Đợt mưa lớn thứ hai bắt đầu từ ngày 16/10 tiếp tục trút xuống các tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam. Trong đó, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là hai địa phương ngập lụt nặng nề nhất. Nước các dòng sông tại đây liên tục ở mức trên báo động 3, cao nhất kể từ năm 1983.
Ngày 18/10, tại Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, mưa lớn vẫn tiếp tục và mở rộng. Đặc biệt với hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị), huyện Hương Điền (Thừa Thiên-Huế) mưa kéo dài suốt 3 ngày qua. Trong khi đó, theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, ngày 19/10 vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Quảng Trị: Tính tới ngày 18/10, đã có 24 người chết, 27 người mất tích
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 18/10, toàn tỉnh đã có 24 người chết, 27 người mất tích, 12 người bị thương do mưa lũ. Những người mất tích tập trung chủ yếu ở 2 điểm sạt lở đất nghiêm trọng là thôn Tà Rùng (xã Húc) và thôn Cợp (xã Hướng Phùng), cùng huyện miền núi Hướng Hóa.
Trong khi đó, lũ trên các sông ở Quảng Trị vẫn chưa xuống, đều xấp xỉ báo động 3 đến trên báo động 3. Riêng sông Thạch Hãn đoạn chảy qua thị xã Quảng Trị đạt 7,4 m vượt báo động 3 là 1,4 M. Sông Hiếu tại Đông Hà đạt 5,35 m vượt báo động 3 là 1,35 m - vượt đỉnh lũ lịch sử 1983 là 0,7 m.
Đợt mưa này đã gây ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị tỉnh Quảng Trị, khiến 80/124 xã, phường, thị trấn ngập trong nước. Riêng thành phố Đông Hà tất cả 9 phường đều có nhà bị ngập lụt. Tại hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều bị ngập lụt sâu trên diện rộng.
Ước tính có tới 42.000 hộ với trên 148.000 người bị ngập lụt; trên 1.300 ha ao hồ nuôi thủy sản, hơn 2.5700 ha rau màu, cùng hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị ngập lụt và nước lũ cuốn trôi.
Sáng 18/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đến địa bàn xã Thanh An, huyện Cam Lộ kiểm tra thực tế vùng bị ngập lụt. Theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đợt mưa lũ này đã gây hậu quả rất lớn đối với tỉnh. Đặc biệt, với công tác cứu hộ, cứu nạn tại xã Hướng Phùng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4 (ông Trần Khắc Ban) cùng cho biết đang gặp nhiều khó khăn do khối lượng đất vùi lấp quá lớn, tuyến đường vào xã vẫn chưa lưu thông được.
Thừa Thiên-Huế: Các hồ chứa đều đã đầy nước
Sáng 18/10, sau khi viếng lễ tang 13 liệt sĩ tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quân khu IV về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại khu vực sông Rào Trăng; khắc phục thiệt hại do mưa bão.
Tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tới ngày 18/10, mưa bão đã làm 27 người chết (12 người chết do mưa lũ, 2 công nhân nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 13 người trong Đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67), mất tích 15 người tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3; 13 người bị thương. 85.000 nhà dân ngập trong nước.
Cho tới nay, toàn bộ các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh đều đang được vận hành an toàn. Tuy nhiên tình trạng mưa bồi trong 3 ngày (từ ngày 16 đến ngày 18/10) đã làm các hồ chứa đều đã đầy nước. Do đó, nếu mưa tiếp tục thì phải có biện pháp ứng phó thích hợp.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo cứu trợ cho dân vùng bị ảnh hưởng của lũ; 2 tấn lương khô; 10.000 thùng mỳ tôm; 20 tấn hóa chất benkocid để tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ 200 tỷ đồng để khôi phục hạ tầng dân sinh thiết yếu, nhà ở cho nhân dân; hỗ trợ khẩn cấp nguồn vốn ngân sách trung ương để sớm khắc phục hậu quả thiên tai với kinh phí khoảng 738 tỷ đồng…
Tới chiều ngày 18/10, UBND huyện A Lưới đã cho phép phương tiện và người lưu thông qua đường Quốc lộ 49A Huế - A Lưới, do trước đó bị sạt lở, mất an toàn. Nhưng để đảm bảo an toàn, vẫn tiếp tục nghiêm cấm tất cả người và phương tiện lưu thông đi qua đoạn km 63+00 đến km 78+00 (đoạn từ ngã ba Bốt Đỏ đến Hồng Hạ), Quốc lộ 49A từ 18 giờ đến 6 giờ hàng ngày cho đến khi có thông báo mới.
Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết, lãnh đạo huyện A Lưới theo dõi sát tình hình và thường xuyên có nhiều đợt hỗ trợ đột xuất cho người dân, đảm bảo không để người dân thiếu lương thực. Đây cũng là đợt mưa lũ, sạt lở nghiêm trọng nhất tại huyện miền núi A Lưới trong vòng 20 năm trở lại.
Trong khi đó, nước về các hồ vẫn tiếp tục tăng. Tới cuối giờ chiều ngày 18/10, mực nước trên trạm Kim Long: 3,47 m; trạm Phú Ốc: 4,62 m; trạm Phong Bình: 3,16 m... Nước trên sông Hương vẫn ở mức rất cao.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hôm nay, 19/10, ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ hoạt động mạnh và đới gió Đông trên cao nên sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng phổ biến 150- 300 mm, có nơi trên 300 mm. Trên các sông khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông xấp xỉ mức báo động 3. Một số vùng thấp trũng ở Quảng Điền, Hương Trà, Phong Điền... nước đang dâng trở lại.
Kích hoạt cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 4
Sáng 18/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức cuộc họp khẩn bàn các phương án ứng phó với mưa lũ miền Trung và thống nhất kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất lên cấp 4 - mức cảnh báo gần cao nhất để huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân.
Theo ông Nguyễn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, mưa, lũ đã diễn ra trên diện rộng, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục lên rất nhanh, mực nước sẽ lên vượt mức báo động 3. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam. Dự báo mưa lũ ở Trung Bộ còn kéo dài trong nhiều ngày, gây nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi vừa và nhỏ, các hồ chứa xung yếu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Ngoài ra, các khu vực miền núi các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam tuy mưa đã giảm nhưng nguy cơ sạt lở đất ở vùng núi vẫn rất cao, do đất đá đã bão hòa nước và nước rút gây sạt lở bờ sông.
Khánh Vy