Mua bán sự nổi tiếng trên mạng: Bỏ tiền để thành KOL rồi đi quảng cáo

Lê Việt 10/05/2022 09:00

KOL (viết tắt của Key Opinion Leader) là cá nhân hay tổ chức có sức ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông. Với mức thu nhập tự do dựa trên các hợp đồng quảng cáo, nhiều bạn trẻ lầm tường rằng đây là một công việc dễ dàng và chỉ cần mua lượt tương tác là có thể thu tiền về.

Mặt trái của việc mua tương tác

Với một số tiền dành dụm được từ công việc làm thêm, em Nguyễn P.T. (22 tuổi, Hà Nội) đã có thể xây dựng trang facebook cá nhân của mình như một tài khoản KOL. Lượt tương tác, theo dõi hàng ngày của T. cứ vậy tăng dần.

Sau chưa đầy hai tuần xây dựng, T. đã bắt đầu có những hợp đồng quảng cáo đầu tiên hướng đến những đối tượng khách hàng nhỏ lẻ.

Theo thời gian, các hợp đồng tăng dần, T. chia sẻ: “Theo lời gợi ý của bạn bè và nhận thấy việc số vốn bỏ ra trong khả năng chi trả của bản thân mình bắt đầu mua lượt tương tác trên các post theo sự tư vấn của người quảng cáo và một số anh chị làm KOL đi trước. Sau một khoảng thời gian, các hợp đồng quảng cáo tự tìm đến và công việc của mình ổn địn hơn”.

Theo khảo sát từ một số công ty làm quảng cáo, giá để mua lượt tương tác dao động từ 2.800.000/10.000 - 11.000 like đồng đến 23.000.000 đồng/100.000 like. Việc tiếp thị tràn lan hơn khi có vô số các tài khoản ảo bắt đầu bình luận và trong những bài đăng bình thường bất cứ ai cũng có thể thấy được.

Điều này vô tình đã tạo ra mặt trái của mạng xã hội khiến dư luận bị dẫn dắt dễ dàng và đặc biệt khiến giới trẻ tin vào việc theo đuổi thành công kiểu “bong bóng”.

Các tài khoản MXH ảo đi tiếp thị các dịch vụ tương tác.

Bên cạnh đó, vì các thương vụ mua bán tên tuổi như trên trở nên dễ dàng, số lượng KOL hướng đến đối tượng khách hàng nhỏ lẻ bắt đầu nhiều lên trong thời gian gần đây.

Một số chuyên gia nhận định, điều này có thể gây ra những tác động xấu đến cả người làm KOL và công chúng sử dụng mạng xã hội.

Đây không phải một công việc bền vững, trong trường hợp KOL bồi dưỡng các giá trị cốt lõi, sự cạnh tranh sẽ khiến người này dần mai một tên tuổi và làm ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông nhãn hàng.

Còn từ phía công chúng, nhiều người có thể lầm tưởng về một công việc dễ dàng hốt bạc, theo đuổi sự phù phiếm và thành công dễ dàng, đặc biệt điều này có thể ảnh hưởng đến lứa trẻ trong độ tuổi hình thành nhận thức.

Cần có thêm trách nhiệm từ nhiều phía

Theo TS Đỗ Thị Minh Hiền (Giảng viên khoa Quan hệ công chúng, Học viên Báo chí và Tuyên truyền: “KOL ko nhất thiết phải là người am hiểu tất cả. KOL có trách nhiệm sẽ tự trang bị kiến thức trong lĩnh vực mình theo đuổi, trong lĩnh vực mà mình có tầm ảnh hưởng. Trang bị kiến thức cũng có nhiều cách, trong đó kỹ năng nghiên cứu, khả năng tư duy phản biện để chắt lọc, hiểu đúng thông tin, là cần thiết. Từ đó, KOL có thể đưa ra các quyết định cùng có lợi cho tất cả các bên”.

Các trang tăng tương tác vẫn tiếp tục nở rộ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, một số người muốn trở thành KOL hiện nay mua bán tương tác và không rõ ràng kiến thức về những giải phẩm mình đang quảng cáo. Dù vậy, nhờ vài phút tìm kiếm trên internet họ vẫn đưa ra những bài viết thuyết phục trên MXH để người dân mua hàng. Cùng với đó, trong bối cảnh tâm lý đám đông đổ dồn sự chú ý vào lượt tương tác từ các bài đăng, số like và bình luận ảo đã có sức mạnh vô hình tác động đến niềm tin của người tiêu dùng.

“Giải pháp cho vấn đề thiếu kiến thức khi quảng cáo nên đến từ chính các KOL, vì đó là giải pháp để bảo vệ tên tuổi, uy tín của họ. Một trong những bài học “xương máu” của các KOL uy tín rằng họ luôn yêu cầu giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận đảm bảo chất lượng… của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu không có, họ sẽ từ chối hợp đồng dù giá trị lớn thế nào đi nữa”, TS Đỗ Minh Hiền cho biết thêm.

Trước đó, còn nhiều ý kiến mâu thuẫn từ các chuyên gia cho rằng việc xây dựng bộ quy tắc cho người làm truyền thông nghiệp dư và chuyên nghiệp là không cần thiết. Mỗi người đều tự có khả năng ý thức và xây dựng được cho bản thân một bảng chỉ dẫn các giá trị tích cực cần phải hướng đến. Thế nhưng một số khác lại cho rằng, trong bối cảnh công chúng đang háo hức thông tin như hiện nay, bộ nguyên tắc này là rất có ích cho mọi hoạt động trên mạng xã hội.

Không chỉ từ cấp quản lý, nhưng người sử dụng MXH cũng cần có trách nhiệm trong việc tiếp nhận các thông tin từ nhiều nguồn. Năng lực tư duy phản biện và hiểu biết cần phải được áp dụng trong nhiều hoàn cảnh để không bị mắc vào bẫy quảng cáo từ những KOL vô tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mua bán sự nổi tiếng trên mạng: Bỏ tiền để thành KOL rồi đi quảng cáo