Tinh hoa Việt

Mùa săn cà ra trên sông Ba Chẽ

NGUYỄN QUÝ 20/01/2025 13:15

Ẩn dưới những tảng đá cuội, hai bên bờ sông phủ bóng rừng già quanh năm vi vút gió, loài cà ra giờ đây đã trở thành đặc sản nức tiếng ở miền núi Ba Chẽ, Quảng Ninh.

A1 (12)
Người dân thả lồng bắt cà ra trên sông Ba Chẽ.

Dưới bóng đại ngàn

Sông Ba Chẽ gồm nhiều nhánh. Nếu tính vùng thượng lưu từ đỉnh Thiên Sơn cao hơn 1.200m (phía nam xã Đồn Đạc) thì sông có chiều dài hơn 80km. Nếu tính từ nhánh qua rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng phía tây xã Lương Mông, thì sông Ba Chẽ dài 150km. Các đoạn sông thượng nguồn dốc đứng, bằng phẳng dần khi chảy về thị trấn Ba Chẽ, lòng sông mở rộng trước khi đổ ra cửa Voi Lớn (Vân Đồn).

Sông Ba Chẽ giờ đây còn mang đầy nét hoang dã, là nơi sinh sống của nhiều loài tôm, cá, nhưng nổi bật nhất vẫn là loài cà ra. Cà ra có người còn gọi là cua lông, có hình dáng gần giống như con rạm vùng đồng bằng nhưng to hơn nhiều, có con nặng đến 2 lạng. Mùa cà ra ở Ba Chẽ bắt đầu khi tiết trời chuyển từ thu sang đông kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.

Ông Đàm Văn Cường (thôn Khe Loọng Ngoài, xã Thanh Sơn) là người đã có 64 năm sống bên sông Ba Chẽ. Trong ký ức của ông Cường, trước đây cà ra ở sông Ba Chẽ rất nhiều. Hàng năm, khi thời tiết trở rét, chuyển từ thu sang đông. Cà ra thường xuất hiện nhiều và thực sự rộ nhất vào khoảng từ tháng 10 âm lịch; đây là khoảng thời gian cà ra béo ngậy, nhiều gạch và thơm ngon nhất. Loại đặc sản này có vị ngọt, thơm đặc trưng, không giống như những loại cua, ghẹ khác.

A2 (11)
Cà ra được bày bán ở chợ Ba Chẽ.

Cà ra có thể chế biến với nhiều món ngon như: nấu canh, hấp, luộc, bóc vỏ, bỏ càng chao mỡ cùng lá lốt cho ra miếng cà ra đầy ắp gạch vàng, thơm ngậy… đặc biệt là món lẩu cà ra ăn cùng các nguyên liệu khác, trong thời tiết se lạnh, thưởng thức nồi lẩu cà ra nóng hổi, sánh vàng, cùng các loại rau xanh, chắc hẳn sẽ khiến bất cứ thực khách nhớ mãi không quên.

Theo ông Cường, trước đây ven sông là các khu rừng tự nhiên, các khu rừng này giữ nước, giúp cho nước sông nhiều hơn, nhưng ngày nay, nhiều nơi thay thế là rừng keo. Trước khi trồng vụ mới, người ta lại đốt các gốc keo của năm cũ, làm đất khô cứng và giết chết nhiều loại côn trùng có lợi cho đất cũng là nguồn thức ăn của cà ra. Hơn nữa, keo là loại cây có nhựa độc, khi người ta khai thác, nhựa keo rửa trôi xuống dòng sông. Ngoài ra, bên bờ sông không có cây lâu năm che mát khiến cho nước sông nóng hơn, hủy hoại môi trường sống của cà ra.

Ngoài ra, do là một đặc sản nên những năm gần đây, con cà ra thường bị đánh bắt ồ ạt. Việc người dân thường dùng kích điện, lồng bát quái để đánh bắt đã làm cho các loài thủy sản không kịp tái tạo, lượng cà ra trên sông ngày càng giảm rõ rệt, có nguy cơ cạn kiệt.

Nhằm bảo vệ nguồn thủy sản quý này, huyện Ba Chẽ đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thả hơn 10.000 con giống, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tuyệt đối không sử dụng các hình thức khai thác tận diệt, chỉ khai thác những loài thủy sản đủ kích cỡ quy định, để bảo tồn và phát huy nguồn lợi thủy sản cũng như phát huy giá trị kinh tế của địa phương.

A3 (6)
Thịt cà ra béo ngậy, có vị ngọt thơm đặc trưng, không giống như những loại cua, ghẹ khác.

Ngược dòng Ba Chẽ bắt cà ra

Bàn Đức Sồi, thôn Lang Cang, xã Đồn Đạc là một thợ săn cà ra lâu năm ở Ba Chẽ. Dụng cụ đánh bắt cà ra của anh Sồi chỉ đơn giản là 2,3 chiếc lồng được đan bằng nan tre, có hình dạng và kích cỡ bằng một chiếc chum nhỏ.

Ngày tháng 10 chưa cười đã tối. Cứ khoảng 5h chiều, anh Sồi lại xách lồng, chèo thuyền ngược sông Ba Chẽ đến đoạn thác Lang Cang, nơi có loài cà ra trú ngụ nhiều. Việc đánh bắt cũng khá đơn giản. Sồi chỉ cần chèo đến vị trí bậc thác thấp nhất, rồi leo bộ đặt chiếc lồng ở giữa thác, mỗi tầng thác một chiếc, sau đó kê đá cuội cho lồng không bị nghiêng đổ. Xong xuôi, anh lại trèo thuyền về nhà.

“Mỗi chiếc lồng được thiết kế một cửa hom, để con cà ra bò từ tầng thác trên theo dòng nước chảy chui vào lồng nhưng không chui ra được. Nếu may mắn, mỗi sáng ra thu lồng, người bắt cà ra có thể thu được cả chục cân, nhưng có hôm cũng chỉ đủ bữa canh cho cả nhà” – anh Sồi nói.

Những người có kinh nghiệm lâu năm đánh bắt cà ra như ông Trương Văn Giểng (xã Thanh Sơn) đều nhận định, cà ra có nhiều nhất từ cầu ngầm Ba Chẽ cho đến xã Thanh Lâm. Dòng sông qua khu vực xã Thanh Sơn nhiều đoạn về mùa mưa nước chảy rất xiết. Trước đây, khi chưa có con đường 330 nối liền thị trấn Ba Chẽ với xã Lương Mông như bây giờ, người dân phải đóng bè hoặc chèo thuyền nhỏ xuôi theo dòng sông và thác Trúc, rất nguy hiểm, bởi địa hình nhiều mỏm đá gồ ghề, nhiều dải đá ngầm. Nhưng địa hình này lại là nơi sống thích hợp của cà ra. Vì thế mà Thanh Sơn có đến 20 hộ chuyên làm nghề bắt cà ra theo mùa. Cà ra bắt được nhiều khi chỉ tiêu thụ tại xã cũng không đủ, tuy số lượng hàng ngày lên đến hàng tạ. Các lái buôn cà ra ở Hạ Long, Cẩm Phả muốn thu gom nhiều phải đặt trước.

Có lẽ vì vậy mà cà ra giờ đây không còn là món ăn bình dân của người Ba Chẽ nữa. Loại nhỏ nhất mà người đánh bắt mang bán cho các nhà hàng cũng có giá 200.000 đồng/Kg. Loại to hơn có giá từ 280.000 đến 350.000/Kg tùy loại.

Những hộ chuyên đánh bắt cà ra trên sông Ba Chẽ đều nhận định: Cà ra rất kén môi trường sống, chúng còn sống ở sông Ba Chẽ vì môi trường của dòng sông vẫn còn tốt. Đây chính là nỗi niềm trăn trở của lãnh đạo huyện Ba Chẽ hiện nay. Để bảo tồn cà ra trên sông, nếu chỉ là vận động người dân không đánh bắt con nhỏ, không sử dụng ngư cụ cấm… chưa đủ, mà còn phải vận động các hộ có rừng bên sông nên thay thế rừng keo bằng các rừng gỗ lớn, hoặc khôi phục các khu rừng tự nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa săn cà ra trên sông Ba Chẽ