Được hiểu là công việc đi đưa hàng, nghề “ship” hiện được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì không đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm hay chuyên môn, lại linh hoạt thời gian và quan trọng là thu nhập không hề thấp nếu chịu khó làm. Dân trong nghề vẫn gọi vui đây là “nghề lên xe là có tiền”, song chuyện được – mất khi rong ruổi trên đường của những “shipper” nhiều khi không dễ kể.
“Shipper” đang gọi điện thoại cho khách hàng.
Thu nhập “bét” nhất 5 triệu đồng/tháng?
Nguyễn Thị Yên tốt nghiệp lớp Kế toán Doanh nghiệp K54B, Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Vì cảm thấy không phù hợp với chuyên ngành mình đã được đào tạo trên ghế nhà trường, Yên quyết thử thách ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm tìm ra đam mê thực sự của mình. Ban đầu cô xin làm nhân viên trực tổng đài của Viettel, rồi sau đó đi bán hàng… Tình cờ được một người bạn giới thiệu vào hội những người chuyên đi giao hàng, Yên thấy cũng thú vị nên quyết định thử .
Từ tháng 9/2015 đến tháng 1/2016, cựu sinh viên ĐH Nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Thị Yên thường xuyên trên từng cây số. Có mặt trên khắp các nẻo đường ở Hà Nội bất kể thời tiết nắng mưa, Yên bảo thu nhập của mình rất bấp bênh vì phụ thuộc vào đơn hàng gọi nhiều hay ít.
“Là “lính” mới, lại hoạt động đơn lẻ không theo nhóm nên có ngày hơn chục đơn, có ngày không có đơn nào là chuyện bình thường. Thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng, thực ra là rất thấp so với các anh chị, các bạn có kinh nghiệm mà mình biết” – Nguyễn Thị Yên tâm sự.
Hiện đơn giá trung bình một đơn hàng giao trong nội thành Hà Nội khoảng 20.000 -30.000 đồng tuỳ địa điểm xa gần, tuỳ giá trị và mức độ cồng kềnh của món hàng cần vận chuyển. Vì vậy, một shipper nếu biết kết hợp với những đầu mối khác để giao hàng, mỗi ngày có thể thu nhập vài trăm nghìn là chuyện bình thường. Trừ đi chi phí xăng xe, điện thoại, thu nhập hàng tháng thậm chí còn dư dả hơn so với lương của một cử nhân vừa mới ra trường làm công việc văn phòng.
Đặc biệt, với những đơn hàng có giá trị lớn yêu cầu shipper phải ứng trước mới được nhận hàng đi giao thì tiền công có thể lên đến 100.000-150.000 nghìn cho quãng đường dưới 20km. Anh Nguyễn Đức Ninh (P401, nhà A1D1, KĐT Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) làm công việc kinh doanh online ở nhà cho biết mỗi chuyến hàng anh thuê shipper đi lấy về là 120.000 đồng, với điều kiện shipper phải ứng trước tiền hàng khoảng 10 triệu.
Ngược lại, nếu thuê được shipper quen, anh Ninh yêu cầu đặt chứng minh thư nhân dân (bản gốc), bản sao sổ hộ khẩu và yêu cầu ký nhận số tiền cầm đi lấy hàng mỗi lần thì chỉ phải trả phí ship là 70.000 đồng. “Trung bình mỗi tháng tôi thanh toán tiền ship hàng khoảng 2,5 triệu, chủ yếu là shipper quen” – anh Ninh cho hay.
Rủi ro khi rong ruổi
Cũng giống như nhiều nghề lao động phổ thông khác, ngừng làm là ngừng có tiền. Thành ra, kể cả những ngày mưa phùn gió bấc cánh shipper vẫn rong ruổi trên từng cây số. Tai nạn, thương tích “vặt” kiểu ngã xe hay va chạm là chuyện không tránh khỏi.
Bên cạnh đó, hiện nay đa số các đơn hàng đều yêu cầu shipper phải thanh toán trước rồi sau đó nhận tiền từ người mua hàng nên nếu shipper không có kinh nghiệm rất dễ bị “ăn quả lừa”.
Câu chuyện của shipper Phạm Kim Liên, hiện là sinh viên K56 ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ĐH Kinh tế Quốc dân là một ví dụ.
Hồi mới vào nghề, Liên từng nhận ship mỹ phẩm cho một người bán hàng online trên facebook. Do chủ quan nên nhận hàng, ứng trước tiền 300.000 đồng nhưng khi đi giao hàng, khách hàng không chịu mua sản phẩm, chỉ đồng ý trả 20.000 đồng tiền ship. Cô liên lạc lại với người bán thì số máy luôn nằm ngoài vùng phủ sóng, nhắn trên facebook cũng không thấy hồi âm.
Vì là công việc thời vụ không ổn định nên nghề ship hàng tuy hút các bạn trẻ nhưng không phải ai cũng có thể gắn bó với công việc này lâu dài.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người trẻ, trong đó có cả dân văn phòng muốn làm thêm lúc nghỉ trưa, chiều đi làm về nếu tiện đường nên nghề “ship” vẫn hút nhân lực. Hiện những trang facebook chuyên về “ship” như Ship tìm người – Người tìm ship với vài chục nghìn thành viên vẫn không ngừng gia tăng thành viên.