Tinh hoa Việt

Một nẻo đất quê

ĐĂNG NGỌC 04/06/2024 10:16

Dù có đến bao miền đất lạ, nhưng tôi vẫn đau đáu một nẻo đất quê. Đất chẳng ở đâu xa, đất ở ngay trong tiếng vọng thẳm sâu từ lòng người. Nơi núm nhau, cuống rốn chôn sâu vào đất mà vẫn nối liền với ta, nuôi tâm hồn ta lớn lên...

ve-dep.jpg
Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Tôi sinh ra và lớn lên từ một vùng trung du, xung quanh xóm là những quả đồi bát úp, đầy sắc tím hoa sim, hoa mua và lau trắng. Xa xa phía Đông Bắc là dãy núi Sáng. Phía Nam là dòng sông Phó Đáy. Tôi chập chững những bước chân mẹ dắt trên khoảng sân nhà đầy sỏi đỏ và bụi bặm.

Mãi khi lên 8 tuổi, nhà mới có sân láng xi măng.

Những ngày hè, sau bữa cơm tối cả nhà trải chiếu uống nước chè xanh rồi nằm hưởng gió trời vi vút bờ tre, vui chuyện đời quê, nhìn trời để đoán thời tiết, “Trăng quầng thì hạn/ Trăng tán thì mưa”; “Mau sao thì nắng/Vắng sao thì mưa”. Khi thì ông nội, khi thì bố mẹ chỉ cho tôi biết sao Hôm mọc lúc trời chập tối, sao Mai mọc khi bình minh lên, giải Ngân hà là chi chít những vì sao…

Ngạn ngữ có câu nói đại ý, người ta có thể tách một người ra khỏi ngôi làng, nhưng không thể tách ngôi làng ra khỏi trái tim của một con người. Dù có đến bao miền đất lạ, nhưng tôi vẫn đau đáu một nẻo đất quê. Đất chẳng ở đâu xa, đất ở ngay trong tiếng vọng thẳm sâu từ lòng người.

Ông nội tôi giỏi Hán Nôm, thuộc nhiều truyện cổ tích, bảo mỗi con người sinh ra ứng với một ngôi sao. Sao Ngưu Lang, Chức Nữ bắt nguồn từ truyền thuyết có chi tiết nghe rất gần với tuổi thơ mình nên tôi thích thú và găm mãi vào trí nhớ: Ngưu Lang là vị thần chăn trâu, Chức Nữ là bà tiên dệt vải, họ yêu nhau thắm thiết đến nỗi đi chăn trâu để nó lạc vào Thiên cung làm Ngọc Hoàng nổi giận và hình phạt bằng cách đày mỗi người đi một ngả bên sông Ngân.

Nhưng rồi Ngọc Hoàng thấy hối hận vì cách trừng phạt đôi lứa nên cho hai người đoàn tụ mỗi năm một lần vào ngày 7/7 âm lịch (Thất tịch). Mỗi lần chia tay, những giọt nước mắt chất chứa niềm thương của họ rơi xuống mặt đất, người đời gọi đó là “mưa ngâu”, Ngưu Lang - Chức Nữ là ông Ngâu bà Ngâu.

Tôi hỏi, thế ông bà, bố mẹ cháu và cháu ứng với sao gì? Ông bảo, ông chỉ biết sơ qua thôi, các thầy xem tử vi - chiêm tinh họ mới tính được. Muốn đoán trúng được sao, được mệnh thì phải nhớ đúng ngày sinh tháng đẻ. Khai sinh của cháu là ngày này… tháng này… năm này…

Ông bảo, biết rồi, cháu tuổi Canh Dần, cầm tinh con hổ. Mẹ thì bảo, hổ gì mà bé tí như mèo, chỉ được cái leo trèo là giỏi. Và câu chuyện núm nhau của tôi được vun bồi sau mỗi lần cả nhà quây quần bên chiếu nước chè, nước vối và cũng là dịp để anh chị em tôi biết mỗi người đã được sinh hạ và lớn lên như thế nào.

Khi sinh ra tôi không cất tiếng khóc chào đời như anh chị tôi, bà “đỡ vườn” cứ theo phong tục cổ xưa, bảo bố tôi gọi ngay chị tôi đang chơi ở ngoài vườn vào khóc toáng lên để tôi theo đó mà khóc lên. Cất tiếng chào đời muộn màng như thế là “thằng gan lì lắm đây”. Bà đỡ dự đoán về tính cách tôi như vậy. Sau sinh được 3 tháng tôi được nằm vào đôi quang thúng cho bố và anh cả thay nhau gánh tản cư lên làng Bâm, cách xóm tôi gần 20 cây số.

Phải tản cư theo lệnh, vì sắp xảy ra trận chiến Xuân Trạch, vùng chiến sự có thể lan rộng tới xóm tôi, chỉ cách Xuân Trạch khoảng 3 cây số. Cuối tháng 12/1950, bộ đội ta nổ súng đánh địch ở Xuân Trạch (nay là một thôn của xã Xuân Hòa, Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Đây là mũi tiến công chính của quân Pháp nhằm phá tan chiến dịch Trung du của ta. Nhưng cuối cùng bộ đội ta đã đánh bại 2 tiểu đoàn dù và 1 tiểu đoàn lính lê dương, địch chịu thất bại nặng nề.

Sau khi yên hàn, dân xóm Giò và cả nhà tôi reo mừng được trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Khi sinh mún nhau tôi được đùm vào nón mê, chôn cạnh gốc cây mít vườn nhà. Mẹ tôi người giỏi cả nông và thương, đi khắp các chợ xa như Vũ Di, Then, Vàng, thậm chí vào cả chợ “Tề”- chợ còn trong vùng kiểm soát của quân Pháp.

Mẹ biết nhiều phong tục sinh nở nên nói chuyện mà lũ con cứ há hốc nghe: Khi sinh một đứa trẻ, phong tục mỗi vùng một khác, có nơi chọn người đẹp đẽ, hiền hòa để đón đứa trẻ từ tay bà mụ đỡ, cắt rốn bằng liềm, chôn nhau bằng nồi đất, cuống rốn rụng gác lên mái nhà mong cho con sáng dạ.

Còn phong tục nơi mình là cắt rốn bằng cật tre, chôn nhau thai bằng nón mê. Cuống rốn khi rụng cứ tung lên, rồi rơi bất cứ chỗ nào đó trong vườn. Làm vậy để khi lớn lên trẻ sáng dạ, ít gặp điều xui xẻo, có được nhiều may mắn. Còn bố thì bảo, khi cắt rốn bà đỡ không dùng dao sắc vì sợ trẻ sài đẹn. Đoạn rốn cắt phải dài bằng đoạn đùi trên của đứa trẻ, rắc bột đá nạo từ cối đá giã gạo vào cuống rốn để nó mau khô. Đem chôn nhau vào đất là phong tục nghìn đời của tổ tiên, nhằm ghi nhớ máu mủ của dòng họ và sau này đứa trẻ lớn lên có đi đâu cũng nhớ về nơi mình sinh ra và gia đình, quê hương trở thành nguồn cội…

Tôi cất tiếng khóc chào đời muộn, nhưng khi lớn lên không “lì” như bà mụ đoán, mà hay bị mắng “hơi tí là khóc nhè”. Dỗi lẩy, hờn mát mà cũng ngắn dài nước mắt, khóc vì ức khi bị bắt nạt, khóc vì so với bạn bè thua cái nọ kém cái kia, khóc khi nhớ nhà.

Lần đầu tiên tôi ngủ đêm ở nhà người lạ mà khóc đến không ngủ được. Chả là, năm học lớp 2, lần đầu tiên được bố cho đi bộ sang thăm thành phố Việt Trì, nơi có cây cầu nổi tiếng “điện sáng như sao”, cách nhà hơn chục cây số. Khi trở về khấp khởi mừng vì bố mua được bộ tông đơ cắt tóc cũ, để tự cắt, đến làng Đông Mật, một địa danh nằm bên bờ sông Phó Đáy, thì trời tối và đổ mưa nặng hạt. Hai bố con đành tìm một nhà dân ngủ lại. Lên chõng tre nằm một lát tự nhiên tôi òa khóc, khóc như bị đòn roi.

Bố hỏi, sao thế, con gì đốt à? Tôi nói “không” trong tiếng nấc. Bác chủ nhà cũng hỏi, nhưng rồi à lên: “Thằng này nhớ nhà rồi, giống hệt cu nhớn nhà tôi, cứ xa nhà là khóc tu tu”. Tôi thật sự nhớ nhà, nhớ những đêm hè nằm quay mặt vào tường xoa bàn tay lên tường trình mát mịm, hít hà cái mùi thơm của rễ cây vẫn còn vương nơi đất đá ong, không như cái mùi đất nền ẩm mốc vừa qua trận lụt của ngôi nhà lạ này. Tôi nhớ ông bà và mẹ sau giờ cơm tối ngồi chuyện trò suốt những mùa hè tuổi ấu thơ.

Ngày tôi tốt nghiệp phổ thông lên đường nhập ngũ, tiễn tôi cả nhà đều rơm rớm nước mắt, tôi khóc vì không biết bao giờ trở lại nơi chôn nhau cắt rốn. Nhớ lời ông nội, “đất là nơi sinh ký tử quy”- sự kết nối giữa mẹ và con bằng sợi dây rốn và tấm lá nhau thai bao bọc suốt chín tháng mười ngày, nó được hòa vào đất, rồi lúc chết người ta lại trở về với đất. Chính vì thế mà người ta gọi là “mẹ đất”- người mẹ hồng hoang, rồi “mẹ quê hương”.

Mỗi khi nhắc đến đất quê, lòng tôi chợt ứa đầy nỗi nhớ và sự thiêng liêng vọng lên từ sâu thẳm đáy lòng. Đất là mẹ, đất nâng đỡ từng bước chân tôi. Tuổi thơ tôi cũng như nhiều người đều gắn bó với đất, với ruộng vườn.

Ở nhà tường đất, nằm trên đất mà ngủ, ngồi trên đất mà ăn, từ nồi cá kho đến siêu thuốc bắc, dùng vật dụng làm từ đất mới giữ được hồn cốt, thơm ngon, tròn vị của miếng ăn, bát thuốc… Đất trở thành hơi thở của hoài niệm về một thời sống đơn sơ mà sao thấy đủ đầy.

Tôi lại nhớ lần gặp thầy Thích Tâm Hiệp, người xuất gia theo Phật từ lúc tuổi còn rất trẻ, nói cơ thể con người và sự sống được nhào nặn bởi “tứ đại” - bốn thành tố lớn là đất, nước, gió và lửa. Từ xa xưa, trong quan niệm dân gian hay trong quan niệm tâm linh, thì đất giữ một vai trò lớn lao, đất được xem là người mẹ, trẻ sơ sinh khi ẵm về nhà thì đặt bé nằm xuống đất một chút, trước khi đặt lên giường. Làm vậy đứa trẻ sẽ hấp thụ được sinh khí của đất mà lớn lên rắn rỏi, màu mỡ như đất vậy. Khi càng lớn lên, càng hiểu biết, người ta càng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Ngạn ngữ có câu nói đại ý, người ta có thể tách một người ra khỏi ngôi làng, nhưng không thể tách ngôi làng ra khỏi trái tim của một con người. Dù có đến bao miền đất lạ, nhưng tôi vẫn đau đáu một nẻo đất quê. Đất chẳng ở đâu xa, đất ở ngay trong tiếng vọng thẳm sâu từ lòng người. Nơi núm nhau, cuống rốn chôn sâu vào đất mà vẫn nối liền với ta, nuôi tâm hồn ta lớn lên...

Các đấng mày râu, có chí nam nhi chi họ Bùi chúng tôi, dù ở đâu cũng đã chọn “sinh phần” ở nơi có núm nhau đùm mảnh nón mê gửi vào lòng đất mẹ, mong linh khí nơi đất quê hòa quyện và dẫn nạp đến mình để có cuộc sống bình an, hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.

Mong muốn đặt “sinh phần” trong thời buổi bánh nhau thai đã thành “chất thải y tế” có vẻ như là không còn hợp lý, nhưng với chúng tôi đã trở thành văn hóa tâm linh, thứ văn hóa hướng về cội nguồn hẳn sẽ mãi mãi trường tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một nẻo đất quê