại được quan Huấn đạo Nguyễn Hiền (người ở xã An Tháp, cùng huyện) giúp đỡ, nên Phạm Công Trứ đã sớm nổi tiếng giỏi thơ, văn. Lớn lên, được vào học ở trường huyện Đường Hào (ông có học cả võ bị) và được xếp vào bậc "Nhiêu học" (tiên tiến xuất sắc bây giờ).

Năm 29 tuổi, Phạm Công Trứ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông (1619- 1643), được giao giữ chức Thái thượng Tự khanh ở Hàn Lâm viện. Cả sự nghiệp và cuộc đời của ông gắn liền với việc xây dựng và phò tá triều Lê-Trịnh thế kỷ XVII.

Trải 40 năm làm quan, Phạm Công Trứ (1599 – 1675) phò tá 5 đời vua Lê, 2 đời chúa Trịnh, từng giữ nhiều chức vụ và cương vị khác nhau, Phạm Công Trứ đã đạt đến đỉnh cao của công danh và quyền lực; là người mưu lược, luôn chăm lo việc nước, tài năng xuất chúng trên mọi lĩnh vực: Nội trị, văn hóa, sử học, ngoại giao.

Tiếp chuyện chúng tôi ngay tại ngôi đền thờ Quan thái tể Phạm Công Trứ nơi quê nhà, ngôi đền mới được khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 23 tháng Chạp năm ngoái. Các ông Phạm Tiến Nghĩa, hậu duệ đời thứ 14 của Phạm Công Trứ, trưởng tộc họ Phạm Công làng Thanh Xá; Phạm Văn Hoà, thư ký dòng họ và Phạm Minh Khôi, người trông nom Đền thờ đều phấn khởi. Đền được xây dựng lại trên nền đất của ngôi đền thờ cũ bằng nguồn kinh phí của tỉnh, huyện và xã. Vị trí đất ở ngay đầu làng, đâu như khi hay tin “Bậc hiền tế” Phạm Công Trứ qua đời, Triều đình nhà Hậu Lê đã truy ban cho ông danh Thái tể tức là vị Tể tướng suốt đời, cùng ban đất nơi quê nhà để làm khu mộ và đất để xây đền thờ cho ông.

Tượng Phạm Công Trứ trong đền thờ.

Trên lĩnh vực văn hóa xã hội Phạm Công Trứ có những đóng góp quan trọng. Đầu tiên là ban bố bản Lê triều giáo hóa điều luật (47 điều giáo hóa) nhằm chấn chỉnh tôn ti trật tự trong triều đình, khiến cho các kinh điển của Nho giáo thấm nhuần trong xã hội, làm cho nhân dân trở về với thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc.

Như để chứng minh cho điều vừa nói, ông Phạm Minh Khôi, người được dòng họ Phạm Công làng Thanh Xá vội vàng đi lấy một quyển sách mỏng. Thì ra đó là cuốn “Thân thế sự nghiệp Nhà sử học Phạm Công Trứ”. Sách chỉ chừng 100 trang A4, do con cháu dòng họ Phạm Công sưu tầm rồi biên soạn thành tập. Trong cuốn sách có nhiều ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp vô cùng đáng nể của Tể tướng Phạm Công Trứ.

Ở trang ghi chép về 47 điều giáo hoá dân, theo Tể tướng Phạm Công Trứ răn dạy: Làm tôi hết lòng trung. Làm con giữ đạo hiếu. Anh em hòa thuận nhau. Hay như: Không được cậy mạnh mà lấn áp kẻ yếu. Không được gây kiện tụng làm lợi riêng. Thú vị hơn là có những điều răn dạy xem ra còn ý nghĩa với hiện nay như: Không được chiếm đường đi chung làm vườn tược. Không được cậy quyền thế mà gửi gắm kiện tụng. Người đi thưa kiện không được thêu dệt vu oan cho người… Chỉ có 47 điều răn sao mà thấy quan Tể tướng Phạm Công Trứ luôn đau đáu với chuyện đời, chuyện xã hội. Ông để ý tới từng chi tiết nhỏ và nói tới từng việc nhỏ thật chu đáo.

Các ông trong Hội đồng gia tộc dòng họ Phạm Công làng Thanh Xá hào hứng cho biết thêm nhiều điều về người con ưu tú của dòng họ. Theo như ghi chép trong cuốn sách mỏng thì tuy tuổi đã cao, ngoài 70, Phạm Công Trứ vẫn được Triều đình ái mộ, được quân thần tin cậy. Thời kỳ ấy nhà Hậu Lê cũng đang suy dần, Chúa Trịnh lấn áp nên Phạm Công Trứ nhìn cảnh mà lòng đau. Đấy là tình cảnh đất nước còn nghèo, dân còn đói vậy mà Triều đình rồi các Nha dinh cùng quan lại dùng vàng bạc để trang sức, Phạm Công Trứ bằng uy tín của mình đã ra sức can Vua và đề xuất chuyển số trang sức xa hoa làm phụ phí cho binh lính.

Năm 1660 (Canh Tý) Phạm Công Trứ cùng với ông Dương Chí Trạch tâu lên Nhà Vua chuyện tiết kiệm trong việc tổ chức thi Hương, đồng thời kiểm tra lại việc thưởng phạt cho nghiêm minh. Người xưa con nhắc lại chuyện, đó là vào năm 1664 Phạm Công Trứ nhận thấy trong việc đo lường đong thưng còn có sự bất công, thậm chí bất đồng giữa các nơi nên ông đã tấu trình lên Vua cho sửa lại các loại thưng, các loại đấu thưng cho thống nhất, công bằng và bình đẳng để sử dụng trong toàn đất nước.

Chuyện về người, chuyện về họ mỗi lúc mỗi thêm rôm rả. Trong ngôi đền thờ, tôi cùng con cháu dòng họ Phạm Công nâng chén rượu thơm cùng chúc mừng ngày sinh nhật của Quan thái tể, để bày tỏ sự mến mộ và cảm phục về một con người một lòng trung với Vua, một lòng hiếu với dân với nước. Ông Phạm Tiến Nghĩa khoe rằng “Đền còn lưu giữ được bộ Tứ thống bằng đá. Đó được xem như là bộ Huân chương có một không hai mà Triều đình ban tặng cho Phạm Công Trứ”. Tôi thực sự bất ngờ về câu chuyện này bởi “Tấm huân chương” bằng đá tuy không thể đeo lên ngực để “làm dáng” nhưng nó lại trường tồn, mãi mãi cho con cháu niềm tự hào.

Câu chuyện dần dà chuyển hướng. Thì ra làng Thanh Xá hiện nay vốn là làng Liêu Xuyên cổ. Ông Nghĩa cho hay: Thuở xưa làng Liêu Xuyên là một làng cổ phảng phất vẻ đẹp huyền thoại và thơ mộng. Bìa làng có dòng Hồ Lô uốn lượn cùng 3 dòng nước chảy theo hình chữ “Xuyên”, tạo nên dòng tứ thủy biểu hiện sự phát tiết nhân tài.

Con cháu dòng họ Phạm Công dâng hương nhân ngày sinh lần thứ 423 của Tể tướng Phạm Công Trứ.

Người dân làng Thanh Xá còn sâu đậm về câu ca “Đầu làng Tể tướng. Cuối làng Trạng nguyên” bởi làng ngoài có Tể tướng Phạm Công Trứ ra còn có quan Trạng nguyên Đỗ Thế Diên. Ông Phạm Văn Hòa cho biết thêm: Đỗ Thế Diên vốn là một cậu bé quét lá đa, con nhà nông dân nghèo khó nhưng nổi tiếng thông minh học một biết mười, ông giành bảng vàng và là người khai khoa cho nền khoa cử Hưng Yên nói riêng và cả xứ Đông xưa, được nhà vua tặng danh hiệu “Đông Hải Văn Khôi”. Vào thời nhà Lý chưa có học vị Trạng nguyên, học vị này về sau mới có. Nhưng do Đỗ Thế Diên đỗ đầu khoa thi nên người đời sau vẫn gọi ông là Trạng nguyên.

Tôi đã đọc được trong cuốn sách về thân thế sự nghiệp Phạm Công Trứ và nhận thấy một điều thú vị. Bên cạnh các ghi chép chuyện làm quan, chuyện giúp Vua ra thì cuốn sách còn kể lại những mẩu chuyện về đời tư của Phạm Công Trứ. Có câu chuyện kể rằng: Khi Phạm Công Trứ đang làm Tướng quốc trong triều thì một hôm có người khách Nhật Bản làm nghề buôn bán xin tới yết kiến. Vị lái buôn người Nhật ấy mang theo 4 chiếc hòm lớn. Một hòm đựng đầy vàng. Hai hòm đựng chật lụa là gấm vóc và hòm kia đựng những chiếc thống hoa vô cùng quý giá. Hay biết chuyện đó nên Phạm Công Trứ từ chối không gặp.

Chuyện còn kể tiếp: Tuy làm quan tới chức Tể tướng nhưng chi tiêu trong nhà của Phạm Công Trứ đều dựa vào lương bổng nên việc chi tiêu cũng hết sức thanh bạch, hết sức kiệm ước. Nhà Vua hay chuyện nên cho phép các khoản thu phạt từ các xứ được bao nhiêu thì quan Tể tướng được sử dụng một phần.

Phạm Công Trứ không làm theo mà ông cho tất cả tiền thu phạt đó vào một chiếc hòm và đặt ngay giữa công đường chứ không để ở nhà mình. Phạm Công Trứ bảo: “Đây là tiền chuộc phạt. Chuộc phạt thì hiển nhiên là tiền của Nhà nước vậy nên vợ con không ai được chi tiêu hoặc đem đi tậu ruộng”. Chính sự trong sạch và nghiêm minh của mình mà con cháu trong nhà quan Tể tướng Phạm Công Trứ nhất tâm nghe theo. Tiếng tốt lưu đến ngày nay.

Nắng mới đã phơi khô sân đền. Trong nắng đầu hè mái ngói đỏ tươi của ngôi đền thờ Phạm Công Trứ như sáng rực lên. Tôi ngước nhìn lên pho tượng Phạm Công Trứ được đặt trang trọng trong chính điện. Hình ảnh về một bậc hiền tế gieo vào lòng tôi nhiều cảm phục.

4/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một bậc hiền tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO