Trong tuần qua, 3 cuộc bầu cử được dư luận quốc tế theo sát. Đó là bầu cử Tổng thống ở Iran, bầu Thủ tướng ở Anh và bầu Quốc hội ở Pháp.
Ngày 7/7, Bộ Nội vụ Iran chính thức xác nhận ông Masoud Pezeshkian đã được bầu làm Tổng thống mới của nước này, sau khi giành chiến thắng trước ông Saeed Jalili ở vòng hai của cuộc bầu cử. Ông Pezeshkian có được 16,4 triệu phiếu bầu, trong khi ông Jalili nhận được khoảng 13,5 triệu phiếu trong một cuộc bầu cử có 49,8% trong số 61 triệu cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử.
Cuộc bầu cử sớm được tiến hành sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng vào ngày 19/5/2024.
Ở vòng bầu đầu tiên vào ngày 28/6, không có ứng cử viên nào giành được ít nhất 50% số phiếu cộng thêm 1 phiếu bầu. Do đó, 2 ứng cử viên được nhiều phiếu nhất đã bước vào cuộc đấu tay đôi ở vòng 2.
Ông Pezeshkian, 69 tuổi, là một bác sĩ phẫu thuật tim. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Y tế vào những năm 2000 và là Phó Chủ tịch Quốc hội từ năm 2016 - 2020. Phát biểu mừng chiến thắng, Tổng thống đắc cử Pezeshkian cam kết nỗ lực vì đoàn kết dân tộc. “Con đường phía trước sẽ không suôn sẻ nếu không có sự đồng hành, đồng cảm và lòng tin của các bạn” - ông Pezeshkian nói.
Cuộc bầu cử Tổng thống ở Iran nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang có nhiều bất ổn, trong khi vai trò của Iran trong khu vực là rất rõ ràng.
Cũng trong tuần qua, ông Keir Starmer (62 tuổi) đã chính thức trở thành tân Thủ tướng nước Anh, thay cho ông Rishi Sunak sắp mãn nhiệm. Ông Starmer sinh ra và lớn lên ở thị trấn nhỏ Oxted của nước Anh. Cha ông làm thợ chế tạo công cụ và mẹ ông là y tá. 18 tuổi, Starmer vào học tại khoa Luật, Trường Đại học Leeds và đã trở thành người học đại học đầu tiên trong một gia đình kinh tế eo hẹp. Ông Starmer nổi tiếng kể từ năm 2008 khi trở thành Giám đốc Cơ quan Công tố, đưa ông lên vị trí nổi bật trong Cơ quan Công tố Hoàng gia Anh.
Phát biểu khi trở thành tân Thủ tướng, ông Starmer cho biết ông có một “kế hoạch lớn và táo bạo” dài hạn cho nước Anh; trong đó có việc tiến hành đàm phán nhằm đạt một thỏa thuận tốt hơn với Liên minh châu Âu (EU), trước những hậu quả kinh tế đến từ Brexit. Cùng đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân; tăng thuế đối với trường tư để nâng cao giáo dục công lập; xây dựng 300.000 ngôi nhà/năm; thành lập Bộ chỉ huy An ninh biên giới, đồng thời phối hợp với các nước châu Âu để giải quyết vấn đề buôn người; hỗ trợ người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc người thân...
Trong khi đó, tại Pháp, ngày 7/7, cử tri toàn quốc bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội sớm, chưa đầy 1 tháng kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố giải tán Quốc hội hôm 9/6. Đáng chú ý, cuộc bầu cử lần này rất căng thẳng khi Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin cho biết chỉ 1 ngày trước khi bầu cử vòng 2 được tổ chức đã ghi nhận hơn 50 vụ tấn công bạo lực. Trong đó có người phát ngôn Chính phủ Pháp là bà Prisca Thevenot cùng người phó Virginie Lanlo và một nhà hoạt động của liên minh “Chung sức vì nền cộng hòa” của Tổng thống Macron, đã bị một nhóm người hành hung trong lúc họ dán áp phích tranh cử ở ngoại ô Paris.
Ngày 7/7, có tới 30.000 cảnh sát được triển khai tại các điểm bỏ phiếu và nơi công cộng trên toàn nước Pháp, riêng Thủ đô Paris là 5.000 cảnh sát. Các cuộc biểu tình ở Lyon, Rennes và Nantes càng cho thấy mức độ căng thẳng của cuộc bầu cử.
Trước đó, ngày 30/6, vòng 1 cuộc bầu cử, phe của Tổng thống Macron đã không giành được chiến thắng. Dẫn đầu đường đua là đảng Tập hợp Quốc gia (RN), hay còn biết đến là phe cực hữu do bà Marine le Pen, một chính trị gia lão luyện và cứng rắn dẫn dắt. Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò ý định cử tri do OpinionWay thực hiện ngay trước khi diễn ra bầu cử lần 2 thì RN có thể chỉ giành được từ 205 - 230 ghế, cách xa con số 289 cần thiết để đạt được đa số tuyệt đối và hơn 40% cử tri Pháp tin rằng sẽ không có nhóm chính trị nào trong các khối tranh cử giành được đa số tuyệt đối.
Giới quan sát chính trường châu Âu cho rằng, trong trường hợp RN của bà Marine le Pen và các đồng minh giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội, thì sẽ khiến phe đa số sắp mãn nhiệm của Tổng thống Macron trở thành thiểu số và buộc ông sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong chặng đường 3 năm còn lại của nhiệm kỳ.