Năm học 2023-2024, hầu hết các trường phổ thông trên cả nước sử dụng sách giáo khoa (SGK) ở nhiều bộ sách khác nhau trong cùng khối lớp khiến phụ huynh vất vả tìm nhiều nơi mới gom đủ SGK theo danh mục quy định của trường. Bên cạnh đó, những khoản đóng góp đầu năm học cũng là nỗi lo của nhiều gia đình.
Vẫn thiếu sách giáo khoa
Chị Võ Thị Hải (Thanh Trì, Hà Nội) có con đang học lớp 3 Trường Tiểu học Tứ Hiệp cho biết, vẫn chưa thể mua đủ sách cho con dù năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tuần. “Tôi đã đi mua SGK từ khi tháng 7 nhưng các hiệu sách gần nhà khi đó đều báo chưa nhập sách mới. Đến giữa tháng 8 tôi đã mua được phần lớn các sách cần, chỉ thiếu duy nhất cuốn sách bài tập Tiếng Anh lớp 3. Nhân viên nhà sách cho biết, sách này có đăng ký nhưng không nhập được. Tôi đã gọi điện đến Trung tâm phát hành sách và Giới thiệu sản phẩm của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (đơn vị phát hành sách này) nhưng cũng được trả lời là đã hết. Cuối cùng tôi đã đặt mua online, nhưng khi nhận hàng mới biết là sách photo, giấy xấu, mỏng, bìa nhòe nhoẹt và không có tem chống hàng giả, không có mã vạch”– chị Hải cho biết.
Do có nhiều bộ SGK khác nhau nên không phải hiệu sách nào cũng nhập tất cả sách mà chỉ chọn một số đầu sách. Vì vậy, với những phụ huynh không đăng ký mua SGK ở nhà trường mà tự mua bên ngoài do đã có sẵn một số sách sẽ rất khó khăn. Thậm chí, liên hệ tới cả nhà xuất bản nhưng cũng “bó tay” vì sách phát hành số lượng có hạn.
GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ băn khoăn về việc có nhiều bộ SGK khiến việc tái sử dụng không dễ dàng do có sự thay đổi mỗi năm chọn một bộ hoặc phụ huynh ngại phiền hà nên đa số đều đăng ký trọn bộ ở trường, dẫn đến những bộ sách vừa sử dụng vẫn còn mới nguyên chỉ có thể bỏ thành giấy vụn. “Các trường không bán lẻ, chỉ bán nguyên bộ SGK nên phụ huynh có được cho sách, thậm chí anh em trong nhà năm trước năm sau dùng lại của nhau nhiều khi cũng khó vì đi đâu mua những cuốn thiếu bây giờ? Trong khi đó mỗi bộ SGK có giá vài trăm nghìn đồng, thêm nhiều chi phí đầu năm học phải đóng khiến phụ huynh lao đao” - ông Dong nói và bày tỏ trăn trở về hàng chục nghìn cuốn sách phải bỏ chỉ sau một lần dùng, gây lãng phí tiền tỷ và ảnh hưởng tới môi trường.
Nặng gánh nhiều khoản
Thời điểm này nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm. Bên cạnh thông báo, kế hoạch giáo viên đưa ra để thầy trò và gia đình cùng phấn đấu thì các khoản tiền đóng góp mà ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra luôn là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh.
Anh Đào Văn Thanh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm vừa qua, anh đã bức xúc lên tiếng vì trong khi quỹ lớp các năm trước chỉ đóng 300.000-400.000 đồng/học kỳ thì năm học này lại dự chi tới 700.000 đồng/học kỳ.
Trên thực tế, có những trường thay đổi mẫu đồng phục sau một số năm nên phụ huynh phải mua mới toàn bộ. Hoặc hàng năm trẻ đều lớn lên nên sẽ tăng size quần áo, phải mua mới. Nhưng nhiều trường không bán riêng áo hoặc quần mà yêu cầu phải mua cả bộ, thậm chí có những trường yêu cầu phải mua tất cả đồng phục mùa đông, mùa hè, thể dục… khiến phụ huynh đành phải chấp nhận mua cả bộ theo yêu cầu với giá thành ít cũng từ vài trăm cho tới hàng triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GDĐT TPHCM cho biết đã yêu cầu các trường học trên địa bàn không bắt buộc học sinh mua đồng phục mới vào đầu năm học, không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, nếu thay đổi đồng phục phải báo trước và có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Phụ huynh có thể đăng ký mua đồng phục tại trường hoặc tự mua bên ngoài theo mẫu của trường.
Bên cạnh đó, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết số 04/2023 quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn năm học 2023-2024, trong đó bao gồm 26 khoản để các trường có cơ sở tổ chức thu và phụ huynh, xã hội giám sát.
Không dùng tiền mặt để tránh lạm thu
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đã ban hành đầy đủ hướng dẫn về các khoản thu của trường phổ thông. Quan trọng là địa phương, nhà trường tăng cường thanh tra để tránh lạm thu dưới mọi hình thức. Thời gian tới, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lý bắt buộc về việc mọi khoản thu của các trường sẽ không dùng tiền mặt.
Với các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo không quản lý trực tiếp tài chính của từng trường, chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí. Những khoản thu theo dịch vụ phải công khai, minh bạch với người học, đúng pháp luật. Với 34 trường đại học trực thuộc, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra. Trường nào không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý.