Từ hàng trăm năm qua, dưới những tán cây trang, cây bần, cây đước… mênh mông là những phận đời mưu sinh nghề sông nước.
Là khu dự trữ sinh quyển quan trọng của thế giới và cũng là lá phổi xanh của Thành phố Hồ Chí Minh rộng lớn, rừng ngập mặn Cần Giờ (còn gọi là Rừng Sác) là nơi đổ ra biển của 3 con sông rộng lớn gồm sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Từ hàng trăm năm qua, dưới những tán cây trang, cây bần, cây đước… mênh mông là những phận đời mưu sinh nghề sông nước.
Họ làm đủ thứ nghề, trên những con thuyền, ghe vỏ lãi nhỏ bé của mình. Từ đặt lọp, săn cua, bẫy bạch tuộc, câu cá dứa, cá ngát hay đào sá sùng… Dù cuộc sống gắn bó trực tiếp với thiên nhiên luôn vất vả, bấp bênh nhưng thật lạ, bao nhiêu năm qua ngư dân vẫn gắn bó với hệ sinh thái rừng, sông, biển nơi này.
Sống khoẻ giữa hai con triều
Với chế độ thuỷ văn bán nhật triều, mỗi ngày ở khu vực ven biển Cần Giờ (cũng như nhiều địa phương ven biển khác), con nước lên xuống hai lần. Nước lên cao nhất vào thời điểm giữa trưa và giữa đêm. Nước xuống thấp nhất vào thời điểm buổi sáng và chiều tối trong ngày. Mỗi con nước triều (gồm nước ròng và nước kiệt) lên xuống kéo dài chừng gần ba giờ đồng hồ rồi rút đi, nhường cho con nước kế tiếp. Và trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy chính là lúc những người dân bám vào rừng ngập mặn ven biển nơi đây tìm kiếm kế sinh nhai của mình, bất kể ngày đêm.
Trong một chiếc ghe nhỏ gần chân cầu Dần Xây nằm trên đường Rừng Sác, chúng tôi gặp gia đình anh Nguyễn Văn Lưu 41 tuổi cùng vợ là chị Năm Hồng, 37 tuổi. Cả hai anh chị đều quê ở bên Kiểng Phước (Gò Công Đông, Tiền Giang) nhưng nhiều năm qua mưu sinh trong rừng ngập mặn này. “Hàng ngày hai vợ chồng tôi giong ghe dọc theo các tuyến sông Đồng Tranh, Đồng Đình, Mùng Năm… này để đặt lọp. Mùa này mưa trên thượng nguồn bắt đầu đổ về là lúc có nhiều thuỷ sản sinh sôi, đi kiếm mồi. Theo đó, khi con triều kiệt (tức triều rút đi) thì vợ chồng mình chạy ghe vỏ để gỡ lọp và thu lượm thành quả. Những đoạn nào lọp bị rách, bị hư hỏng xê dịch do nước, sóng thì phải đặt lại, ghim cho đúng vị trí.
Hai mươi dãy lọp kéo dài chừng năm trăm mét ven bờ nước phải được thu hoạch trong thời gian con triều rút đi ấy. Sau đó, khi triều dâng lên, vợ chồng mình đem thành quả về ven đường Rừng Sác chờ thương lái tới mua. Lọp ở ven sông thì có đủ thứ hải sản, từ cua biển, bạch tuộc, rạn biển, cá bống… Mình phải chia riêng ra. Nếu thương lái chưa tới hoặc có ít hàng thì dộng chúng lại trong túi lưới phía sau ghe, đợi khi nào họ tới thì bán. Do con triều xuống vào lúc sáng sớm và chiều tối nên đó là thời gian hai vợ chồng vất vả nhất. Công việc cứ thế lặp đi, lặp lại. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, bất kể mưa nắng bão gió gì” - anh Lưu chia sẻ.
Nhìn vào trong chiếc ghe gỗ dài chừng 15 mét, có mái che khá chắc chắn như một “căn nhà nhỏ” của anh chị, chúng tôi thấy cũng có đầy đủ một số tiện nghi cho cuộc sống sinh hoạt. Từ chiếc bếp ga, bình ga, máy lọc nước, đồ dùng nấu ăn cho tới cả vật dụng như đài radio, điện thoại và cả một cái máy tính bảng cũ.
Chị Năm Hồng bảo, anh chị có 3 người con thì đứa con gái lớn đã đi làm công nhân may bên Nhà Bè. Hai đứa nhỏ đang gửi nhà ông bà nội dưới Gò Công, qua tuần tụi nhỏ nghỉ hè thì anh chị về đón, cho chúng lên ghe sống cùng ba mẹ luôn. Cũng theo anh chị, dù nghề sông nước dưới tán rừng bấp bênh nhưng hầu hết những thứ đánh bắt được hiện nay đều rất có giá. Như bạch tuộc thì tới hơn ba trăm ngàn một ký, cua cũng có giá gần tương đương. Cá bống hay rạm thì rẻ hơn, chỉ hơn trăm ngàn đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ven các khu vực sông Đồng Tranh, Cả Gáu, Lòng Tàu, Soài Rạp… có rất nhiều các khu mà ngư dân sinh sống trong rừng Cần Giờ làm nơi neo đậu ghe, thuyền. Họ có thể kiếm sống bằng các nghề khác nhau, đến những vùng quê khác nhau nhưng sau mỗi ngày mưu sinh, họ lại tập hợp về một khu vực, thường ven đường lộ để tiện cho việc bán sản phẩm cũng như mua nhu yếu phẩm khác. Những xóm ghe ấy dù không cố định nhưng luôn khá đông đúc, không ai hẹn ai mà tự tìm tới nhau. Có lẽ đời sông nước khó khăn nên việc nương náu vào nhau là điều mà nhiều người cần.
Đêm câu bạc triệu
Mặc dù chỉ cách khu đô thị sầm suất Phú Mỹ Hưng (quận 7) chừng hơn chục cây số đường chim bay nhưng chúng tôi không thể ngờ ven sông Đồng Tranh và những nhánh kênh khác vẫn có hàng chục ghe làm nghề giăng câu. Hầu hết trong số họ đi câu cá ngát, một loại cá da trơn sinh sống ở vùng nước cửa sông. Đây cũng là nghề được nhiều người lựa chọn nhất. Thực tế, không chỉ riêng rừng ven biển Cần Giờ mà rất nhiều vùng ven biển, cửa sông ở những địa phương khác, nghề câu cũng được nhiều người lựa chọn.
Nguyên nhân bởi vùng nước cửa sông ven biển có chế độ thuỷ văn phức tạp. Nước xuôi từ thượng nguồn đổ về cộng với dòng nước triều ngược từ biển đẩy lên thường khiến các nghề khác, như giăng lưới gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt hơn, những loài thuỷ sản vùng nước lợ này thường di chuyển nhiều, nhanh, ở nhiều khu vực khác nhau khiến cho các nghề khác khó có năng suất bằng nghề câu.
Anh Bùi Văn Dũng, 44 tuổi, một thợ câu lâu năm ở vùng sông Đồng Tranh, Bà Đồng… chia sẻ, anh quê ở xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) nên từ nhỏ đã gắn bó vùng sông nước này. Hầu như ban ngày anh ở nhà ngủ, chỉ ban đêm mới đi giăng câu. Loại cá mà anh nhắm tới, và cũng có nhiều nhất ở Cần Giờ là cá ngát. “Trước kia vùng ven biển Cần Giờ, cá ngát nhiều vô số kể. Ngay cả khi tôi còn nhỏ, cách đây ba chục năm thì vùng này cá ngát vẫn rất nhiều.
Thế nhưng càng ngày, cá ngát càng ít, càng hiếm. Bù lại, giá trị kinh tế của chúng thì tăng lên. Hiện nay cá ngát bán tại ven đường Rừng Sác vào khoảng từ 150 đến 200 ngàn đồng mỗi ký lô. Nếu những con lớn, khoảng ba ký trở lên, giá có thể còn cao hơn nữa. Hồi năm trước, tôi câu được con ngát 8 ký lô ở bên phía rạch Bà Yến rồi bán cho thương lái, họ trả tới 5 triệu lận”- anh Dũng chia sẻ thêm.
Là người gắn bó nhiều năm với sông nước nơi đây, anh Dũng bảo, cá ngát rừng Cần Giờ tuy nhiều nhưng chúng là loài dễ bị môi trường tác động. Như ở mấy khu vực sông lớn như Soài Rạp, Lòng tàu trước kia cá rất nhiều, thường là cá lớn cả chục ký lô. Nhưng hiện nay, do ghe thuyền, tàu chở hàng lớn qua lại nhiều khiến cá ngát không có đất sống, phải dạt vào các nhánh sông nhỏ hơn.
Ngoài ra, ghe thuyền nhiều khiến dầu, nhớt hay chất thải công nghiệp cũng nhiều làm cho quá trình sinh sản của cá bị ảnh hưởng đáng kể. Còn với những người đi câu như anh, công việc cũng vất vả hơn. Nếu như gần chục năm trước, anh chỉ giăng câu ven sông Đồng Tranh là sau một đêm là có cả chục ký cá thì nay, anh phải đổi địa điểm liên tục. Có khi phải xuống tận dưới sông Mỏ Cò, sông Đông Hoà, Dinh Bà… để giăng mới có cá.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những người giăng câu ở Cần Giờ đều có trang bị đơn giản, là chiếc ghe vỏ lãi, ghe bầu có cải tạo thêm phần mui che mưa gió. Buổi chiều, họ lên ghe tới khúc sông đã chọn rồi móc mồi. Là loài cá da trơn, cá ngát ăn tạp nhưng mồi ưa thích của chúng là tôm tích, tôm thẻ còn tươi sống. Mỗi ghe thường chuẩn bị khoảng hai đến ba trăm lưỡi câu. Các lưỡi câu buộc vào sợi cước dài chừng hai mét rồi nối lại, thả cách nhau khoảng ba mét xuống sông.
Sau đó sáng sớm hôm sau, thợ câu sẽ đi để gỡ thành quả của mình. “Trước kia, thả câu xong thì mình chạy ghe về nhà ngủ, sớm hôm sau đi gỡ. nhưng nay thì khác, sông nước Cần Giờ đông người lắm, toàn người lạ ở đâu tìm tới. Nên giăng câu xong, anh em phải tụ lại để canh chừng. Vừa canh trộm, vừa canh ghe khác đi qua làm mắc lưới. Mỗi dây lưới đầu tư cả hơn chục triệu đồng, có khi chân vịt cuốn đi mất luôn. Dù nghề câu vất vả hơn nhưng do kinh nghiệm lâu năm, đêm nào mình cũng bắt được 2-4 ký lô cá ngát. Sau khi trừ chi phí xăng dầu, bán cũng dư ra vài trăm cho tới một triệu đồng” - anh Dũng thật thà chia sẻ.
Với diện tích hàng chục ngàn héc-ta và vô số nhánh sông lớn nhỏ, rừng ngập mặn Cần Giờ là một trong những cánh rừng có hệ sinh thái đặc trưng độc đáo nhất. Không chỉ đến khi được thế giới phát hiện và công nhận, Cần Giờ cũng là nguồn sống bao đời của hàng trăm con người gắn bó với sông nước, biển rừng nơi đây.