Từ 40 nhà máy mía đường, niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy hoạt động. Dự báo niên vụ 2020-2021 sẽ có thêm 4 nhà máy tiếp tục đóng cửa. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết như vậy khi nói về thực trạng của ngành mía đường hiện nay.
Báo cáo của Hiệp hội này cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, sau khi trừ đi lượng đường đã xuất, số lượng đường nhập khẩu tại thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ áp đảo khi đạt đến con số gần 88%.
Đường lậu “chảy” mạnh vào trong nước, giá mía sụt giảm thậm tệ khiến người trồng mía lâm cảnh thua lỗ phải bỏ ruộng mía, thay thế bằng cây trồng khác. Trong khi đó, nhiều nhà máy đường thua lỗ phá sản, một số trang thiết bị xuống cấp phải ngưng hoạt động.
Được biết, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường theo dõi sát tình hình nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đồng thời hỗ trợ ngành sản xuất trong nước chuẩn bị thông tin cần thiết để nộp hồ sơ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại trong trường hợp lượng nhập khẩu đường gia tăng quá nhanh gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Không đơn thuần là một ngành sản xuất, mía đường còn đóng góp lớn cho an sinh xã hội khi đang tạo công ăn việc làm cho hơn 350 nghìn hộ nông dân. Khó khăn của ngành mía đường khiến cho cả người trồng mía và doanh nghiệp (DN) rơi vào thế khó.
Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, một trong những vựa mía của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã từng có tới hơn 15.000 ha trồng mía song đến thời điểm này đã giảm gần 1/3, chỉ còn 6.000 ha. Lãnh đạo địa phương này cho biết, cũng không còn xác định cây mía là cây chủ lực của địa phương.
Theo các chuyên gia, việc thực thi Hiệp định ATIGA đã gây ra những tác động mạnh đến ngành mía đường. Và theo đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam, có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại vấn đề, các DN ngành mía đường đã thực sự nỗ lực vượt khó hay chưa? Một cán bộ Bộ Công thương nói rõ: “Chúng tôi chưa thấy có sự cố gắng liên kết và đổi mới thực sự (của DN – PV) để có thể vững vàng hội nhập”.
Chính bởi vậy, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, các DN cần phải chủ động kết nối, bên cạnh đó đầu tư nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng chất lượng sản phẩm, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vừa cạnh tranh quốc tế.