Nhân Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ 4, Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ 3 và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17, Hội Nhà văn Việt Nam đã ra mắt một số ấn phẩm đặc biệt nhằm quảng bá văn chương Việt Nam. Trong đó, có tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại “Một loài chim trên sóng”.
Tuyển tập “Một loài chim trên sóng” do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
“Một loài chim trên sóng” - tên tập sách được lấy tên từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Chu, một trong những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Là một trong những tác giả khá tiêu biểu cho lớp những nhà văn “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” theo lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để làm tập truyện ngắn chọn lọc này, những người thực hiện đã gặp nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn nhất, như nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thừa nhận, đó là: Văn xuôi Việt Nam là một khu rừng nhiệt đới rộng lớn, để tiếp cận với bóng mát của khu rừng ấy cần phải có một dự án dài hạn với tầm bao quát tương xứng… Trong khuôn khổ một tuyển tập nhỏ, lại phải làm trong một thời gian không dài, nên ban tuyển chọn đành phải theo phương thức chọn lựa đơn giản nhất, đó là chọn những đại diện tiêu biểu nhất, theo câu châm ngôn “so bó đũa chọn cột cờ”. 22 tác giả được lựa chọn để đưa tác phẩm vào giới thiệu trong tuyển tập này quả là 22 nhà văn tiêu biểu, xứng đáng là những “cột cờ” ở mỗi vùng miền, mỗi phong cách, mỗi loại đề tài…
Theo đó, bên cạnh những tác giả gạo cội như Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng… chúng ta sẽ gặp trong tuyển tập này những cây bút trẻ hoặc những cây bút đã có những cú bứt phá ngoạn mục về tư duy thể loại hay về những cách tiếp cận hiện thực rất sáng tạo, táo bạo. Đó là những Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh, Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư…
Một khó khăn khác đó là việc chuyển ngữ 22 truyện ngắn này. Các dịch giả tiết lộ, việc dịch sáng tiếng Anh cũng không hề đơn giản. Bởi vì phải làm sao bản dịch không chỉ sát nghĩa, sát cốt truyện, sát ngôn ngữ mà còn phải giữ được những nét riêng trong phong cách kể truyện của mỗi tác giả…
Tất cả những tác phẩm được chọn vào tuyển tập này đều là những tác phẩm rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam, họ đã từng mừng vui, khen chê khi tác phẩm lần đầu tiên được công bố… Nhưng với một phiên bản tiếng Anh thì chưa ai dám ngay lập tức có những ý kiến xác quyết. Tuy nhiên, đây cũng là một ô cửa được mở ra, để văn chương Việt Nam, cụ thể là truyện ngắn của 22 nhà văn đương đại, được bước ra với bạn đọc thế giới…
Thêm một tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương được dịch sang tiếng Pháp Mới đây, NXB Riveneuve của Pháp đã cho ra mắt tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của nhà văn Nguyễn Bình Phương, bản dịch do Emmanuel Poisson- một nhà nguyên cứu, đồng thời cũng là dịch giả có tiếng người Pháp thực hiện. Đây là tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Bình Phương được dịch và in tại Pháp. Tác phẩm thứ nhất là “Thoạt kỳ thủy”, dịch và in năm 2014, qua bản dịch của dịch giả Đỗ Danh Thành. “Trí nhớ suy tàn” trong bản tiếng Pháp mang tên là “Bầu trời khác”. Tiểu thuyết này tác giả viết và in năm 2000, là tiểu thuyết ngắn nhất của Nguyễn Bình Phương, đồng thời cũng là tiểu thuyết nhẹ nhàng, đậm chất thơ nhất của nhà văn này. Như vậy, với sự ra mắt của bản dịch cuốn “Trí nhớ suy tàn”, thêm một tác văn học Việt Nam đương đại được bước ra thế giới. PV |