Văn hóa

Một mùa Vu Lan ấm áp

An Nhiên 17/08/2024 06:28

Mùa Vu Lan đến mỗi năm lại như chạm vào miền sâu thẳm ký ức. Từ lâu, người dân đã gọi mùa Vu Lan là mùa Báo hiếu, với bóng dáng vững chãi của Cha và lung linh dịu hiền nụ cười của Mẹ.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rằng, từ năm 1072, khi vua Lý Nhân Tông thiết lễ trai đàn cầu siêu cho cha mẹ, sự kiện này đã trở thành tiền lệ cho lễ Vu Lan chứa chan ý nghĩa. Sau này, ngày lễ Vu Lan (nhằm ngày rằm tháng Bảy) được nối thêm ý nghĩa với nghi thức bông hồng cài áo, là chữ “hiếu” mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Trước, nghi thức này chỉ phổ biến trong các ngôi chùa dành cho phật tử, nhưng rồi do ý nghĩa cao quý, nó đã lan tỏa rộng rãi vào xã hội, như một nét văn hóa của người Việt. Những người cài một bông hoa màu hồng trên áo là thể hiện sự tự hào vì đang còn mẹ. Những ai không còn mẹ sẽ cài trên áo một bông hoa trắng với ý nghĩa tưởng nhớ khôn nguôi...

Dẫu biết báo hiếu cha mẹ không cần chờ đợi mỗi năm mới thực hiện một lần duy nhất, nhưng vào mùa Vu Lan thì điều đó càng nhắc nhở chúng ta về công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, công ơn của cha mẹ là điều thiêng liêng nhất trên đời này mà ai trong mỗi chúng ta cũng phải khắc ghi.

Cuộc sống nhiều ngổn ngang gấp gáp thì có lẽ mùa Vu Lan báo hiếu nhắc chúng ta cần sống chậm lại để suy ngẫm về cha mẹ, từ đó biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn.

Không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ vì không tình cảm nào sánh bằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Trong cuộc đời mỗi con người, thời gian bên cha mẹ là hữu hạn. Vì thế lại càng phải trân trọng từng phút giây và quan tâm chăm sóc cha mẹ nhiều hơn những khi còn có thể.

Văn học nước nhà từ cổ chí kim đều có những áng thơ văn tuyệt đẹp về người mẹ, về tình thương bao la và đức hy sinh không gì đo đếm của người mẹ. Trong gia tài thi ca đồ sộ của mình, cụ Nguyễn Bính có một bài thơ khá lạ, đó là bài “Lòng mẹ”. Bài thơ nói về tình cảm rất đặc biệt của người mẹ khi con gái đi lấy chồng. Nhà thơ viết: “Gái lớn ai không phải lấy chồng/Can gì mà khóc, nín đi không/Nín đi, mặc áo ra chào họ/Rõ quý con tôi, các chị trông (...) Đưa con ra đến cửa buồng thôi/Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi/Con ạ! đêm nay mình mẹ khóc/Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi”.

Cũng rất đặc biệt khi nữ sĩ Xuân Quỳnh có một bài thơ không viết về mẹ đẻ của mình mà viết về mẹ chồng. Đó là bài “Mẹ của anh”.

“Phải đâu mẹ của riêng anh/Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/Mẹ tuy không đẻ, không nuôi/Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong (...) Giữa ngàn hoa cỏ núi sông/Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ/Chắt chiu tự những ngày xưa/Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.

Mẹ là của riêng mỗi người nhưng người mẹ nào cũng thật đáng quý, đáng được trân trọng. Ở một ý nghĩa rộng lớn thì Mẹ còn là một biểu tượng vĩ đại về đất nước.

Mùa Vu Lan báo hiếu năm nay lại tới, vẳng đâu đây câu hát trong bài “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Mẹ là gió uốn quanh/Trên đời con thầm lặng/Trong câu hát thanh bình/Mẹ làm gió mong manh”...

Cha mẹ suốt đời lặng lẽ dõi theo mỗi bước đi của con cái. Cha mẹ không đòi hỏi gì ở con cái mà chỉ mong chúng hạnh phúc. Hãy biết rằng cha mẹ chỉ cần ở chúng ta tình yêu thương thôi...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một mùa Vu Lan ấm áp