Thời gian qua, việc mua bán lan đột biến (còn gọi là lan var) với giao dịch giá trị lớn khá rầm rộ. Tuy rằng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nhiều người vẫn “đầu tư” mạnh vào đây. Điều đáng nói là trong tình hình ấy chính quyền nhiều địa phương vẫn loay hoay trong quản lý, thu thuế và giám sát hoạt động trồng và kinh doanh loại hoa này.
Với những người chơi và trồng lan, thì họ cũng bất ngờ và cũng có phần khó hiểu trước những thương vụ giao dịch lan đột biến có giá trị lên đến vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng. Người ta lo ngại trong vụ này có chiêu trò “thổi giá” từ những thế lực ngầm, đến khi “bong bóng” vỡ thì giá hoa lại lao dốc không phanh, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.
Vì món lợi quá hấp dẫn ngay trước mắt và ôm mộng “đổi đời siêu tốc” nên không ít người bất chấp rủi ro đi vay mượn, kêu gọi các nguồn tiền để lao vào trồng lan đột biến, đầu tư, mua bán và thậm chí là lừa đảo... Về việc này, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã từng có cảnh báo, khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán lan đột biến để tránh bị thiệt hại lớn về tài chính. Cục này cũng cho rằng hoạt động mua bán lan đột biến gần đây chủ yếu là “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo.
Tại xã Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) - một trong những các địa phương có nhiều hộ trồng lan và nhân giống lan đột biến, quy mô trồng lan của các nhà vườn trong địa bàn xã vẫn tiếp tục được mở rộng. Lãnh đạo xã lo ngại một ngày nào đó giá lan đột biến rớt thê thảm thì bà con trong xã cũng sẽ rất khó khăn bởi có nhiều người đi vay mượn để đầu tư. Nếu không bán được, hay bán quá rẻ thì sẽ ngập trong nợ nần, có khi phải bán nhà đi để trả nợ.
Được biết, để đề phòng rủi ro, chính quyền xã đã phối hợp với quỹ tín dụng của xã thắt chặt việc vay vốn, xác minh hồ sơ vay chặt chẽ, nghiêm túc để tránh hậu quả không hay. Còn thì việc bán mua ra sao là việc giao dịch cá nhân, xã không thể nắm bắt hoặc can thiệp, nên nói như một cán bộ xã là “rất chênh vênh”.