Mùa phim hè năm nay điện ảnh Việt Nam nhường sân cho phim ngoại. Đây cũng là năm đầu tiên các hệ thống rạp vắng bóng phim nội chiếu dịp hè. Đáng lưu ý, dường như phim Việt dành cho thiếu nhi cũng đang bị lãng quên.
Phim ngoại chiếm lĩnh thị phần
Các rạp phim đang chứng kiến cảnh khán giả Việt xếp hàng mua vé vào xem phim bom tấn Hollywood, trong khi đó những bộ phim mới của Việt Nam hoàn toàn vắng bóng. Hiện phim Việt trở lại đường đua phòng vé sớm nhất mới chỉ có: "Fanti" của đạo diễn Andy Nguyễn công chiếu ngày 28/7, “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân sẽ công chiếu ngày 21/8. Có vẻ các nhà sản xuất tập trung cho những tháng cuối năm. Theo đó, có thể kể tới các phim: “Kẻ ẩn danh” của đạo diễn Trần Trọng Dần công bố sẽ ra rạp vào dịp 2/9, “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dự kiến ra rạp ngày 20/10, “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ dự kiến ra rạp ngày 3/11….
Như vậy, từ đầu tháng 6 tới nay doanh thu thị trường đang bị chiếm trọn bởi các phim nước ngoài. Theo Box Office Vietnam (đơn vị thống kê doanh thu phòng vé độc lập), các phim bom tấn ngoại đang dẫn đầu doanh thu tại phòng vé Việt là: “Fast & Furious” 10 đạt 98 tỉ đồng, “Vệ binh dải ngân hà 3” thu 54 tỉ đồng, “Spider-Man: Du hành vũ trụ nhện” thu 32 tỉ đồng. Riêng “Transformers: Quái thú trỗi dậy” đang thu hút khán giả Việt Nam mua vé nhiều nhất, tổng số tiền bán vé hiện lên tới khoảng 63 tỉ đồng… Bên cạnh đó, mùa phim hè cũng là thời điểm bội thu của dòng phim thiếu nhi. Những phim ngoại, như: “Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời” thu được 73 tỉ đồng, “Thám tử lừng danh Conan: Nàng dâu Halloween” doanh thu 58 tỉ đồng sau khi rời rạp; “Minions: the rise of Gru” chạm mốc gần 200 tỉ đồng tại thị trường Việt Nam...
Giải thích nguyên nhân khiến phim Việt “đóng băng” hè này, nhiều nhà sản xuất đưa ra là do thiếu chi phí vận hành, nhiều dự án bị trì hoãn, thậm chí hủy bỏ một cách đáng tiếc, việc gọi vốn ngày càng khó khăn khi ngành phim không còn là “địa hạt” hấp dẫn cho các nhà đầu tư...
Với số lượng phim thiếu nhi ít ỏi, nguyên nhân được đưa ra là khoảng cách về mức độ đầu tư sản xuất, chất lượng diễn viên, sự quan tâm của người hâm mộ, thiếu kịch bản hay, lợi nhuận thấp, nguy cơ chịu lỗ rất cao… khiến nhà làm phim hết sức cân nhắc khi đầu tư vào dòng phim này. Dẫn chứng cho thấy, năm 2022 bộ phim điện ảnh “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác” công chiếu dịp 1/6 chỉ thu về 6,4 tỉ đồng, dù kinh phí đầu tư lên đến 30 tỉ đồng.
Hay bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu kí” cũng rời rạp với doanh thu 22 tỉ đồng so với kinh phí sản xuất là 43 tỉ đồng. Chia sẻ về những khó khăn của thể loại phim thiếu nhi, theo đạo diễn Huỳnh Đông, đó là bài toán kinh phí và đầu ra. Cụ thể, đầu ra cho thể loại này không được rộng rãi như phim cho người lớn. Đề tài phim thiếu nhi hạn hẹp, các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Thậm chí ngay cả khi có đề tài tốt, diễn viên tốt cũng không biết tại sao khán giả Việt không đón nhận. Do đó, các nhà làm phim khi nhận đề tài này luôn phải đắn đo, suy nghĩ và điều đó khiến họ chùn chân.
Với dòng phim thị trường, không thể phủ nhận những thành công của bộ phim "Nhà bà Nữ", "Chị chị em em 2", "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh", "Con Nhót mót chồng", "Siêu lừa gặp siêu lầy"… Những bộ phim đã mang về doanh thu khủng tại các phòng vé hồi đầu năm với con số lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ đồng, nhiều bộ phim còn xuất ngoại và mang về nhiều hy vọng cho điện ảnh Việt Nam.
Dù vậy, nhìn vào danh sách phim nước ngoài ăn khách tại Việt Nam, có thể nhận thấy sự phong phú về đề tài, thể loại, nhất là phim thiếu nhi vẫn thu hút đông đảo khán giả mọi lứa tuổi. Ðây là hạn chế của phim Việt, khi cứ mãi loanh quanh các câu chuyện quen thuộc như gia đình, giải trí, hài… Giới chuyên gia lưu ý, điện ảnh ngoài tính giải trí thì còn có chức năng nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho khán giả. Nếu cứ chạy theo những dạng phim này thì có thể thắng về doanh thu nhưng lâu dài sẽ mang đến những mối lo cho nền điện ảnh nước nhà.
Còn nhiều hạn chế
Ông Nguyễn Khánh Dương - sáng lập Box Office Vietnam thông tin: Số lượng phim Việt ra rạp trong 6 tháng qua chỉ có 10 phim, trong đó có 8 phim điện ảnh và 2 phim tài liệu, đây là con số thấp kỷ lục trong 5 năm qua, bởi theo thống kê của 6 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 24 phim Việt ra rạp phục vụ khán giả.
Theo giới chuyên gia, điện ảnh Việt đã có những bước tiến mạnh mẽ so với 10 năm trước. Về lĩnh vực sáng tạo và sản xuất phim, hiện nay có khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim, các doanh nghiệp này được gọi là “hãng phim”. Ở thời điểm trước dịch Covid-19, thị trường điện ảnh trên đà phát triển nhanh nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập. Hơn 60% số phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong phát hành phim. Trong đó, công ty nước ngoài sở hữu số lượng rạp lớn có biểu hiện thống lĩnh thị trường, gây ra sự áp đặt tỷ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim, khiến các công ty sản xuất và phát hành phim Việt chịu nhiều rủi ro, thua lỗ, thậm chí phá sản.
Đi tìm giải pháp để phim Việt khởi sắc, TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam đề xuất: Cần đưa ra những chính sách ưu đãi trong sản xuất phim với mục tiêu là sản xuất nhiều bộ phim có giá trị nội dung và nghệ thuật, có tác dụng giáo dục.
Cụ thể, cần có ưu đãi về các loại thuế, về đầu ra của phim, về việc Nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng về nội dung và nghệ thuật để các nhà sản xuất phim có động lực tiếp tục làm ra những bộ phim đặc sắc, chạm được đến xúc cảm của khán giả. "Đồng thời, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các tổ chức và cá nhân, cơ sở và doanh nghiệp điện ảnh bán phim Việt Nam để phát hành và chiếu ở nước ngoài dưới mọi hình thức, đồng thời quan tâm và triển khai việc khai thác phim Việt Nam ở thị trường nước ngoài trong và sau thời gian chiếu phim (kể cả việc phát triển các sản phẩm ăn theo phim) nhằm tận thu cho phim", bà Lan gợi mở.
Thời gian qua, trong các cuộc hội thảo, nhà quản lý và giới chuyên gia bàn nhiều về việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, về giấc mơ một nền điện ảnh phát triển để giới thiệu và quảng bá Việt Nam ra thế giới. Còn thực tế cho thấy, nền điện ảnh Việt Nam đang manh mún, mạnh ai nấy làm. Nói như đạo diễn Lương Đình Dũng, gọi là công nghiệp điện ảnh thì phải đúng nghĩa là sản xuất chuyên nghiệp, và quy trình bài bản mới có chất lượng phim ổn định.
Vì thế, Nhà nước cần cử người đi học nước ngoài nhiều hơn, có nhiều quỹ để hỗ trợ các thế hệ sinh viên ra nước ngoài học chuyên ngành điện ảnh, tất nhiên không chỉ học đạo diễn, quay phim hay hóa trang... Ngành nào chúng ta cũng khuyến khích đi học, thì chất lượng chuyên môn của các hạng mục sẽ đồng đều hơn trong việc sản xuất phim. Tránh việc đạo diễn hay quay phim làm việc theo một quy trình, và các thành viên khác theo một quy trình khác. Trong một phim mà chất lượng chuyên môn các khâu không đồng đều, thì chất lượng phim đương nhiên sẽ bất ổn.
Đi vào những hạn chế lớn của điện ảnh trong nhiều năm qua, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đề cập tới tư duy của ngành phim là vấn đề xin tài trợ khiến điện ảnh khó hấp dẫn nhà đầu tư. Đây là một lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứ không phải xin từ thiện. Đã là một kênh đầu tư, nó phải chuyên nghiệp, tự nuôi sống mình bằng một mô hình kinh doanh bền vững, có sự tăng trưởng cao. Nếu làm được chuyên nghiệp như vậy, ngành phim sẽ thu hút được các nhà đầu tư chứ không phải đi xin tài trợ.
Ở góc nhìn khác, đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân cho rằng, hiện chúng ta thiếu vắng những kịch bản hay, những nhà biên kịch tài năng. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cũng nêu giải pháp phát triển điện ảnh là phải tôn trọng tìm tòi sự mới lạ, thoáng hơn khi duyệt đề tài thì mới mong có phim hay.
Còn đạo diễn Phan Đăng Di thì thẳng thắn nêu quan điểm: Việt Nam đang có một lỗ hổng lớn trong việc đầu tư và quản lý phim ảnh. Để có thể đưa phim Việt đi xa hơn không thể là cuộc đi đơn độc của nhà làm phim mà cần một nền quản lý và xã hội có tầm nhìn, tư duy sáng suốt hơn.
Mở đường cho phim Việt
Nhìn ra thế giới để thấy mỗi nền điện ảnh đều cần những chính sách bảo hộ gắn với thực tiễn để phát triển bền vững. Như quy định hạn ngạch bảo vệ gần như tuyệt đối cho điện ảnh trong nước phát triển là Hàn Quốc. Chính phủ nước này quy định tỷ lệ suất chiếu phim nội phải nhiều hơn phim nhập tại các rạp chiếu phim, giám sát chặt chẽ việc nhập phim, giảm thuế và các chi phí hỗ trợ, khuyến khích các tập đoàn kinh tế đầu tư kinh phí sản xuất cho phim nội địa.
Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất phim Hàn Quốc luôn xác định mục tiêu chính là sản xuất phim phục vụ khán giả trong nước. Đây cũng là cách khiến Hàn Quốc ít bị ảnh hưởng và có thể cạnh tranh sòng phẳng với những bộ phim bom tấn Hollywood.
Còn tại Pháp, việc áp dụng chính sách bảo hộ thể hiện qua chính sách điều tiết thị trường điện ảnh, cụ thể như: Nhà nước bắt buộc đầu tư sản xuất nội dung phim điện ảnh trình chiếu trên truyền hình; áp dụng hạn ngạch cho kênh truyền hình có nội dung dành cho những nước châu Âu và nói tiếng Pháp; sắp xếp hệ thống truyền thông; cấp giấy phép cho xây rạp chiếu để điều tiết và cân đối thị trường luôn song hành với kiểm duyệt và phân loại phim...
Tại Việt Nam, Luật Điện ảnh mới được Quốc hội thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế. Để điện ảnh phát triển như một ngành công nghiệp thì cần tuân theo các quy luật kinh tế và có các chính sách phù hợp với thực tiễn thị trường…
Theo đó, để thực thi được tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam bắt buộc tại rạp, còn phụ thuộc vào quy luật thị trường và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm tốt, phù hợp nhu cầu khán giả, thu hút đông người xem, phim Việt mới có vị trí, suất chiếu nhiều để trụ rạp như mong muốn. Đồng thời cần có các chính sách hỗ trợ của nhà nước để "vực dậy" hệ thống rạp chiếu nội địa với các giải pháp như: Khơi thông hợp tác công-tư, nguồn lực xã hội để hỗ trợ rạp nội địa; chính sách thuế, đất đai để xây dựng cụm rạp...
Để mở đường cho phim Việt, nhìn ở góc độ cụ thể và thực tế của người làm nghề, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã quan tâm đến giải pháp về xây dựng cơ chế hợp tác công - tư và các chính sách bảo vệ điện ảnh nội địa. Trên thực tế, các nhà làm phim hiện đang gặp nhiều khó khăn trước sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài, phim Việt thường bị đẩy vào giờ chiếu không thuận lợi và nhiều bộ phim phải nhanh chóng rời rạp vì không có khách. Vì vậy, chính sách pháp luật về điện ảnh cần có giải pháp thực tế hơn cho bài toán này.
Nêu giải pháp thu hút khán giả tới rạp, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát cho hay, nếu muốn phim ăn khách, giới làm phim không còn cách nào khác ngoài việc vạch ra chiến lược phát triển cho bộ phim, nắm bắt thị hiếu của đại đa số khán giả để có hướng đi đúng đắn. Đồng thời, phim Việt cần có chiến lược PR bài bản, nhà sản xuất phải kết hợp với các cụm rạp để có chính sách hỗ trợ cần thiết hơn.
Từ phía quản lý, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành khẳng định: Một trong những mục tiêu trong thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2030 được Bộ VHTTDL tập trung là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước phấn đấu xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.
Nhưng, để đạt được những mục tiêu đặt ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần có các giải pháp đột phá nhằm phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có khả năng mang lại lợi nhuận.