Người biểu tình trên khắp nước Mỹ đã phớt lờ lệnh giới nghiêm trong đêm 2/6 (giờ Mỹ) khi các nhà lãnh đạo nỗ lực ngăn chặn sự phẫn nộ của người dân trước hành động phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump bác bỏ mọi lời chỉ trích về việc ông sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình.
Một cuộc tuần hành hòa bình diễn ra gần Nhà Trắng, Washington D.C. (Nguồn: SBS).
Tình hình dịu đi
Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình vẫn tiếp diễn trong đêm 2/6, từ thành phố New York cho tới Los Angeles. Làn sóng phẫn nộ bùng phát sau khi một công dân Mỹ gốc Phi tên George Floyd tử vong trong lúc bị cảnh sát bắt giữ ở Minneapolis. Có nhiều báo cáo cho thấy nhân lúc hỗn loạn tình trạng cướp bóc các cửa hàng ngày càng tăng.
Hàng chục nghìn người biểu tình trước đó đã tụ tập ở Houston để tổ chức lễ tưởng niệm Floyd, người sinh trưởng ở thành phố Texas và cũng được chôn cất ở đó trong tuần tới. “Ngày hôm nay…gửi tới gia đình của George Floyd – chúng tôi muốn họ biết rằng George sẽ không chết một cách lãng phí” – Thị trưởng Sylvester Turner nói trước khoảng 60.000 người.
Roxie Washington, vợ của Floyd, đã nói trong một cuộc họp báo rằng bà muốn đòi “công lý cho anh ấy bởi anh ấy là người tốt”. “Dù người khác nói sao cũng không quan trọng, anh ấy là một người tốt” – Roxie nói.
Tại New York, thành phố đã kéo dài thời gian áp dụng lệnh giới nghiêm trong suốt tuần lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, hàng trăm người từ chối trở về nhà của họ sau 20h00, tiếp tục giơ cao những biểu ngữ và tuần hành hòa bình trên các tuyến phố ở quận Manhattan và Brooklyn. Người biểu tình cũng cố gắng băng qua cầu Manhattan, nhưng bị lực lượng cảnh sát chặn lại tại đây. Cuối cùng, đoàn người biểu tình được phép trở về Brooklyn- theo tờ New York Times.
Thị trưởng New York Bill de Blasio nói với kênh CNN rằng tình hình biểu tình có vẻ “dịu hơn” so với hôm trước đó, sau khi một số cửa hiệu bán hàng xa xỉ bị cướp phá, khiến lực lượng cảnh sát tăng cường lực lượng tuần tra trên các tuyến phố.
Chính quyền bang Minnesota trong khi đó đã đưa ra những hành động quyết liệt đầu tiên nhằm giải quyết nguồn gốc của làn sóng biểu tình đang diễn ra, sau cái chết của Floyd vào ngày 25/5 ở thành phố lớn nhất bang là Minneapolis. Bang này đã khởi động một cuộc điều tra quyền dân sự đối với Cục Cảnh sát Minneapolis, làm rõ những hành động “phân biệt chủng tộc có hệ thống” trong suốt 10 năm qua ở cơ quan này.
Cựu Tổng thống George W. Bush cũng kêu gọi nước Mỹ xem lại “những thất bại đáng buồn” và hãy “lắng nghe tiếng nói của rất nhiều người đang chịu tổn thương”.
Ở Los Angeles, một trong số hàng chục thành phố bị ảnh hưởng bởi làn sóng biểu tình, các sĩ quan cảnh sát và Thị trưởng Eric Garcetti đã cùng quỳ gối cầu nguyện như một hành động tương trưng cho sự đoàn kết khi họ gặp gỡ những người tuần hành dẫn đầu bởi một nhóm Công giáo người Mỹ gốc Phi.
Tổng thống Trump bác bỏ chỉ trích
Ở Washington D.C, hàng nghìn người đã đổ ra các tuyến phố để tuần hành hòa bình với chủ đề “Black Lives Matter”, tức vì quyền sống của người da đen.
Chỉ vài giờ sau lệnh giới nghiêm 19h00, người biểu tình vẫn hô vang khẩu hiệu, trong khi binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia đứng dọc các tuyến phố gần Nhà Trắng, máy bay trực thăng lượn vòng bên trên. Một số hình ảnh trên truyền hình cho thấy cảnh sát phóng đạn hơi cay vào thời điểm trước nửa đêm, nhưng nhìn chung tình hình khá yên ắng.
Cũng tại cùng địa điểm trong hôm đầu tuần này, lực lượng cảnh sát liên bang đã phóng lựu đạn cay và bắn đạn cao su để giải tán một cuộc biểu tình phi bạo lực, dọn đường để Tổng thống Donald Trump đi đến một nhà thờ lịch sử đã bị thiệt hại trong đêm trước đó do biểu tình.
Hành động của ông Trump đã bị một số chức sắc tôn giáo, các đối thủ chính trị của ông chỉ trích. Tuy nhiên, ông Trump sau đó viết trên Twitter để phản ứng trước những lời cáo buộc này. “Lực lượng hung hậu, áp đảo” – ông Trump viết – “Washington D.C trở thành nơi an toàn nhất thế giới trong đêm hôm qua!”.
Ông cũng phản bác lại những lời chỉ trích nhằm vào việc ông tới nhà thờ, viết trên Twitter rằng: “Các bạn hiểu sai rồi! Nếu người biểu tình hòa bình đến vậy, tại sao họ lại phóng hỏa nhà thờ trong đêm trước đó?”.