Quãng trước những ngày thu hoạch lúa, người quê tôi có một khoảng thời gian “nông nhàn”. Vụ lúa trước đã qua đủ lâu để thóc trong bồ sắp vét đến những hạt cuối cùng, trong khi vụ lúa mới thì chưa đến. Đấy là những ngày tháng “giáp hạt”, thóc gạo trong nhà sắp hết, nhiều gia đình phải ăn độn ngô khoai.
Tôi đọc đâu đó ở trong sách câu ca dao “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nhưng xem chừng câu mẹ tôi hay nói “Tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc” nó in vào trí não tôi sâu hơn thì phải.
Khi đó việc đồng áng thư thả nhưng lòng dạ nhà nông lại không mấy thảnh thơi. Ngày cánh đồng lúa bông trổ đòng đòng, nhà ai còn có đủ gạo ăn là sung sướng lắm rồi, yên tâm chờ mùa gặt tới. Sẽ chẳng có gì là vui khi mỗi ngày cái quây thóc trong buồng nhà mình vơi đi một ít và dần dần chạm đáy. Mùa gặt còn xa tức là nỗi lo ấy còn kéo dài trong khi bọn trẻ con chúng tôi đua nhau ăn như “tằm ăn rỗi”, bụng như cái thùng phuy không đáy, chả biết no là gì cả.
Chẳng phải bỗng nhiên mà sáng nay tôi nhớ đến nỗi niềm thiếu thốn của những tháng năm đã thật xa xôi ấy. Cô hàng xóm nhà tôi đang than thở giờ nhà ăn ít quá, mãi vẫn không hết một túi gạo mua trong siêu thị, cô ấy có vẻ chán gạo trắng xát kỹ nên mong nó hết mau để chuyển sang dùng loại gạo xát dối, vỏ còn nguyên cám.
Nghe nói loại đó còn giữ lại nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Các loại gạo trắng muốt ăn cơm dẻo mềm không phải là lựa chọn duy nhất nữa, gạo lứt chỉ xay bỏ vỏ trấu cũng là loại được nhiều người chọn lựa. Tôi chợt thấy thật may mắn khi cuộc sống ngày nay đã thay đổi, cái ăn cái mặc với nhiều người đã không còn là một mối lo âu thường trực nữa.
Câu chuyện cô hàng xóm nói sáng nay làm tôi nhớ đến chiếc cối xay lúa nặng nề trong gian bếp nhiều khói nhà mình ngày nào. Xay lúa giã gạo là một công việc vất vả, để có bát cơm trắng và dẻo mềm cần rất nhiều sức lực và sự kiên nhẫn.
Ý nghĩ giá hồi ấy mọi người thích ăn gạo giã dối chạy qua đầu tôi nhanh như một tia chớp. Nếu điều đó xảy ra, có khi cái áo của chị tôi hay mặc hồi ấy đã không thường xuyên loang ướt sau lưng mỗi khi xay lúa giã gạo và tôi có lẽ đã chẳng biết gì tới cái "quạt trần” làm từ mảnh cót lớn treo trên xà ngang căn bếp ám khói. Mỗi khi bố mẹ hay anh chị tôi xay lúa giã gạo, tôi lại dùng chiếc dây thừng buộc nối với tấm cót đó kéo qua kéo lại. Tấm cót chuyển động tạo nên luồng gió mang theo những vụn mồ hóng đen sì.
Chiếc “quạt” khổng lồ đó khiến tôi nảy ra một ao ước viển vông, giá như nhà mình có một cái cối xay gió giống như cái cối xay mà chàng hiệp sĩ Đôn Kihôtê ở xứ Mantra đánh nhau cùng trong cuốn truyện mà tôi hay đọc thì tốt biết mấy. Lúc đó chắc căn bếp sẽ luôn có gió mát và cả bố mẹ cũng như các anh chị không cần là những người luôn phải “ra tay gạo xay ra cám” nữa mà vẫn có đủ gạo trắng cho cả nhà ăn.
Bát cơm trắng muốt như bông suốt bao nhiêu năm là niềm ao ước của rất nhiều gia đình trong đó có nhà tôi. Những tháng ngày cũ kỹ ấy về lại trong tôi với tiếng kêu rù rì chậm chạp đầy nhọc nhằn và nhẫn nại của chiếc cối xay lúa trong căn bếp nhỏ. Nếu tiếng giã gạo thì thụp có thể vang xa đến tận nhà hàng xóm thì tiếng cối xay lúa chỉ có thể nghe thấy khi vào đến tận nơi.
Thường thì tôi hay chọn việc giã gạo chứ không chọn xay lúa vì giã gạo không đòi hỏi sự nhịp nhàng uyển chuyển và khéo léo như người xay lúa. Thực tình, tấm thân cò hương của tôi không đủ mạnh để làm chiếc cối xay chuyển động theo ý muốn.
Ngày ấy làng tôi nghèo như bao ngôi làng khác, còn lâu mới xuất hiện máy xay xát chạy bằng dầu, cứ mỗi lần nổ máy lại xịt ra những đám khói đen sì đặc sánh. Nhà ai phải có “điều kiện” lắm thì mới có cối xay cối giã. Những đồ vật ấy thể hiện sự no ấm sung túc của một mái nhà. Có thể vì nó cần một món tiền tích lũy kha khá, trong khi cuộc sống nhà nông đắp đổi qua ngày, đâu phải ngày một ngày hai mà có được.
Chúng tôi hồi ấy đã từng khá hãnh diện khi nhà mình không cần phải sang hàng xóm nhờ xay lúa giã gạo. Tôi nhớ không nhầm thì từ khi tôi còn bé đến lúc lớn lên, tức là lúc làng bên có máy xay xát thì nhà tôi cũng chỉ dùng một cái cối xay lúa duy nhất. Mỗi lần nó mòn vẹt hay vỡ hỏng thì bố mẹ cũng chỉ dám đón thợ về sửa chữa lại mà thôi. Chẳng có tiền đâu mà làm cối mới.
Ngày ấy, mỗi dịp nông nhàn, làng tôi thường có những tiếng rao “ai cối đây…” vang lên trong các con ngõ nhỏ. Những “ông phó cối” có tay nghề luôn được săn đón, có khi làm nhà này chưa xong đã có nhà khác dặn đến làm.
Dụng cụ ông ấy mang theo là hai cái bồ to tướng chứa rất nhiều dăm gỗ to như mấy ngón tay chụm lại, trong đó tôi nhớ là có một chiếc vồ đập đất rất lớn, nó chuyên dùng đập tơi những viên đất thó rồi nhào chúng lại thành một khối dẻo mịn. Chiếc vồ nhỏ hơn một chút sẽ được ông phó dùng để nêm những chiếc dăm gỗ xuống mặt cối bằng đất thó. Những dăm gỗ đó được nêm theo một hàng lối nhất định, nó sẽ giúp biến hạt thóc thành hạt gạo một cách tài tình.
Chúng tôi tuy thích xem ông phó cối làm việc nhưng lại rất cảnh giác với hai cái bồ lớn ông hay gánh theo.
Bạn tôi kể rằng chiếc bồ ấy đã có lần gánh theo một đứa trẻ con hay khóc lóc dỗi hờn, nó hình như không ngoan nên bị gánh đi bán lấy tiền. Nghĩ đến cái bồ đáng sợ ấy, tôi tự dưng hết dám ăn vạ và bà chị đành hanh cũng bỏ thói quen bắt nạt từ lúc nào chẳng rõ.
Trong xóm tôi hồi ấy nếu có nhà ai đóng cối mới là cả xóm đều biết tin. Ngày làm cối cũng phải chọn ngày “tốt”, trời nắng ráo và đặc biệt là lúc “tháng ba ngày tám” nông nhàn, công việc đồng áng bận rộn đã được gác lại. Sẽ thật may mắn khi gặp được những người thợ khéo léo và cẩn thận, chiếc cối làm xong quay êm, nhẹ, trơn tru, hạt gạo không “sống” cũng không “đớn” là điều cả chủ và thợ đều muốn. Ngày hoàn thành chiếc cối xay không kém phần quan trọng, nhiều nhà mổ gà, đồ xôi làm lễ, chia phần cho hàng xóm rồi trả công ông phó cối một cách trân trọng. Chiếc cối được coi như một thành viên chính thức trong nhà, mỗi lần xay xong lại quét dọn vệ sinh cẩn thận tránh lũ chuột gián bò vào làm bẩn cối.
Tuy thế, khi dùng lâu ngày chiếc cối xay cũng gặp vài vấn đề trục trặc, nó có thể bị mòn ngõng, vỡ thớt, long nêm hoặc bung đi lớp áo cối, lúc ấy thì cả nhà chờ mong gặp thợ cối hơn cả mẹ về chợ. Chúng tôi đi chơi ngoài đường mà nhìn thấy thì cũng sẽ mau mau dẫn ông phó ấy về để bố mẹ nhờ sửa chữa.
Chiếc cối xay lúa cho đến tận lúc lớn lên tôi vẫn chưa một lần tự mình làm nó chuyển động được nếu không có ai đó hỗ trợ, đơn giản vì nó nặng quá. Sau này, khi quê tôi có những gia đình làm dịch vụ xay xát gạo bằng máy thì những chiếc cối xay cối giã mới hoàn thành sứ mệnh của nó và nằm nghỉ ngơi trong gian bếp đầy khói.
Câu chuyện vu vơ ban sáng khiến tôi phải lục tìm trong trí nhớ tiếng rao giờ không còn trở lại nữa: “Ai cối đây…” của ông phó cối năm nào. Cả tiếng ù ì của chiếc cối xay nặng nề chất chứa đầy nỗi vất vả suốt những đêm khuya hay trưa nắng giờ đây đã chìm vào quên lãng.