Cách đây khoảng hai thập kỷ, sân khấu được coi là thời hoàng kim với nhiều vở diễn có tiếng vang rất lớn trong xã hội. Thời đó, nhiều người coi việc đi xem kịch (dù là kịch nói hay kịch hát dân tộc) như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Trải qua nhiều thăng trầm, giờ đây sân khấu không còn được như xưa, những người yêu nghề cảm thấy tiếc nuối một thời vàng son của nền sân khấu nước nhà.
Nhà hát đìu hiu, nghệ sĩ sống mòn
Trái với sự nhộn nhịp, tưng bừng, náo nhiệt của “làng sân khấu” vào những năm thập kỷ 80 và những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, những năm qua hầu như các nhà hát (cả sân khấu hiện đại và sân khấu truyền thống) đều vắng vẻ, đìu hiu, ít khi sáng đèn. Chưa kể đến các nhà hát “quốc doanh” chuyên dàn dựng vở diễn theo kế hoạch, chỉ đạo, nhiều sân khấu tư nhân một thời nổi đình nổi đám cũng không thể cầm cự được vì vắng khách.
Cũng phải thôi, các nhà hát kịch của Nhà nước được “hà hơi tiếp sức” còn khó sống nổi, nói gì đến những sân khấu tư nhân tự thu tự chi, vắng khán giả đồng nghĩa với việc lỗ vốn, không có tiền để trang trải các khoản chi phí để dàn dựng vở diễn như nhuận bút kịch bản, cát xê diễn viên, hóa trang, phục trang, ánh sáng, đạo cụ...
Hàng loạt những cái tên sân khấu tư nhân từng “vang bóng một thời” như Sân khấu 5B Võ Văn Tần, Sân khấu IDECAF, Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn, Sài Gòn phẳng - Nhà hát Thế Giới Trẻ (Trường Ðại học Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh), Hồng Hạc, Hồng Vân - Chợ Lớn, Trịnh Kim Chi... Vào thời kỳ đỉnh cao của những nhà hát này, mỗi năm có tới vài chục vở diễn, khán giả được thưởng thức cả kịch dài chính luận lẫn hài kịch vui nhộn.
Với tổng mức đầu tư kinh phí vào dàn dựng số lượng vở diễn đó, chắc chắn Nhà nước không thể kham nổi. Ấy thế nhưng hiện nay, hàng chục đoàn nghệ thuật tư nhân với các loại hình kịch nói đã tan rã, phải đóng cửa nghỉ diễn vì không có doanh thu để tồn tại. Mức đầu tư ngày càng tăng cao trong khi khán giả ngày càng vắng bóng.
Nhiều năm qua tình cảnh sân khấu đã ảm đạm, tới đầu 2020 thì càng thêm bi đát bởi ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. NSND Thanh Ngoan (Nguyễn Thị Bích Ngoan) - Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam tâm sự, nếu như chưa có Covid-19, đơn vị của chị còn có thể diễn khoảng 50 đêm, nhưng năm nay chỉ vỏn vẹn có 3 đêm sáng đèn. Số lượng khán giả năm 2020 đến với các nhà hát vắng hẳn ngoài những nguyên nhân khác còn có lý do giãn cách xã hội để chống lây lan SARS-CoV-2.
Vì thế, không chỉ có Nhà hát chèo Việt Nam, hầu hết các loại hình sân khấu, từ kịch nói đến tuồng, chèo, cải lương, từ nhà hát quốc doanh đến các sân khấu tư nhân đều chịu chung số phận đóng cửa im lìm, sống lay lắt qua ngày. Nhiều nghệ sĩ chèo đã phải đi hát văn để duy trì cuộc sống.
Một số nghệ sĩ khác thì trông chờ vào sô diễn ở các lễ hội, hội nghị, hiếu hỷ... vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa để có thể giữ nghề không bị mai một. Song, ngay cả như vậy cũng không có được nhiều cơ hội để được làm nghề, bởi khó ký được hợp đồng do giá cả cát xê cao hơn những người nghiệp dư. Được hỏi về việc đi “làm ngoài” của các nghệ sĩ, chị Thanh Ngoan cười buồn, chỉ có những giá đồng của người sành điệu, chịu chơi mới mời những diễn viên gạo cội, có tiếng đi hát văn. Còn lại đa số các địa phương, các “ông chủ” đều ham rẻ nên họ chọn ký hợp đồng với diễn viên nghiệp dư.
“Thực ra khi nghe họ cũng không phân biệt được sự khác biệt giữa diễn viên chuyên nghiệp và người nghiệp dư nên tội gì họ phải bỏ ra giá cao để thuê nghệ sĩ xịn”, NSND Thanh Ngoan chia sẻ.
Vì sao sân khấu vắng khách?
Có dịp tâm sự với một số nghệ sĩ lớn, các anh chị đều có chung một tâm trạng buồn vì sân khấu nước nhà những năm qua gặp nhiều khó khăn, nhiều nhà hát không thể sáng đèn do thiếu khán giả. Theo nhà lý luận phê bình sân khấu, PGS.TS Trần Trí Trắc, khán giả không đến không phải vì họ quay lưng với sân khấu mà bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Khách quan là vì trong thời đại công nghệ thông tin, mạng internet đã len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống nên nhiều người chọn giải pháp giải trí tại gia, họ xem phim, ca nhạc, thậm chí xem kịch trên mạng, thay vì đến với các nhà hát. Chủ quan là do các nhà hát thiếu các vở diễn hay.
Vốn là người trong nghề, tôi cũng muốn tìm hiểu xem vì sao sân khấu những năm qua lại vắng khách, không được hưng thịnh như trước. Nhiều khán giả trẻ tâm sự, không đến xem các vở diễn sân khấu không hẳn vì giãn cách xã hội do Covid-19, mà nguyên nhân chính là xem không hiểu nên không thích, nhất là các loại sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương với sự cách điệu rất lớn.
Sân khấu vốn là ước lệ, kể cả sân khấu kịch nói cũng không thể “thật” như phim ảnh nên đa số giới trẻ không hiểu và không thích. Còn khán giả đứng tuổi thì lại còn nhiều thứ phải quan tâm hơn như cơm áo gạo tiền, chăm lo con cái. Trong bối cảnh chưa thực sự dư dả, còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, việc bỏ tiền ra mua vé xem các vở diễn sân khấu cũng là điều khiến họ phải đắn đo, cân nhắc.
Có bạn trẻ hồn nhiên tâm sự với tôi: “Nói thật với anh là đi xem vở diễn sân khấu vừa không hiểu lại tốn tiền, em chọn đi xem phim, hoặc bỏ ra vài trăm nghìn đồng chép phim về nhà xem còn hơn. Còn nếu bận quá thì em tranh thủ lên mạng xem phim, giải trí luôn trên điện thoại, tiện lắm...”.
Còn có anh dù đã nghỉ hưu, không còn quá bị vướng bận bởi mưu sinh thường nhật, cũng không phải dành thời gian nhiều cho công việc nữa, nhưng cũng khẳng định hạn chế đi xem các vở diễn, bởi lối dàn dựng cũ kỹ, thiếu sáng tạo, thậm chí nhiều vở diễn hài thì chọc cười một cách khiên cưỡng, thiếu văn hóa. “Tôi xem một số nghệ sĩ diễn hài chọc cười bằng những ngôn từ thô tục không thể chịu nổi. Vì thế mấy năm qua tôi quyết định không đi xem sân khấu nữa”, vị khán giả này chia sẻ.
Đó là về phía khán giả, còn về phía các nhà hát thì sao? Đã rất lâu rồi, hiếm thấy các nhà hát dàn dựng được những vở diễn xứng tầm, đạt chất lượng nghệ thuật. Không ít các vở diễn mang khuynh hướng “mì ăn liền”, “hàng chợ”. Những vở diễn này được dàn dựng theo thị hiếu của một bộ phận khán giả, không được quan tâm đúng mức đến các thủ pháp nghệ thuật sân khấu, tính thẩm mỹ, dự báo... đều thiếu.
Thay vì sống mãi với thời gian, những vở diễn này sẽ chết yểu sau vài đêm diễn. Bù lại, các vở diễn “hàng chợ” lại thu hút được một lượng khán giả nhất định, chí ít cũng có thể giúp nhà hát thu hồi được vốn. Điều này giúp lãnh đạo các nhà hát có thể tạm thời duy trì đời sống cho các nghệ sĩ.
Trao đổi với Đại Đoàn kết, PGS.TS Trần Trí Trắc nhận định, các nhà hát dàn dựng những vở diễn “mì ăn liền” cũng có nhiều nguyên nhân, chứ cũng không hẳn là không yêu nghề hay trình độ năng lực kém. Tạm loại trừ khả năng một số đạo diễn trẻ mới ra trường chưa đủ kinh nghiệm dàn dựng vở diễn sân khấu, hoặc có thể là năng lực nghệ thuật có hạn.
Riêng với đội ngũ anh chị em diễn viên và các bộ phận phụ trợ tại các nhà hát đều có kinh nghiệm nhiều năm dàn dựng những vở diễn hoành tráng, đậm chất nghệ thuật. Vấn đề còn lại chính là khâu kịch bản tương đối yếu. Điều này đã được chính người làm nghề là NSND Thanh Ngoan khẳng định: “Rất lâu rồi chúng tôi chưa nhận được một kịch bản thực sự hay”.
Đâu là giải pháp?
Nhiều năm qua, vấn đề làm sao để sân khấu có thể trở lại thời kỳ hoàng kim của vài chục năm trở về trước, để các lứa nghệ sĩ tại các nhà hát có thể “sống khỏe” đã được nhiều học giả, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu có tên tuổi đặt ra tại các hội thảo để ngõ hầu tìm ra giải pháp.
Nhiều ý kiến trăn trở, chỉ ra những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan vì sao sân khấu những năm qua ảm đạm, vắng khách. Song, mọi việc vẫn chỉ dừng ở ý kiến tham khảo, chưa có bất cứ một giải pháp cụ thể nào được xem là căn cơ để cứu vãn sự vắng khách của nền sân khấu nước nhà.
Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, trong bối cảnh hiện nay không dễ để có được giải pháp nâng đỡ nền sân khấu trở lại thời kỳ hoàng kim của những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Ông Trắc cho rằng, xu hướng tất yếu của xã hội ngày nay là mạng internet, truyền hình. Vì thế sân khấu cần có con đường riêng của mình để có thể cạnh tranh với nghệ thuật thứ 7, nhất là các hình thức giải trí trên mạng internet.
Muốn vậy không gì khác hơn là những người làm sân khấu phải làm sao để khán giả cảm thấy yêu thích sân khấu như là yêu thích điện ảnh, truyền hình, cảm thấy việc không xem các vở diễn sân khấu là thiếu đi món ăn tinh thần vô cùng đáng tiếc. Chẳng phải sân khấu là thánh đường hay sao? Hãy khiến khán giả không đến với sân khấu giống như đã mất đi một đức tin quan trọng.
Đã là thánh đường thì không nên có những vở diễn nhạt nhòa, không đạt chất lượng nghệ thuật, thiếu tính thẩm mỹ, gây cười bằng những câu thoại tục tĩu, thô bỉ. Là thánh đường thì mỗi người làm sân khấu, từ biên kịch, đạo diễn, đến diễn viên, hóa trang, phục trang, ánh sáng... phải dồn hết tâm huyết để cho ra một vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật, thu hút khán giả bằng những triết lý nhân sinh, thể hiện được cái đẹp vốn hiện hữu trong đời sống hàng ngày.
Nói một cách khác là phải chuyên nghiệp hóa chứ không phải là nghiệp dư hóa nghệ thuật sân khấu. Mọi nỗ lực từ cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các nhà hát, cho đến các nghệ sĩ đều sẽ là những viên đá để xây nên các tượng đài nghệ thuật, giúp nền sân khấu nước nhà trở lại thời kỳ hoàng kim vốn có.
Song, dù các nghệ sĩ có dồn bao nhiêu tâm huyết, cơ quan quản lý nhà nước có tạo điều kiện thế nào thì sân khấu vẫn phải cần đến một yếu tố quan trọng nữa mới có thể hưng thịnh trở lại, đó chính là khán giả. Khi mà khán giả xem các vở diễn, nhất là các vở diễn sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương mà không thể hiểu được những ngôn ngữ ước lệ, cách điệu thì họ sẽ không thể hiểu cái hay, cái đẹp của vở diễn dẫn đến không thích.
Vậy thì làm thế nào để đại bộ phận khán giả có thể hiểu được cơ bản ngôn ngữ sân khấu? Chỉ có thể bằng cách đưa vào giáo dục từ nhà trường phổ thông. Song, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, nếu bộ môn nào cũng đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông sẽ khiến học sinh bị quá tải. Vì thế, cần để các em tự lựa chọn học bộ môn nào mà các em yêu thích, có vậy mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Còn theo NSND Thanh Ngoan, ngoài việc cho học sinh tiếp cận với những kiến thức cơ bản của nghệ thuật sân khấu, các trường phổ thông cũng nên thỉnh thoảng mời các đoàn nghệ thuật đến diễn, để các em vừa học lý thuyết, nhưng cũng có trải nghiệm thực tế. Như vậy sẽ giúp các em nhớ lâu, hiểu sâu hơn về các bộ môn nghệ thuật sân khấu, nhất là loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương vốn có tính ước lệ và cách điệu rất cao.
Các địa phương thay vì tham rẻ mời các diễn viên nghiệp dư, cần cố gắng ký hợp đồng với các nhà hát chuyên nghiệp để khán giả có dịp tiếp cận với nghệ thuật đích thực, chứ không phải là “na ná nghệ thuật”. “Cùng là hát chèo, nhưng nếu lần đầu khán giả tiếp cận lại là “na ná chèo” thì làm sao họ có thể yêu chèo mà đến với nhà hát xịn”, NSND Thanh Ngoan lập luận.