Ngày 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đã báo cáo trước Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.640 kiến nghị cử tri. Trong đó, có 62 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,4%); 2.524 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, bộ, ngành (chiếm 95,6%); 32 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 1,2%); 22 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,8%). Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.
Nội dung kiến nghị cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, thương binh và xã hội (229 kiến nghị); Y tế (227 kiến nghị); Tài nguyên và môi trường (210 kiến nghị); Nội vụ (198 kiến nghị); Nông nghiệp, nông thôn (194 kiến nghị); Giáo dục, đào tạo (181 kiến nghị); Giao thông vận tải (179 kiến nghị). Đến nay, có 2.596/2.640 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 98,3%.
Tuy nhiên theo đánh giá của Ban Dân nguyện, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp của một số Đoàn ĐBQH còn chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị nội dung còn chung chung, chưa cụ thể nên các cơ quan gặp khó khăn khi nghiên cứu để giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết.
Một số bộ, ngành còn trả lời kiến nghị cử tri chưa đúng thời hạn nên ĐBQH chưa có thông tin để báo cáo trước cử tri khi tiếp xúc cử tri. Mặc dù từ nhiều kỳ họp trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị các bộ, ngành cần nhanh chóng nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật nhưng vẫn còn một số bộ, ngành còn chưa trả lời đúng thời hạn kiến nghị cử tri với số lượng lớn như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời nên một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết. Đơn cử, cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thẩm định các đồ án quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thu, nộp, quản lý và sử dụng loại phí này.
Cùng với đó, một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện. Theo đó, cử tri tỉnh Phú Yên cho rằng Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư số 55) chưa quy định cụ thể số ngày công của từng chức danh, của từng nội dung công việc và đề nghị quy định rõ để triển khai thực hiện.
Qua giám sát cho thấy, mặc dù Thông tư số 55 là thông tư hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng lại chưa quy định cụ thể về số ngày công của từng chức danh, từng nội dung công việc khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy việc triển khai thực hiện Thông tư số 55 về vấn đề này còn gặp khó khăn như cử tri đã phản ánh.
Đặc biệt, Ban Dân nguyện chỉ rõ, kiến nghị cử tri chưa được giải quyết do còn có sự vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Điều 2 Thông tư số 04/2022/TT-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Thông tư số 04) đảm bảo thống nhất với quy định tại Điều 32 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010.
Qua giám sát cho thấy, tại Điều 32 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định: “Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hằng năm”. Trong khi đó, tại Điểm c Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 04 lại quy định trách nhiệm của Sở Công thương: “Tổng hợp danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, đăng tải trên website www.dataenergy.vn và gửi văn bản về Bộ Công thương”.
“Như vậy, mặc dù luật quy định Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hằng năm nhưng tại Thông tư số 04 lại giao cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Quy định của Thông tư số 04 không phù hợp với quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” - Ban Dân nguyện chỉ rõ.