Quốc tế

Mưa bão dữ dội xuyên Thái Bình Dương

THẾ TUẤN 06/10/2024 07:38

Trong tuần, nhiều khu vực trên thế giới bị mưa bão hoành hành, để lại hậu quả cực kỳ to lớn. Giới chuyên gia khí hậu nhận định, năm 2024 có thể sẽ là năm thời tiết cực đoan nhất lịch sử.

1(1).jpg
Những ngôi nhà bị hư hại sau trận lũ dọc bờ sông Roshi tại Panauti ở Kavre (Nepal), ngày 30/9.

Trong đợt này, châu Á và Bắc Mỹ chịu thiệt hại lớn nhất. Nếu như siêu bão Bebinca với cường độ mạnh nhất trong 75 năm qua vào lục địa châu Á thì chỉ 4 ngày sau đó, bão Pulasan tiếp tục đổ bộ. Trong khi đó, bên kia Thái Bình dương, nước Mỹ cũng bị "tấn công" từ hai phía với siêu bão Helene ở Bờ Đông và bão John ở Bờ Tây. Tiến sĩ Brian McNoldy, nhà nghiên cứu bão nhiệt đới tại Đại học Miami (bang Florida, Mỹ) nói, những siêu bão dữ dội xuyên Thái Bình Dương cho thấy Trái đất đã tới ngưỡng khó an toàn.

Vẫn theo tiến sĩ Brian, sự phát triển nhanh chóng của những trận bão là do nhiệt độ đại dương đã ở mức "ấm kỷ lục hoặc gần kỷ lục". Trong khi đó, theo Tổ chức World Weather Attribution, sự nóng lên toàn cầu khiến hậu quả của bão nặng nề gấp đôi. Bà Julien Nicolas, nhà khí tượng học tại Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh: "Chúng tôi hiểu rằng nóng lên toàn cầu dẫn đến các hình thái khí hậu cực đoan với cường độ lớn hơn. Nhưng những gì chúng ta vừa chứng kiến đã vượt khỏi mọi dự báo”.

Tại châu Á, những đợt mưa lũ kéo dài suốt những ngày qua ảnh hưởng rất xấu tới Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan... Tuy nhiên, Nepal chính là quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất. Ngày 4/10, Channel News Asia dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ Nepal cho biết, ít nhất 218 người đã thiệt mạng trong trận lũ lụt vừa qua, 27 người khác vẫn mất tích và hơn 4.000 người đã được giải cứu. Toàn bộ các khu phố ở thủ đô Kathmandu của Nepal bị ngập lụt, trong khi các ngôi làng ở những vùng xa xôi của đất nước ở khu vực Himalaya này vẫn đang chờ đợi nỗ lực cứu trợ.

Cơ quan thời tiết Nepal cho biết, mưa lớn với lượng mưa lên tới 240 mm đã trút xuống trong 3 ngày liên tục tính đến sáng 30/9. Đây là đợt mưa lớn nhất kể từ năm 2002.

Truyền thông địa phương mô tả, lũ lụt đã tấn công vào những cư dân nghèo nhất ở Kathmandu - những người sống trong các khu ổ chuột nằm dọc theo bờ sông Bagmati và các nhánh con sông chảy qua thành phố. Ngay trong mưa, người dân sống ở vùng latitpur (ngoại ô Kathmandu) vẫn phải vội vã chuyển đồ đạc của họ.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nepal Rishi Ram Tiwari cho biết, nhà chức trách đã làm việc không ngừng nghỉ kể từ khi thảm họa mưa lũ bắt đầu diễn ra với tất cả các nguồn lực có được. Các đội cứu hộ hết sức vất vả để tìm kiếm người sống sót và dọn dẹp các đống đổ nát. Nhu cầu cấp thiết là nước uống sạch và nhà ở tạm thời cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại các khu định cư không chính thức.

Các chuyên gia của Cục Khí tượng Nepal cho rằng biến đổi khí hậu và đô thị hóa thiếu quy hoạch đã làm trầm trọng thêm tác động của thảm họa này. Mưa lũ đã khiến hơn 50% số tuyến đường cao tốc ở Nepal bị đình đốn. Các nhà máy thủy điện và công trình thủy lợi cũng bị hư hại nặng nề, với thiệt hại ban đầu ước tính là 4,35 tỷ rupee (32,6 triệu USD).

Trong khi đó, đại diện Bộ Năng lượng, Tài nguyên nước và Thủy lợi Nepal cho biết, lũ lụt đã làm hư hại 11 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất phát điện là 625,96 MW và khiến nhiều nhà máy khác phải đóng cửa. Điều này đã dẫn đến việc công suất phát điện 1.100 MW bị tạm dừng, tương đương gần 1/3 tổng công suất của các nhà máy điện trên cả nước. Ngoài ra, 15 nhà máy thủy điện đang trong quá trình xây dựng cũng bị ảnh hưởng.

Giám đốc điều hành của Cơ quan Điện lực Nepal, ông Kul Man Ghising, cho biết, việc đảm bảo nguồn cung điện cho đất nước trong mùa Đông sắp tới có thể sẽ gặp khó khăn do cần có thời gian để bảo trì và sửa chữa các nhà máy điện bị hư hại.

Còn tại châu Mỹ, trong những ngày qua, Mỹ và Mexico đã chịu tổn thất nặng nề bởi mưa bão, lũ lụt. Nhất là nước Mỹ khi bão Helene tàn phá dữ dội. Bão Helene đổ bộ vào Florida đêm 26/9 với cường độ bão cấp 4 (theo thang đo gồm 5 cấp của Mỹ) với sức gió 225km/giờ và di chuyển một cách khó lường. North Carolina là tiểu bang chịu thiệt hại nặng nề nhất, tiếp theo là các tiểu bang South Carolina, Georgia, Florida, Virginia.

Tính đến ngày 5/10, bão Helene đã làm 215 người Mỹ thiệt mạng. Tuy nhiên theo Cố vấn An ninh nội địa Liz Sherwood-Randall của Tổng thống Joe Biden thì số người thiệt mạng do trận bão này có thể còn nhiều hơn khi mà có tới gần 600 người bị cho là mất tích. Mặc dù đã có kinh nghiệm phòng các cơn bão lớn, song biến đổi khí hậu vẫn khiến công tác chống bão tại Mỹ đối mặt với khó khăn. Các biện pháp phòng chống mà chính quyền và người dân thực hiện trong bão Helene cũng không khác nhiều so với các trận bão lớn trước đây. Các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề đã được cảnh báo sớm, trong khi các biện pháp như gia cố nhà cửa, sơ tán người dân và chuẩn bị cơ sở hạ tầng đang được thực hiện. Các đội cứu hộ cũng đã được triển khai để sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.

Với sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các cơn bão như Helene có thể ngày càng mạnh hơn và khó dự đoán hơn. Điều này đòi hỏi Mỹ phải tiếp tục đầu tư vào các biện pháp phòng chống bão dài hạn, bao gồm cả việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao khả năng dự đoán của các hệ thống khí tượng. Tiến sĩ Todd Stern, người có nhiều thành tựu về nghiên cứu khí hậu nhấn mạnh, càng chậm trễ hành động chống biến đổi khí hậu thì càng khó để tránh những tác động tồi tệ nhất. Và bão Helene chính là lời cảnh cáo nghiêm khắc cho dù đã được dự đoán tốt hơn, nhưng sự chuẩn bị và cảnh giác vẫn là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ cộng đồng trước thiên tai.

Một báo cáo của Ủy ban châu Âu mới công bố cho biết, dựa trên kết quả của một cuộc khảo sát ý kiến cho thấy đa số công dân Liên minh châu Âu (EU) tin rằng cần nhiều thông tin hơn để chuẩn bị ứng phó với thiên tai và tình trạng khẩn cấp. Gần 70% số người được hỏi cho biết họ cần nhiều thông tin hơn để chuẩn bị cho thiên tai và tình trạng khẩn cấp. Hơn 30% công dân cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin có liên quan từ các cơ quan công quyền và các dịch vụ khẩn cấp. Cuộc khảo sát cũng cho thấy gần 40% số người được hỏi không có thời gian hoặc nguồn lực tài chính để chuẩn bị cho thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưa bão dữ dội xuyên Thái Bình Dương