“Một hành trình ba điểm đến”, là ý tưởng phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với 3 tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp). Đây là tour du lịch giúp du khách hoà mình với thiên nhiên sông nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chứng kiến Lễ kí kết thỏa thuận giữa TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Phát triển tour “du lịch chậm”
Mới đây tại Đồng Tháp, đại diện TP Hồ Chí Minh cùng với 3 tỉnh vùng Đồng Tháp Mười gồm Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp đã bàn về ý tưởng và ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch, trong đó TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười sẽ tập trung khai thác tour du lịch trải nghiệm “Một hành trình ba điểm đến” bằng đường thủy và đường bộ.
Để tour du lịch được triển khai có hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh của tiểu vùng Đồng Tháp Mười tăng cường quảng bá du lịch, xây dựng tour theo hướng “du lịch chậm”, gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian khách lưu trú ở các điểm đến để cảm thụ văn hoá sông nước.., đồng thời, các tỉnh chú ý tránh trùng lặp lại các dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước có diện tích 729.824ha, chiếm 18% diện tích tự nhiên của ĐBSCL, trải rộng trên 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang, gồm 22 huyện thị, thành, dân số 2,6 triệu người.
Sản phẩm bản địa của tiểu vùng cũng khá đa dạng như: lúa gạo, trái cây, thuỷ sản,... Có mùa lũ từ tháng 7 - 12 hàng năm. Đây là vùng đất có hệ sinh thái đa dạng như: hệ sinh thái rừng tràm, hệ sinh thái đồng cỏ ngập nước theo mùa,... gắn với các khu bảo tồn đất ngập nước như: Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim…
Với ý tưởng “Một hành trình ba điểm đến”, lộ trình mà du khách sẽ xuất phát tại TP Hồ Chí Minh sau đó khởi hành và dừng chân tại tỉnh Long An. Ở đây, du khách sẽ tham quan khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười. Hình ảnh chủ đạo của tỉnh Long An sẽ là cây tràm, ẩm thực gắn với cây hẹ nước.
Đến tỉnh Tiền Giang, du khách sẽ tham quan Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, với đặc sắc là hình ảnh vùng cây trái trên đất phèn, ẩm thực gắn liền với trái thơm.
Điểm kết thúc hành trình là Đồng Tháp - quê hương đất Sen hồng, du khách sẽ tham quan Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ quốc gia đặc biệt Gò Tháp và Vườn quốc gia Tràm Chim - khu Ramsa 2000 của thế giới, thứ 4 của Việt Nam và là danh lam thắng cảnh của Việt Nam với hình ảnh thiên nhiên hoang sơ với dấu ấn chủ đạo là hoa sen và ẩm thực chế biến từ sen.
Tránh trùng lắp sản phẩm du lịch
Phát biểu về ý tưởng “Một hành trình ba điểm đến”, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Các địa phương phải cùng nhau thiết kế tour du lịch phong phú, chất lượng, đặc sắc hơn và tránh sự trùng lặp. Về phía mình, TP Hồ Chí Minh sẽ kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong phát triển hạ tầng du lịch.
Tràm Chim Đồng Tháp nhìn từ trên cao. (Ảnh Quốc Trung).
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, liên kết phát triển Tiểu vùng Đồng Tháp Mười không phải là chia nhỏ một cái bánh mà là làm cho cái bánh lớn hơn để các bên cùng hưởng lợi.
Việc liên kết Tiểu vùng Đồng Tháp Mười là cơ sở để khu vực này khai thác hiệu quả những tiềm năng và lợi thế của Tiểu vùng đang có.
Vấn đề hiện nay được các địa phương quan tâm là việc các dịch vụ và sản phẩm du lịch trong tiểu vùng có nhiều điểm trùng lắp và chung chung.
Do đó, để phát triển ý tưởng “Một hành trình ba điểm đến”, cần phải tạo thêm nhiều điểm nhấn, đa dạng các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách.
Nếu cần thiết, cần đưa doanh nhiệp, chuyên gia du lịch tìm hiểu, trải nghiệm khu vực này để có cơ sở xác lập sản phẩm độc đáo, phục vụ chu đáo du khách.
Cũng tại hội nghị kết nối du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao sự liên kết giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong Tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Đồng thời chỉ đạo, TP Hồ Chí Minh phải giữ vai trò đầu tàu, đi đầu trong việc gắn kết, tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển.
Phó Thủ tướng lưu ý, muốn phát triển du lịch trong sự gắn kết, trước hết phải chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đổi mới phương thức kêu gọi xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh công tác truyền thông trong việc quảng bá hình ảnh du lịch.
Bên cạnh đó, cần lưu ý việc phát triển du lịch địa phương phải đặt trong mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng, chú trọng việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sự phát triển bền vững hệ sinh thái…