“Tháng 7 nước nhảy lên bờ”, câu nói quen thuộc của người dân vùng lũ miền Tây Nam bộ gần đây đã không còn được nhắc. Mùa nước nổi ở miền Tây đang hiu hắt dần, không còn cảnh đánh bắt nhộn nhịp như những năm trước. Nguồn thu nhập giảm khiến cuộc sống hàng ngàn hộ dân ở vùng “rốn lũ” lại thêm khó khăn chồng chất giữa đại dịch Covid-19...
Đâu rồi con nước nhảy bờ
Đã cuối tháng 9, nhưng con nước nhích lên rất chậm. Đi dọc theo biên giới Campuchia từ Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho đến An Phú, Châu Đốc, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) không khó để bắt gặp hình ảnh bà con nông dân cùng ngồi lại với nhau lựa ra các loại cá đồng, cua vừa thu hoạch được dưới sông hay cánh đồng nước sau nhà.
Xưa nay, dớn là loại dụng cụ được người dân địa phương chuộng dùng nhất để đánh bắt cá, tôm đầu mùa. Rất hiếm hộ dân nào sống nương nhờ con nước lại không có hơn chục cái dớn.
Đặt dớn là cách bắt cá tôm quen thuộc của những người mưu sinh trên miền sông nước. Cách giăng bắt này khá đơn giản, người dân chỉ cần vài chục mét lưới mành, vài chục cây nhỏ (để cắm cố định dớn) và lưới đuôi dớn là có thể hành nghề. Số lượng giăng bắt được cũng hết sức đa dạng với các loại cá chốt, tép…
Hiện trên cánh đồng xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), nông dân đã xong vụ lúa hè thu, xả bờ chờ con nước về. Nhiều thửa ruộng còn trơ gốc rạ, lúa chét mọc từ gốc rạ đã xanh mơn mởn.
Ngồi nhìn ra cánh đồng sau nhà nhưng nét mặt không khỏi buồn rầu, ông Năm ngụ tại xã Thường Thới Hậu B nói: “Năm ngoái nước thấp mà tầm này cũng ngang đầu gối rồi. Năm nay tệ hơn, đoán chừng chắc chẳng có lũ luôn rồi”.
Hàng chục năm theo nghề đặt dớn, bủa lưới đánh bắt các sản vật mùa nước nổi, với ông Năm, lũ về là khoảng thời gian cá mắm gia đình ăn không hết và có đồng ra đồng vô mỗi ngày. Lúc này, lũ chưa về, ông không có việc làm, vợ ông thường ngày đan lát đồ thủ công gia dụng cũng thất nghiệp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hai người con của ông làm thợ hồ cũng đang nằm nhà.
Tương tự Đồng Tháp, An Giang là tỉnh đón nhận nước lũ từ thượng nguồn đồ về sớm nhất so với nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hiện nước ở đây chỉ rục rịch lên đồng, chưa cao.
Mùa nước nổi (hay còn gọi là mùa lũ) là một trong những nét đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nước về giúp đồng ruộng vệ sinh, bồi đắp phù sa, diệt trừ cỏ dại, chuột... Nước cũng mang về các sản vật như cá linh, cua đồng, lươn, rắn, bông súng, bông điên điển... Mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, tức tháng 8 đến tháng 11 dương lịch.
Nguồn lợi thuỷ sản khan hiếm, phù sa không về
Trên cánh đồng xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn, An Giang) nông dân làm xong vụ lúa hè thu xả bờ chờ con nước về để mang theo phù sa bồi bổ cho mùa vụ mới nhưng có lẽ năm nay họ sẽ phải thất vọng vì không thấy nước đâu. Người dân ở vùng này cho biết, kiểu gì rằm tháng 8 sẽ có con nước về tràn đồng, nhưng đã qua vài ngày vẫn không thấy đâu.
Ông Nguyễn Văn Tư (62 tuổi), ngụ xã Phú Thuận đứng nhìn con kênh trước cửa nhà. Thấy con nước lên chậm ông Tư cũng chẳng thiết tha soạn dớn, lưới đã cất kỹ từ mùa nước trước.
“Những năm trước tầm tháng 9 nước về lút đầu. Năm nay con nước chỉ mới ngang ngực mà lại lên nhanh nhưng rút cũng nhanh. Mấy hôm rày, gia đình đặt hơn chục cái dớn rải đều mà không thu được bao nhiêu. Vì vậy, tui chuyển qua giăng lưới ở mép cống trên các dòng kênh thì nguồn cá thu được khoảng 5 kg cá tạp, xem như có tiền mua gạo trong lúc dịch dã”, ông Tư bộc bạch.
Cũng theo ông Tư, những năm trước trong khoảng thời gian ngắn, thu lưới cũng dính vài chục cân cá tạp cho mỗi mẻ lưới là chuyện nhỏ. “Nhưng con nước năm nay lại khác, cá tôm ít ỏi loay hoay trong ngày kiếm khoảng 8kg tôm cá là người đó được bà cậu “độ” lắm”, ông Tư nói.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Đẹt (45 tuổi), ngụ huyện Thoại Sơn cho biết, mùa lũ năm ngoái, với 8 cái dớn gia đình xuôi theo con kênh hay ra đồng cũng kiếm ít cũng vài chục cân cá tạp và cá mè vinh. “Thời điểm này, từ khuya tới sáng tui kiểm được 2 kg cá tạp, con nước năm nay đã chậm, lại thêm cá ít”, anh Đẹt tâm tình.
Còn tại cánh đồng thuộc xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú), ngư dân không còn cảnh tất bật chuẩn bị dụng cụ để đánh bắt cá. Ở đây họ sử dụng các ngư cụ chủ yếu là đáy, dớn và thả lưới…
Anh Lê Văn Hai, ngụ ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông bó gối ngồi trước nhà nhìn mớ ngư cụ rồi quay qua chỉ tay về phía con nước. Anh Hai cho biết, bản thân đã có hơn chục năm làm nghề đánh bắt thủy sản trên nhánh sông Hậu này. “Mấy năm về trước thời điểm này con nước đã ngập lút đầu, chúng tôi phải chia nhóm ra làm 2 ca trực. Mỗi ngày nhóm chúng tôi thả khoảng 3 miệng thu hoạch khoảng 3 đến 4 tấn cá. Nhưng năm nay con nước lên chậm, thêm dịch bệnh nên việc mưu sinh coi như mất trắng”, anh Hai nói.
Cũng theo anh Hai, hiện nhóm của anh không thể đi đánh bắt cá do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19. Vì vậy, chỉ nằm ở nhà, chờ hết dịch mới nghĩ đến việc đi đánh bắt.
Lượng nước ngày càng ít
Đầu mùa mưa năm 2021, các đập đã giữ lại phần lớn lượng nước mưa, làm cho khởi đầu của mùa lũ 2021 rất thấp so với điều kiện tự nhiên. Theo thông tin từ Dự án giám sát đập Mê Kông (MDM) cập nhật đến tháng 8/2021, đến thời gian này lẽ ra mùa lũ đã xuất hiện trên sông Mê Kông nhưng vẫn chưa có.
Một số cột nước của Ủy hội Mê Kông quốc tế (MRC) cho thấy, mực nước thấp kỷ lục do lượng mưa thấp ở phần hạ lưu vực Mê Kông và do sự tích nước của các đập trong toàn lưu vực, trong đó có sự tích nước quan trọng ở đập Nouzhadu (Trung Quốc).
Nhận định của Uỷ hội Mê Kông, các đập ở đầu nguồn đang tích cực trữ nước. Việc tích nước này diễn ra hàng năm vào đầu mùa lũ nhưng năm nay lượng mưa đầu mùa trong lưu vực lại thấp hơn trung bình nhiều năm; từ đó gây ra tác động lớn đến mực nước sông Mê Kông, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng thủy sản tự nhiên vì thiếu nơi sinh sản và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở một số nơi trong lưu vực.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: “Trong những năm có đủ lượng mưa, các đập thủy điện trên dòng Mê Kông ít ảnh hưởng đến lượng nước và thời gian nước chảy về Đồng bằng sông Cửu Long. Còn những năm thiếu nước thì các đập sẽ tích nước trong hồ chứa đủ cho mình trước, rồi mới xả ra phát điện. Đập trên tích nước thì đập kế tiếp bên dưới phải đóng lại để chờ đến khi đập trên xả mới có nước để tích và đập kế tiếp phải chờ… Như vậy, nước đi qua một chuỗi đập sẽ mất thời gian và gây nên tình trạng mực nước thấp ở phía hạ lưu như những năm gần đây…”.
Còn theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, trong tháng 6/2021, trên lưu lực sông Mê Kông xuất hiện đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên tại trạm Kratie khoảng 3,20 m, sau khi đạt đỉnh vào ngày 20/6 mực nước xuống chậm.
Mực nước cao nhất tháng tại các trạm từ dưới trạm Kratie đều ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 từ 1 – 3,10 m và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,40 – 1,25 m. Trong nửa đầu tháng 7/2021, mực nước các trạm thượng nguồn sông Mê Kông biến đổi chậm.
Mực nước trên các sông, kênh khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Khánh An, Châu Đốc, Tân Châu và vùng hạ lưu sông tại Chợ Mới, Vàm Nao, Long Xuyên từ đầu tháng 6 đến nửa đầu tháng 8/2021 còn chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.
Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước chịu ảnh hưởng chủ yếu của thủy triều từ sông Hậu truyền vào, lượng mưa nội vùng và quá trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên.
Trong nửa đầu tháng 8/2021, mực nước tại các trạm trên sông Tiền, sông Hậu dao động theo xu thế thủy triều, ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 0,15 - 0,65 m, mực nước thấp nhất ở mức cao hơn cùng kỳ 2020 từ 0,55 – 1,70 m. Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất, thấp nhất hầu hết ở mức xấp xỉ và thấp hơn cùng kỳ 2020 từ 0,05 – 0,55 m.
“Những năm trước tầm tháng 9 nước về lút đầu. Năm nay con nước chỉ mới ngang ngực mà lại lên nhanh nhưng rút cũng nhanh. Mấy hôm rày, gia đình đặt hơn chục cái dớn rải đều mà không thu được bao nhiêu. Vì vậy, tui chuyển qua giăng lưới ở mép cống trên các dòng kênh thì nguồn cá thu được khoảng 5kg cá tạp, xem như có tiền mua gạo trong lúc dịch dã”.