Theo GS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam), thời gian gần đây xã hội quan tâm nhiều hơn đến công tác xóa mù chữ, đặc biệt là “xóa mù bền vững”. Tuy nhiên, để xóa mù chữ bền vững trước hết phải xóa được nghèo. Bởi vì khi người dân còn quay quắt lo miếng ăn, thì việc “đói chữ” với họ sẽ không còn quan trọng…
GS Phạm Tất Dong.
Nguyên nhân sâu xa là do cái nghèo
Hỏi GS Phạm Tất Dong về công tác xoá mù chữ đang được thực hiện đã có những tiến triển gì, ông cho biết: Thực ra thì nạn mù chữ hiện nay vẫn còn nan giải, đặc biệt là ở những vùng nghèo, khó khăn. Trong đó phải kể đến miền núi. Vì thực ra mà nói, người dân tộc học tiếng Kinh không khác gì học thêm một ngoại ngữ nữa.
Bởi vì các cháu mà học trực tiếp bằng tiếng Kinh ngay từ lớp 1 thì nhiều khi đến lớp 5, hết tiểu học vẫn chưa thuộc nhiều câu nói. Thế nên, nhiều người cứ thắc mắc sao đến lớp 7 có học sinh vẫn không nghe được, viết được. Còn đối với người dân trong độ tuổi 35-50 thì số mù chữ cũng không phải ít.
Trên thế giới đã có khái niệm những người mù chữ do không dùng đến chữ. Mà thực ra nguyên nhân sâu xa nhất là do nghèo. Giữa đói chữ với đói cái ăn thì họ phải chọn chữa cháy trước đã. Làm thế nào để có cái ăn. Mà đã đi kiếm ăn thì thôi không học được chữ... Cho nên vấn đề đặt ra là làm thế nào để xoá được cái nghèo.
Một trong những vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng xoá nghèo, nhưng phải xoá nghèo đa chiều. Xoá nghèo đa chiều thì trong đó nghèo về kiến thức, học tập là cái nghèo đầu tiên phải xoá cho bằng được.
Xoá mù chữ thì phải có ti vi, có máy tính, để khi xoá mù xong thì học sinh, người dân mới có cái để dùng, để học thì mới không bị tái mù lại. Hai nữa là nghèo thu nhập thì cũng sẽ nghèo mãi. Anh thiếu đường đi lại, giao thông khó, thiếu trạm xá, thiếu điện, nước sạch, ô nhiễm môi trường... Thì kiếm được đồng nào đó rồi cũng ốm và cũng hoà cả làng.
Những bước tiến mới cho xóa mù bền vững
GS Dong nói tiếp: Không nên tính nghèo căn cứ từ thu nhập. Mà nếu tính nghèo thu nhập, ở miền núi cứ tính 400 nghìn thì quá nghèo chứ không phải nghèo. Còn anh mà thoát ra khỏi 400 nghìn mà gọi là hết nghèo, thì thực ra có phải hết nghèo đâu. Thêm được 50 nghìn cũng là hết nghèo thì không được... Thế cho nên xoá nghèo đa chiều may ra mới có thể phần nào góp xoá mù chữ. Đó là cái thứ nhất.
Thứ hai, Hội Khuyến học cũng đã tính phải làm thế nào để người dân xoá nghèo. Cần đưa Hội Khuyến học vào tham gia như một thành viên xoá mù nghề cho nông dân. Tôi tin tưởng khi Hội Khuyến học được là một thành viên xoá mù nghề thì chắc chắn Hội sẽ làm cho người dân, có nghề và từ đó sẽ có thêm thu nhập. Còn nếu họ không có nghề thì không thể có thêm thu nhập.
Ngoài ra, hiện nay những nơi cần trang thiết bị thì lại ít được chú ý. Chẳng ai nghĩ đến làm thế nào để cho miền núi xa xôi kia có máy tính. Theo tôi, cán bộ của trung tâm học tập cộng đồng phải được tập huấn vế máy tính, sau đó dạy cho người dân cách khai thác các mạng trên máy tính, những động tác rất cơ bản thôi.
Tôi nghĩ, khi những người nghèo tiếp cận được với máy tính thì chắc chắn họ học sẽ dễ hơn. Còn nếu họ không có thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể nào soạn được tất cả hàng ngàn cuốn sách cho người học.