“Không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”, “không thể hạ cánh an toàn”, đó là những cụm từ để nói về công cuộc chống tham nhũng nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong năm 2020.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ cuộc chiến chống tham nhũng lại mạnh mẽ đến thế. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức chia sẻ như vậy với Đại Đoàn Kết.
PV: Công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta thời gian qua đã có những kết quả chưa từng thấy. Ý kiến của ông thế nào?
Ông Nguyễn Viết Chức: “Lò chống tham nhũng” - đây là cụm từ có ý nghĩa thời sự rất cao. Vì sao chúng ta phải đốt lò là vì cần phải làm nóng, hâm nóng ý chí, ý nguyện của người Việt Nam mình.
Tôi nghĩ rằng công cuộc chống tham nhũng vẫn phải tiếp tục vì đây là nguyện vọng của người dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói rằng, không có ai ở ngoài vòng pháp luật. Không có ai tự cho mình có quyền muốn làm gì thì làm, không có vùng nào là vùng cấm cả trong công cuộc chống tham nhũng.
Theo ông, có thể nói gì về những kết quả ấn tượng trong công tác đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua?
- Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Rõ ràng, công cuộc chống tham nhũng chưa bao giờ có kết quả như vậy. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều người nhấn mạnh rằng, từ xưa đến nay chưa có cuộc nào đấu tranh chống tham nhũng nào lại quyết liệt đến thế, nhiều kết quả đến thế.
Còn việc “hạ cánh không an toàn”, chúng ta có thể nói gì về điều này, thưa ông?
- Thực tế đã cho thấy, trong cuộc đấu tranh này không có chuyện “hạ cánh an toàn”, nếu có tội thì bất kỳ lúc nào cũng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước pháp luật. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục, cảnh tỉnh răn đe cán bộ. Tôi cho rằng, kết quả chống tham nhũng không chỉ là kỷ luật được ai mà làm cho mọi người thấy rằng phải thượng tôn pháp luật. Thắng lợi của công cuộc chống tham nhũng là hợp ý Đảng lòng Dân. Nó cảnh tỉnh cho người ta dù ở vị trí nào cũng phải làm những việc tốt, việc tử tế, không được phép có quyền thì làm bừa bãi, coi Trời bằng vung.
Thưa ông, cuộc chiến chống tham nhũng thời gian qua, đã thu được nhiều thành công. Nhưng có thể nói phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy theo ông, đâu là rào cản?
- Có nhiều nguyên nhân ngáng trở công cuộc chống tham nhũng. Theo tôi, rào cản lớn nhất ở đây là cuộc đấu tranh này thậm chí cam go hơn cuộc đấu tranh với quân thù. Bởi vì ở đây không có kẻ thù mà vốn toàn là đồng đội của mình. Kể cả những người đã mắc khuyết điểm tôi cũng có biết một số người vốn là tốt, nhưng có thể họ đã sa ngã trong một phút giây nào đó. Đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó. Một người có khi buổi sáng là người tốt, nhưng chiều gặp một dự án với những món lợi họ có thể mờ mắt vì lợi ích. Chiến thắng bản thân mình là cuộc chiến khó nhất.
Tôi cho rằng, mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến chống tham nhũng là để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, dân tộc phải đi lên. Đặc biệt năm 2021 là năm đầu của thập kỷ mới đất nước bước vào trang sử mới làm sao có bước tiến bộ mới, tiến lên, không chấp nhận sự tụt hậu.
Chống tham nhũng không chỉ là tìm cho kỳ được ai là người tham nhũng, mà còn phải tìm cho được kẽ hở nào khiến người ta lợi dụng để tham nhũng. Kẽ hở như cạm bẫy khiến người ta phạm sai lầm. Đương nhiên, lỗi chính là ở cán bộ đó, không thể đổ tại cơ chế được. Nhưng người xây dựng cơ chế chính sách phải nghiên cứu nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng cán bộ đảng viên sa ngã, để “bịt” lại.
Cũng rất cần cảnh giác với tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan chức năng chống tham nhũng. Giải pháp để phòng chống việc này là gì, thưa ông?
-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh đừng để tham nhũng xảy ra trong chính cơ quan chống tham nhũng. Để không xảy ra điều đó thì theo tôi phải tính làm sao hoàn thiện cơ chế chính sách để người ta không muốn, không thể tham nhũng.
Tập trung tăng cường kiểm soát, giám sát hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, để công cuộc PCTN càng được đẩy mạnh. Theo ông, để hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ sắp tới, cần làm gì?
- Theo tôi, “lò” thiêu tham nhũng phải luôn luôn rực cháy, phải luôn nóng vì dân vì nước. Phải xem xét lại toàn bộ hệ thống pháp luật cũng như những chính sách để đảm bảo công bằng, dân chủ, văn minh. PCTN là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng. Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh PCTN không được chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng, không ngừng, không nghỉ, thiếu quyết liệt. Vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Lấy cái tốt át đi những cái xấu xa, thoái hóa, hư hỏng
Có thể thấy, cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng không kém phần gian nan, khó khăn và phức tạp vì biểu hiện của nó muôn hình vạn trạng. Việc chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ta trong cuộc đấu tranh PCTN nhiệm kỳ vừa qua đã tạo một hiệu ứng xã hội rất rộng lớn, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, thuận với ý nguyện của nhân dân và đó cũng là điều tất yếu để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Công cuộc chống giặc nội xâm cũng đã tạo ra xung lực để thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam phát triển hơn, hiệu quả hơn, có độ tin cậy của bạn bè quốc tế hơn về chính thể của Việt Nam.
Thông qua hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất, thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra công luận tất cả sự việc bê bối của nhiều tổ chức, cán bộ; đưa ra những hình thức xử lý kỷ luật, đồng thời chuyển sang cơ quan nhà nước để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo quy định. Nhiều vụ tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm. Chúng ta đã rất nhất quán giữa nói và làm, giữa mục đích, động cơ với phương pháp tiến hành và cả các quan điểm, nguyên tắc được thực hiện rất nhất quán, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, càng không có chuyện “hy sinh đời bố củng cố đời con”, “hạ cánh an toàn”. Xử lý cả những người đương chức và những người đã nghỉ hưu.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến đấu chống tham nhũng lần này theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta đã đưa ra quyết tâm phải tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của cả xã hội, giáo dục ý thức trách nhiệm, nhất là ý thức trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu; các cơ quan quyền lực của Nhà nước và nhất là phải thường xuyên tăng cường việc kiểm soát quyền lực để không có những kẽ hở, những lỗ hổng cho những kẻ lợi dụng những sơ hở đó để làm những điều bất minh, bất chính, mưu cầu lợi ích cá nhân.
Câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” cho thấy quyết tâm phòng chống “giặc nội xâm” và quyết xử lý vấn đề này đến nơi đến chốn, thể hiện rất rõ qua việc tổ chức chỉ đạo, thực hiện của Đảng, từ Nghị quyết Đại hội đến Nghị quyết Trung ương, gắn liền với việc xây dựng chỉnh đốn Đảng kể cả chính trị, tư tưởng tổ chức, nhất là xây dựng Đảng về đạo đức. Bởi vì Đảng trong sạch, vững mạnh từ đạo đức của đảng viên, mà đã là đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên thì đương nhiên phải xa lạ với tham nhũng. Cho nên đấu tranh chống tham nhũng không chỉ dùng sức mạnh của pháp lý mà còn dùng sức mạnh của dư luận xã hội, dùng sức mạnh của đạo đức, lấy cái tốt át đi những cái xấu xa, thoái hóa, hư hỏng.