Một lần tới Cúc Phương

Hoài Dương 27/11/2016 14:10

Dân phượt truyền tai nhau, giờ bắt đầu là thời điểm đẹp để có thể khám phá rừng Cúc Phương, bởi mùa mưa rừng dữ dội vừa đi qua. Tới đây, cảm nhận sự mát lạnh và màu xanh ngút ngàn của rừng già giúp người ta quên đi mọi ưu phiền.

Một lần tới Cúc Phương

Lối mòn dẫn vào rừng.

Chúng tôi tới Cúc Phương vào một buổi chiều mùa đông. Lối vào rừng len lỏi xuyên qua những tán cây. Ánh nắng chiều đông nhàn nhạt nhường chỗ cho màn sương mỏng bảng lảng khắp không gian.

Đâu đây, vẳng nghe tiếng chim ríu rít gọi nhau về tổ, tiếng côn trùng lẩn mình rả rích trong đám cỏ xanh. Đêm xuống thật nhanh và bóng tối bao trùm khu rừng.

Từ cửa rừng vào đến giữa rừng khoảng 20 km, chạy xe trong tiếng gió rì rào không ngớt của ngàn lá cây khiến bất cứ ai cũng không vội đi nhanh, để thả lỏng người, hít hà thật sâu hương vị của rừng.

Những ngôi nhà gỗ nằm sâu giữa rừng hòa mình với cánh rừng là chỗ trú chân cho du khách. Trên ban công nhỏ của ngôi nhà nghỉ giữa rừng là bộ bàn ghế xinh xắn, người phục vụ bày tách trà thơm mùi thảo mộc sau bữa ăn tối.

Được ngồi hàn huyên với bạn bè trong một không gian ấm cúng giữa đại ngàn quả không còn gì thú vị bằng. Không gian trở nên lãng mạn với mùi gỗ trầm hương, đinh tử hương cùng hồi, quế phảng phất từ chiếc lư nhỏ trong ánh nến vàng óng như mật.

Sớm hôm sau, rừng đánh thức du khách bằng tiếng hót của loài chim sơn ca. Tiếng ríu rít líu lo khiến những kẻ hay ngủ nướng nhất cũng phải tựa tay chống cằm thưởng thức.

Không khí buổi sáng trong trẻo như pha lê, gõ cửa từng phòng khua cả nhóm dậy ăn sáng, uống cà phê lấy khí thế khám phá rừng Cúc Phương.

Một lần tới Cúc Phương - 1

Thú hoang dã trong rừng Cúc Phương.

Để tham quan trọn vẹn rừng Cúc Phương khám phá từng ngõ ngách trong rừng có nhiều cách như đạp xe xuyên rừng, đi bộ băng rừng già trên những con đường mòn nhỏ rậm rạp cây lá.

Tuy nhiên đa số du khách thích đi bộ hơn để cảm nhận rõ rệt nhất từng hơi thở của rừng trong mỗi bước chân đi. Ở đây, có một khẩu hiệu bảo vệ rừng gây ấn tượng mạnh: “Bạn không để lại gì, trừ những dấu chân/Bạn không lấy gì, ngoài những bức ảnh/Bạn không giết gì ngoài thời gian/Thế là bạn đang cùng chúng tôi gìn giữ thiên nhiên Cúc Phương”.

Phải chăng, chỉ cần những câu chữ nhẹ nhàng và không kém phần sâu sắc này mà rừng Cúc Phương còn giữ được khá vẹn nguyên cho tới ngày hôm nay?

Theo lời của người hướng dẫn viên: Hệ thực vật đã thống kê được 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu. Trong đó có những cây đại thụ như Chò xanh, Đăng, Sấu mà bạnh vè của chúng sừng sững như bức tường; hay những dây leo thân gỗ vừa to vừa dài, uốn lượn giữa các tầng rừng...

Một lần tới Cúc Phương - 2

Cây Chò xanh hơn ngàn năm tuổi.

Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 12 loài thực vật mới, trong đó có một chi và loài Lan rất hiếm (Vietorchis aurea Averyanov) chỉ phân bố tại một vùng rất hẹp trong rừng Cúc Phương.

Hệ động vật với 659 loài động vật có xương sống, gồm: 336 loài chim, 135 loài thú, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá. Trong đó có loài voọc đen mông trắng rất đẹp và hiếm, được chọn làm biểu tượng của rừng quốc gia Cúc Phương.

Thế giới côn trùng lại càng phong phú, đã ghi nhận gần 2.000 loài. Trong đó có loài Bọ que ngụy trang như cành cây, chỉ có thể nhận ra khi chúng cử động, hay xuất hiện rất nhiều vào mùa hè là các loài bướm sặc sỡ sắc màu... Có thể nói, đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.

Với địa hình Caxtơ nửa che phủ, rừng Cúc Phương còn có nhiều hang động đẹp và bí ẩn như: động Sơn cung, động Phò mã giáng...

Đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử cách nay từ 7.500 đến 12.000 năm, đó là hang Đắng (động người xưa), hang con Moong.

Đáng chú ý, Hang Con Moong vừa được công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt. Với độ dài khoảng 40m, thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m, hang Con Moong nổi bật với những thế mạnh của một di chỉ khảo cổ học độc đáo và nhiều bí ẩn ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Hang Con Moong có địa tầng văn hóa khá dầy, có sự đan xen kế tiếp nhau của đất sét, vỏ nhuyễn thể và các vệt tro than.

Từ đây, theo một con đường mòn trong rừng già, du khách sẽ gặp cây chò ngàn năm tuổi, cao 45m, đường kính 5m, có chu vi 20 người dang tay ôm mới giáp.

Những dây leo khổng lồ với đường kính gốc 0,5m, chạy dài khoảng 1km vắt ngang rừng và loài “đa bóp cổ” sẽ gây cho du khách sự ngạc nhiên, thán phục: hạt đa nảy mầm trên các hốc cây khác, khi rễ của chúng đã bám đất, chúng phát triển rất nhanh, bóp chết cây chủ. Du khách còn được chiêm ngưỡng những cây chò cao tới 70m, thân thẳng, tròn đều.

Bản người Mường cách Vườn quốc gia Cúc Phương chừng 16km, đường đến bản khá dài và phải qua nhiều đồi dốc cao. Đi thăm bản sẽ là chuyến du khảo hấp dẫn.

Bên triền sông Bưởi, những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang như nét chấm phá tuyệt vời giữa một khung cảnh núi rừng hoang sơ, lãng mạn...

Bà con dân tộc Mường hiền lành, vui vẻ, mến khách. Ven bờ sông Bưởi nước trắng xóa, tung bọt chảy về xuôi. Du khách ngẩn ngơ khi nghe tiếng hát trong trẻo của những cô gái Mường.

Nếu thích, du khách đi qua khu rừng già với nhiều dốc đá, leo lên đỉnh Mây Hạc cao 648m, cách trung tâm vườn quốc gia chừng 3km để chinh phục đỉnh núi cao nhất rừng Cúc Phương. Lên đến đỉnh núi những mệt nhọc sẽ tan biến đi. Bạn hít thở không khí trong lành và khoan thai, thong thả chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng, kỳ vĩ như trong tranh vẽ của miền núi Ninh Bình.

Tình cờ, trên các ngả rừng, nếu bạn gặp những bia đúc thì đừng vội sợ. Đó là những bia ghi công người Mường bản địa đã giữ rừng, sống chung với rừng trong quá khứ.

Hiện tại, còn một bản Mường sinh sống trong rừng sâu Cúc Phương, trong tương lai, những “tài nguyên” nhân văn này sẽ đóng góp cho du lịch Cúc Phương nếu biết tận dụng và khai thác một cách chuyên nghiệp. Gần đây, nhiều công ty du lịch đã có logo gắn với Cúc Phương trên hành trình tour dã ngoại.

Đến rừng Cúc Phương ngày mùa đông càng gợi cảm giác bí ẩn và hoang dã giữa đại ngàn. Dù đây cũng chỉ là một chuyến đi “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhưng để cảm nhận những miền thời gian sâu thẳm trong giây lát thì chỉ có thể là đến với Cúc Phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một lần tới Cúc Phương