Ngược miền Tây Thanh Hóa vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, không khó để người ta bắt gặp hình ảnh của những cụ bà đã gần 70 vẫn ngày ngày cơm đùm, cơm nắm băng rừng, lội suối trong giá rét đi tìm hái lá dong rừng về bán phục vụ nhu cầu gói bánh chưng tết.
Ngày ngày cơm đùm, cơm nắm băng rừng, lội suối đi tìm hái lá dong rừng.
Để có được những bó lá dong, các bà, các em nhỏ phải thức dậy từ sáng sớm, chuẩn bị dao rựa, gùi mây, cùng nắm cơm cho bữa trưa rồi bắt đầu hành trình đi tìm lá. Vừa gùi giỏ mây chứa đầy những bó lá dong rừng vượt sông Luồng, cụ bà Vi Thị Tương (66 tuổi) và cụ bà Vi Thị Yến (65 tuổ), đều ở bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyên miền núi Quan Sơn đặt xuống bờ sông ngồi nghỉ. Bà Tương nói: “Từ sáng sớm, tôi đã dậy, lội qua sông đi vào rừng khoảng 4 - 5km tìm hái lá dong. Nếu làm cật lực từ tinh mơ đến khi gà lên chuồng cũng bán được khoảng từ 150 - 200 nghìn đồng”.
Nhiều người dân tại Sơn Điện cho biết, công việc đi hái lá dong thường dựa vào điều kiện thời tiết. Nếu trời lạnh thì thường từ ngày mùng 8 - 10 tháng Chạp là bắt đầu công việc hái lá dong; còn thời tiết nắng nóng thì thường ngoài 15 tháng Chạp mới bắt đầu đi rừng hái lá dong. Lá dong thường được thu mua theo kiểu đặt hàng nên người dân hái được bao nhiêu, thương lái sẽ thu gom ngay tại địa phương với giá 250 đồng/lá; trung bình mỗi ngày, một người hái lá dong có thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng.
Là người đã làm “đầu nậu” thu mua lá dong ngót 20 năm nay, năm nào chị Lâm Thị Hiệp, là một giáo viên công tác trên địa bàn huyện Quan Sơn cũng tranh thủ thời gian thu mua lá dong cho bà con địa phương vào mỗi dịp trước Tết.Theo chị Hiệp, thường từ ngày mùng 8 - 10 tháng Chạp là bắt đầu thu mua lá dong. Những năm trước, mỗi vụ, chị thu mua khoảng 20 vạn lá, nhưng năm nay chị thu mua khoảng 10 vạn lá. “Thường thì chậm nhất đến ngày 17 tháng Chạp là phải dừng thu mua và đưa lá dong ra Hà Nội tiêu thụ. Nếu thời tiết lạnh thì cắt sớm, còn trời nắng cắt lá sớm sẽ bị úa”- chị Hiệp nói.
Không chỉ người dân xã Sơn Điện, người dân huyện Quan Sơn nói riêng mà người dân tại nhiều địa phương khác của các huyện miền núi Thanh Hóa như Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh… cũng thường đi hái lá dong vào dịp này; mong muốn kiếm thêm thu nhập, cho gia đình có một cái Tết thêm phần đủ đầy.