Quản con thế nào trong ngày hè? Làm thế nào để bọn trẻ xa rời các thiết bị điện tử, được hòa mình trong không gian tự nhiên, trau dồi kỹ năng sống? Đó là mối lo thường trực của nhiều bậc phụ huynh thành phố. Sự việc đáng tiếc xảy ra mới đây tại một khóa tu mùa hè (ở chùa Cự Đà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lại càng khiến mối lo tăng lên.
Việc thông tin lan truyền trên mạng xã hội về “trải nghiệm kinh hoàng” tại một khóa tu mùa hè tại chùa Cự Đà đã làm dậy sóng dư luận. Cụ thể, ngày 15/6 vừa qua, trong giờ giải lao, cháu P. (con bà N) và một bạn khác xô xát. Sau đó mọi người đã đưa P. đi bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ kết luận vết thương không ảnh hưởng đến xương. Tuy nhiên phía nhà chùa đã sơ suất không báo cho gia đình bà N.
Về việc này, cư dân mạng có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó một số ý kiến cho rằng việc các cháu nhỏ tham gia khóa tu xảy ra xô xát có lỗi của những người được phân công chăm lo cho các cháu, nhưng mâu thuẫn của các cháu nhỏ vẫn xảy ra ở những môi trường khác, không quá đặc biệt và cũng càng không phải là một “trải nghiệm kinh hoàng”.
Sau đó, tối 18/6, Đại đức trụ trì chùa Cự Đà cho biết, đã yêu cầu một phật tử được giao phụ trách dừng các khoá tu. Đồng thời nhà chùa đang gấp rút hoàn thiện thủ tục để hoàn trả lại tiền cho các phụ huynh.
Về phía Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội, cho biết đã làm việc với Giáo hội Phật giáo huyện Thanh Oai và yêu cầu các quận huyện tổng hợp toàn bộ danh sách khóa tu tổ chức trong mùa hè 2023. Với các khóa tu đang hoặc sắp tổ chức trên địa bàn thành phố, Ban sẽ có đôn đốc, chỉ đạo rà soát kỹ về cơ sở vật chất, năng lực tổ chức. Nhà chùa cảm thấy chưa đủ điều kiện thì cần tạm dừng khóa tu lại. Ban Tôn giáo Hà Nội sẽ tổ chức đoàn kiểm tra công tác tổ chức khóa tu hè trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào khóa tu có từ 200 khóa sinh trở lên.
Trong khi đó, UBND huyện Thanh Oai đã cử đoàn công tác tới chùa Cự Đà kiểm tra, xác minh sự việc. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cũng lưu ý các bậc phụ huynh không nên đưa con đi gửi tại các khóa tu mùa hè “theo phong trào", cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra quyết định để tránh hậu quả đáng tiếc.
Nhìn chung, với đa số các gia đình thành phố, những tháng trong năm học thường là “khoán trắng” con em cho nhà trường. Vậy nên khi con em được nghỉ hè là phụ huynh lập tức bối rối. Một là bận đi làm đi ăn không có thời giờ quản con. Hai là cũng không phải ông bố bà mẹ nào cũng có kỹ năng chăm con. Nói con không nghe, suốt ngày suốt đêm “ôm” điện thoại, máy tính mà không biết để làm gì. Vì thế, khi khóa tu mùa hè mở ra, một số phụ huynh đã liên hệ cho con vào sinh hoạt cũng mong muốn con sẽ hiền lành hơn, được chăm nom cẩn thận trong một không gian thanh tịnh.
Tuy nhiên, đó là số ít. Còn thì đa số các em ở nhà với bố mẹ. Vậy, chăm sóc trẻ thế nào đây? Đưa về quê không ổn mà để ở nhà khóa trái cửa từ sáng đến chiều tối cũng lại không yên tâm.
Nói như giới tâm lý học hiện đại thì cha mẹ phải là bạn bè với con, phải đồng hành với con và còn phải “trưởng thành” cùng con. Vì giờ đây cuộc sống thay đổi, cách nghĩ, cách ứng xử của trẻ đã khác. Suốt ngày “chát chít”, dán mắt vào điện thoại không biết đâu mà lần, không biết điều gì rồi sẽ ập đến. Nỗi sợ hãi mơ hồ về sự lệch hướng, thoát khỏi vòng cương tỏa của cha mẹ với những đứa con luôn ám ảnh các ông bố bà mẹ đầu tắt mặt tối.
Nhân đây cũng cần phải nói rằng hiện các phường xã, khối phố mỗi khi hè đến ít tổ chức hoạt động cho các cháu quá. Mà cũng ít chỗ có không gian rộng để tổ chức cho trẻ vui chơi. Người lớn đã giành mất không gian của lũ trẻ. Điều quan trọng là trẻ em cần được người lớn chú ý dành sự ưu tiên nhiều hơn, nhưng cũng rất quan trọng là khi tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ cần phải bảo đảm an toàn, bổ ích. Sự việc đáng tiếc xảy ra tại một khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà tuy không chắc đã phải là một “trải nghiệm kinh hoàng” nhưng cũng là một sự cảnh báo cần thiết.