Một mùa hè nóng bỏng

Thế Tuấn 13/07/2021 07:17

Suốt 1 tháng qua, hơn 31 triệu người tại miền Tây và Tây Nam nước Mỹ phải hứng chịu đợt nắng kỷ lục. Nhưng chưa hết, từ ngày 13/7, lại có một đợt nắng nóng nữa ập đến. Dự báo thành phố Las Vegas (bang Nevada), nhiệt độ có thể vượt kỷ lục 47,2 độ C trong khi tại công viên quốc gia Thung lũng chết, nhiệt độ ghi nhận lên đến 54 độ C, chỉ kém nhiệt độ kỷ lục  từng  ghi nhận tại đây là 61,6 độ C, vào ngày 10/7/1913.

Ảnh minh họa.

Theo Cục Khí tượng quốc gia Mỹ (NWS), nhiệt độ tuần này dự kiến sẽ cao hơn khoảng 10 độ C so với mức bình thường vào thời điểm này các năm trươc. Trước đó, dự báo là cao hơn khoảng 6,4 độ C. NWS khuyến cáo người dân tại vùng nắng nóng nên thường xuyên bù nước, tránh ra ngoài trời, mặc quần áo thoáng và lưu ý những dấu hiệu mất nhiệt, đột quỵ.

Đợt nắng nóng tuần trước đã làm gần 200 người tại hai bang Tây Bắc Mỹ là Oregon và Washington tử vong, trong khi tại tỉnh bang British Columbia của Canada có khoảng 500 ca tử vong (được cho là có liên quan tới nắng nóng).

Nhiệt độ cao bất thường

Sóng nhiệt đã phá vỡ kỷ lục gây ra nhiệt độ tăng cao và các vụ cháy rừng đã tàn phá một số khu vực ở Bắc Mỹ. Theo bà Kate Brown - Thống đốc bang Oregon (Mỹ), đợt nắng nóng kinh hoàng đã làm 95 người thiệt mạng, chỉ tính riêng ở bang này. Bên cạnh đó, nắng nóng ở phía Tây Bắc Mỹ và Tây Nam Canada cũng được cho là nguyên nhân khiến hàng trăm người tử vong.

Cùng với miền Tây Mỹ, Canada, các quốc gia Bắc Âu cũng đã phải hứng chịu đợt nắng nóng bất thường, khi khu vực Lapland (Phần Lan) ghi nhận ngày nóng nhất kể từ năm 1914. Một số khu vực của Thụy Điển đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục.

Nhà vận động khí hậu Greta Thunberg cho biết: “Tháng 6/2021 là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận ở thủ đô Stockholm, quê hương của tôi với một biên độ lớn. Trước đó, tháng 6 năm 2020 là tháng 6 nóng thứ 2 và tháng 6 nóng thứ ba là vào năm 2019”.

Tại Na Uy, Viện Khí tượng quốc gia đã xác nhận nhiệt độ ở mức 34 độ C ở Saltdal, nơi nằm gần Vòng Cực. Đây cũng là mức nhiệt cao nhất ở quốc gia này trong năm nay và chỉ thấp hơn 1,6 độ C so với mức kỷ lục trong lịch sử của Na Uy.

Vào cuối tuần qua, các quốc gia ở khu vực Bắc Âu đã ghi nhận nhiệt độ cao chưa từng thấy, tính từ năm 1844. Ngày 7/7, thị trấn Kevo ở Lapland (Phần Lan) đã báo cáo mức nhiệt 33,6 độ C- ngày nóng nhất kể từ năm 1914, khi mà thời điểm nhiệt độ được xác định là 34,7 độ C.

Tại New Zealand (nam bán cầu), tháng 6 vừa qua cũng là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận ở quốc gia này, nơi vốn có thời tiết mùa đông trong tháng 6. Viện Nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia New Zealand cho biết, nhiệt độ hàng ngày đã đạt mức trung bình 10,6 độ C trong tháng 6/2021, cao hơn mức trung bình 1,9 độ C mặc dù có đợt lạnh vào cuối tháng 6.

“New Zealand đã 13 lần ghi nhận mức nhiệt cao bất thường kể từ năm 1909. Tuy vậy, điều đáng báo động là trong 10 năm qua, nhiệt độ cao kỷ lục như vậy đã xảy ra đến 6 lần”, ông Chris Brandolino, nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia New Zealand nói.

Vẫn chưa phải là mùa hè nóng nhất

Vậy, câu hỏi đặt ra là: Vì sao thời tiết nắng nóng kỷ lục thiêu đốt khắp nơi trên thế giới?

Theo tờ Tech Daily, một hiện tượng được gọi là “vòm nhiệt” đã tạo tiền đề cho nhiệt độ cao đáng kể khi mùa hè khí tượng đang diễn ra. Khi mùa hè khí tượng vừa diễn ra, một số khu vực ở Bắc bán cầu đã cảm thấy nắng nóng vào đầu tháng 6/2021. Các nhà khí tượng học tại Washington cho rằng sóng nhiệt là kết quả của một “mái vòm nhiệt”.

Hiện tượng xảy ra khi áp suất cao ở tầng giữa đến tầng cao của bầu khí quyển hoạt động như một cái nắp, giữ không khí nóng khi nó bay lên và đẩy nó trở lại bề mặt để nóng hơn nữa. Hiện tượng này đã khiến nhiệt độ trên khắp Trung Đông tăng vọt vào tháng 7 và tháng 8/2015. Trong khi đó, đợt nắng nóng năm nay diễn ra khoảng một tháng trước khi nhiệt độ nóng nhất của mùa hè thường đến.

Diễn đàn Triển vọng Khí hậu ASEAN (ASEANCOF) đã đưa ra dự báo theo mùa cho khu vực Đông Nam Á từ tháng 6 đến tháng 8/2021. Theo đó, nhiệt độ trên mức trung bình được dự báo trên khu vực Đông Nam Á trong khoảng thời gian này. Các khu vực có khả năng có nhiệt độ trên mức bình thường cao nhất bao gồm miền Trung Myanmar, Malaysia, Singapore...

Theo giới khoa học khí tượng thủy văn, mùa hè năm 2021 này vẫn chưa phải là mùa hè nóng nhất, vì rằng tác động của biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng lên sẽ còn tác động lâu dài. Nói như tiến sĩ M.Collent - người đấu tranh cho môi trường thì chúng ta đã hủy hoại môi trường từng ngày từng giờ, muốn cứu vãn không thể trong chốc lát.

“Điều đó đòi hỏi nhận thức của các chính phủ khi bỏ tiền ra để bảo vệ trái đất. Cũng cần nhắc lại rằng, nếu chúng ta không tôn trọng bầu khí quyển thì tai họa sẽ giáng xuống đầu con cháu chúng ta”, TS M.Collent nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một mùa hè nóng bỏng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO