Kinh tế

Một số giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản biển Việt Nam

Thùy Trang 25/11/2023 17:08

Ngày 25/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị về Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam.

nuoi-trong-thuy-san-o-khanh-hoa..jpg
Nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa.

Tới dự có ông Phùng Đức Tiến, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; lãnh đạo các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa…

hoi-nghi-thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-ben-vung-nuoi-bien-viet-nam..jpg
Hội nghị thực trạng và giải pháp để phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam diễn ra ngày 25/11.

Hiện nước ta có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Như vậy, nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển nhưng đến nay vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan nên chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có. Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000 ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.

Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Mặc dù vậy, phát triển ngành nuôi biển biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt; hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường; tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ.

Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế. Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (hệ thống lồng nuôi; thiết bị quan trắc và giám sát môi trường, dịch bệnh; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường…) chưa phát triển đồng bộ. Nguồn lực (tài chính và nhân lực) còn hạn chế. Nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu…

Tại Hội nghị các đại biểu đã nêu ra những nhiệm vụ và các giải pháp đề ra nhằm góp phần phát triển nuôi biển, nuôi tôm hùm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Qua đó. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết luôn đồng hành cùng các địa phương, tổ chức, cá nhân Hội/Hiệp hội và cùng các đơn vị liên quan để thúc đẩy nhanh các nhiệm vụ, đưa nuôi biển là khâu đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

ong-tran-hoai-nam-pho-chu-tich-ubnd-tinh-khanh-hoa-dang-phat-bieu-tai-hoi-nghi..jpg
Ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội nghị.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội nghị: Khánh Hòa có chiều dài đường bờ biển 385 km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm eo vịnh kín gió cùng với các cảng nước sâu nên rất thuận lợi cho phát triển thuỷ sản, trong đó có nuôi trồng thuỷ sản. Nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển đóng vai trò đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội tại Khánh Hòa.

Khánh Hòa có trên 97.000 lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng thủy sản nuôi hàng năm của tỉnh đạt khoảng 18.000 tấn, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản. Các đối tượng nuôi chính trên biển tại địa phương là cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm… Trong đó tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được khách du lịch và các thị trường nhập khẩu nước ngoài ưa thích.

Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ; nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao. Do vậy, tìm ra các giải pháp quản lý, kiểm soát con giống tôm hùm cũng như con giống nuôi biển nhập khẩu là giải pháp nuôi bền vững. Truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nuôi biển, tháo gỡ khó khăn để đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp tỉnh Khánh Hòa có những định hướng nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội nghị được tổ chức là cầu nối để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các bên liên quan cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan của nuôi biển hiện nay, từ con giống, thức ăn, vật tư, kỹ thuật nuôi, công nghệ đến chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hợp tác quốc tế… Từ đó đưa ra các giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp xác định cơ hội đầu tư nuôi biển công nghiệp và chế biến thủy sản trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một số giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản biển Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO