Nhiều địa phương đã bắt đầu xác nhận nhập học vào lớp 10 trường công. Nhìn lại một mùa thi thấy rất nhiều điều, đó là điểm chuẩn khó lường khiến cuộc thi bỗng mang tính may rủi; chênh lệch điểm giữa các trường của từng địa phương, nhất là ở Hà Nội và TPHCM. Cùng đó là việc nhiều trường luôn “giữ vững” vị trí tốp dưới suốt nhiều năm mà không có cách gì vượt thoát.
Thi vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT) công lập ở các thành phố lớn nhiều năm qua đã là một kỳ thi cam go, đầy hồi hộp với cả nước mắt và nụ cười. Không chỉ học sinh thi mà phụ huynh cũng... thi cùng con, lo cho con luyện thi, rồi lại chạy đôn chạy đáo tìm trường vừa sức chỉ mong sao con vào được trường công.
Cũng chính vì thế mà tại Hà Nội, kỳ thi năm nay nhiều phụ huynh và cả học sinh đã “ngã ngửa” khi trước đó để an toàn đã “né” các trường thường lấy điểm cao. Trong đó có Trường THPT Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng). Cả mẹ lẫn con đều không tin vào mắt mình khi điểm chuẩn trường này rơi tự do. Nếu như mùa thi trước (năm 2023) điểm chuẩn là 40 (trung bình 8 điểm/môn) thì mùa thi này chỉ cần 23,75 điểm (trung bình chỉ 4,75 điểm/môn) đã trúng tuyển.
Mà không chỉ riêng Trường Đoàn Kết, ở Hà Nội kỳ thi vào lớp 10 vừa qua nhiều trường “tốp trên” cũng hạ điểm chuẩn, như trường Kim Liên (giảm 1,5 điểm; từ 43,25 năm 2023 xuống 41,75 điểm). Trường Việt Đức (giảm từ 43 điểm xuống 41,25 điểm). Trường Trần Phú giảm từ 41,75 điểm xuống 39,5 điểm... Và cũng thật ngạc nhiên khi Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì) từ vị trí “đội sổ” về điểm chuẩn trong mùa thi năm 2023 với 17 điểm thì mùa thi này tăng lên tới 8 điểm, lên 25 điểm.
TPHCM cũng không khác Hà Nội nhiều khi có hơn 60 trường THPT giảm điểm chuẩn, so với gần 50 trường THPT tăng hoặc giữ nguyên điểm chuẩn ở mùa thi trước.
Việc trồi sụt điểm chuẩn như vậy là rất khó lường, dẫn đến việc tính toán chọn trường mang nhiều tính may rủi.
Một việc cũng rất cần nói nữa là chênh lệch điểm chuẩn thi vào THPT giữa khu vực các quận nội thành với các huyện ngoại thành, vẫn diễn ra như một căn bệnh mãn tính. Ví dụ, điểm chuẩn vào lớp 10 Trường THPT Quang Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội) năm học tới chỉ là 18 điểm. Theo công thức tính điểm chuẩn xét tuyển của Hà Nội [điểm chuẩn = (điểm môn Văn + Toán) x 2 + điểm môn Tiếng Anh] thì trung bình thí sinh vào trường này chỉ cần đạt 3,6 điểm/môn là đủ điểm đỗ.
Với điểm số như vậy, nếu so với Trường THPT Yên Hòa và THPT Chu Văn An (42,5 điểm mới đỗ) thì thật là “một trời một vực”.
Còn tại TPHCM, một số trường ở huyện Củ Chi, Cần Giờ, mức này chỉ khoảng 3,2 đến 3,5 điểm.
Việc rút ngắn khoảng cách chênh lệch điểm chuẩn thi vào THPT giữa khu vực các quận nội thành với các huyện ngoại thành ở các thành phố lớn liên tục được đặt ra. Điều đó cũng có nghĩa là phải nâng chất lượng dạy và học khu vực ngoại thành lên. Nhưng cho tới nay vẫn chỉ dừng lại trên lý thuyết khi mà việc đó đã kéo dài như vô tận.
Vì sao các trường “tốp dưới” không thể vươn lên được? Đó là câu hỏi không dễ gì tìm được câu trả lời nếu không thẳng thắn và dũng cảm nhìn sâu vào sự việc. Lâu nay, vẫn thường nghe lý giải từ ngành Giáo dục là do học sinh ngoại thành điều kiện sống không bằng nội thành. Tuy nhiên, từ lý giải này, 3 câu hỏi cần được đặt ra: Thứ nhất, vậy thì giải thích thế nào về việc học sinh nông thôn nhiều tỉnh có được học lực giỏi, kết quả thi cao? Thứ hai, ngành Giáo dục các thành phố lớn đã làm gì để nâng chất lượng dạy và học cho vùng ngoại thành? Thứ ba, chính quyền địa phương vì sao vẫn chấp nhận kết quả học tập, thi cử địa phương mình “thấp triền miên” như vậy?
Từ lâu, việc con cái đến trường đã là “gia sách” của hầu hết các gia đình. Việc đầu tư cho con cái học hành luôn chiếm phần lớn trong các chi phí của mỗi gia đình. Đầu tư lớn cũng là kỳ vọng lớn. Gia đình kỳ vọng, xã hội mong chờ, vấn đề trước hết là ngành Giáo dục đáp ứng ra sao.
Cũng như mọi mùa thi, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm nay có cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Nhưng nó là một mùa thi không lặng lẽ do vẫn tiếp tục tạo ra những đợt sóng tâm tư trong mỗi người, với mong muốn một nền giáo dục thực sự đổi mới.