Đề xuất các trường được tự chủ giáo viên của người đứng đầu ngành giáo dục - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, có đồng thuận, có băn khoăn và cả phản đối.
Đặt trong bối cảnh ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ với hàng loạt những đột phá ở khâu thi cử, đổi mới chương trình, sách giáo khoa… thì đề xuất bỏ biên chế giáo viên được nhiều người ví như một cú hích cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền với nâng cao chất lượng giáo dục.
Giáo dục là một lĩnh vực đặc thù mà ở đó, chỉ một sai lầm có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của cả một thế hệ. Bất cứ thay đổi nào trong giáo dục cũng cần được cân nhắc thận trọng trên cơ sở lợi ích của người học, người dạy và sự phát triển của xã hội. Vì vậy, bất cứ chủ trương nào liên quan đến giáo dục đều nhận được sự quan tâm, góp ý từ cộng đồng, xã hội cũng là điều dễ hiểu.
Học sinh sẽ là những người công tâm nhất để đánh giá chuyên môn, khả năng sư phạm của các thầy cô.
Đặc thù nhưng giáo dục cũng không nằm ngoài quy luật phát triển của xã hội, của nền kinh tế thị trường với cung – cầu liên tục thay đổi, không nơi nào giống nơi nào.
Điển hình là hàng nghìn cơ sở trông giữ trẻ tư nhân, các trường mẫu giáo tư thục ra đời trên khắp cả nước khi số lượng trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh dù chất lượng của các cơ sở tư nhân này chưa thể kiểm soát.
Tương tự, ở cấp phổ thông, chúng ta đã có bài học về hàng nghìn giáo viên dôi dư nhưng cũng thiếu hàng nghìn chỉ tiêu. Bản thân các trường sẽ hiểu rõ hơn ai hết đang thừa giáo viên bộ môn nào, thiếu giáo viên bộ môn nào.
Nếu như hiệu trưởng được trao quyền tuyển người, việc thiếu hụt này sẽ không xảy ra. Ngược lại, nếu hiệu trưởng tuyển thừa, dẫn đến hiện tượng dôi dư giáo viên thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập chung của cán bộ giáo viên.
Về lâu dài, chắc chắn hiện tượng đó sẽ gặp phải sự phản đối của tập thể cán bộ công nhân viên trong trường và cả sự giám sát của xã hội. Nên dù nắm quyền sinh, quyền sát trong tay, hiệu trưởng cũng không thể làm phình bộ máy một cách vô lý được.
Cũng liên quan đến lo ngại khi quyền lực được trao vào tay hiệu trưởng quá lớn thì liệu có vì thân quen, vì nể nang, vì này vì kia mà nhà trường sẽ tuyển những người có trình độ, năng lực yếu kém?
Những giáo viên có chuyên môn cao nhưng không được lòng hiệu trưởng, những người có tiếng nói trái ngược với lãnh đạo thì sẽ bị trù dập, bị kìm hãm đến mức phải chịu khuất phục hoặc phải chấm dứt hợp đồng, phải chuyển trường?
Đối với những băn khoăn này, các chuyên gia giáo dục cho rằng sẽ được giải quyết khi việc bỏ biên chế, trao quyền tuyển dụng, hủy hợp đồng cho người đứng đầu được thực hiện công khai và dân chủ dưới sự giám sát của không chỉ cán bộ giáo viên trong trường, của học sinh, phụ huynh và toàn thể xã hội. Bởi không ai, không gì có thể thay đổi được sự thật.
Học sinh sẽ là những người công tâm nhất để đánh giá chuyên môn, khả năng sư phạm của các thầy cô. Ngoài ý kiến của hội đồng sư phạm, để đánh giá chuyên môn của một giáo viên, có thể tham khảo ý kiến của một đơn vị độc lập, có chuyên môn cao như các trường đại học.
Muốn vậy, việc nâng cao tính dân chủ trong môi trường trường học cần được quan tâm đúng mức hơn nữa để mọi góp ý đều được lắng nghe xem xét, kể cả những lời “nghịch lỗ tai”.
Về phía các cơ quan quản lý. việc lựa chọn người đứng đầu là hiệu trưởng các trường đòi hỏi phải thật nghiêm túc, khách quan theo đúng năng lực, chuyên môn.
Đồng thời, nếu có các vi phạm, khuyết điểm thì phải xử lý nghiêm và công khai để tạo niềm tin đối với những người trong cuộc cũng như học sinh, phụ huynh và xã hội nói chung.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc việc bổ nhiệm hiệu trưởng, trong thời gian bao lâu. Không thể có chuyện giáo viên thì chuyển sang không biên chế trong khi hiệu trưởng lại yên tâm biên chế ổn định cả đời!
Trả lời những băn khoăn này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay.
Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của giáo viên được thể hiện qua thu nhập - là việc cần phải làm.
Lâu nay, nhiều người lo lắng khi sinh viên giỏi không vào trường sư phạm vì thu nhập ra trường không tương xứng. Đó cũng là day dứt, thậm chí nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là “món nợ” mà người đứng đầu ngành như ông cảm thấy day dứt khi chưa trả được. Nhưng sẽ rất khó có thể tạo ra sự thay đổi nếu cứ mãi bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức (đã được quy định chung). Vì vậy, việc thay đổi này, dù khó khăn nhưng là đúng đắn và cần thiết phải thực hiện.
Tuy nhiên, quyết định này sẽ tác động đến hơn 1 triệu thầy cô giáo, nên cần những nghiên cứu kỹ, tham khảo ý kiến các bộ ban ngành khác cũng như toàn xã hội để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng.
Mọi thay đổi hay đổi mới của ngành giáo dục nói riêng cũng như toàn xã hội nói chung đều phải hướng tới mục đích trở nên tốt hơn hiện tại. Vấn đề sâu xa ở đây không chỉ là giải quyết bài toán thu nhập mà còn là tạo môi trường làm việc cạnh tranh, năng động để người tài được trọng dụng, được phát huy, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng. Từ đó, nâng cao chất lượng đội ngũ người thầy, nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc biên chế hay hợp đồng xét đến cùng chỉ là hình thức, là biện pháp quản lý công việc của các thầy cô giáo. Điều quan trọng hơn là thầy cô phải trở thành hình mẫu cho học sinh trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Một môi trường giáo dục tốt nhất cho con trẻ sẽ được hình thành từ nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu những người thầy, người cô giỏi về năng lực, trình độ và tâm huyết với nghề, yêu trò, gắn bó với ngôi trường mà mình đang công tác.