Canada hôm 1/10 đã đặt bút ký vào một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Mexico, phục hồi lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm 3 nước, sau hơn một năm đàm phán trong căng thẳng.
Sau thời gian đàm phán căng thẳng, Mỹ và Canada đã đạt thỏa thuận mới trong thương mại. (Nguồn: AP).
Thỏa thuận mới
Chỉ vài giờ trước thời hạn chót, Chính phủ Mỹ và Canada đã nhất trí về một thỏa thuận cho phép nông dân Mỹ tiếp cận sâu hơn vào thị trường bơ sữa của Canada, đồng thời giải quyết những quan ngại về các đòn áp thuế của Mỹ - giới chức hai bên cho hay.
Thỏa thuận với Canada và Mexico - 2 trong số các đối tác thương mại lớn nhất của nước Mỹ - đã đánh dấu bước hoàn thành lời cam kết mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đưa ra trong lúc thực hiện chiến dịch tranh cử, đó là đàm phán lại NAFTA. Thỏa thuận trên cũng giúp các nước tránh được việc Mỹ phải loại bỏ Canada khỏi thỏa thuận nếu như các vòng đàm phán thất bại.
Thỏa thuận mới cũng có cái tên mới: “Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada”.
“Thỏa thuận này sẽ giúp thúc đẩy tầng lớp trung lưu, tạo ra những công việc có mức lương tốt cùng nhiều cơ hội cho gần một nửa tỷ người đang sinh sống ở khu vực Bắc Mỹ”- Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói trong một tuyên bố chung.
Giới chức chính quyền Tổng thống Trump đã gọi thỏa thuận này là một chiến thắng lớn cho tất cả các bên có liên quan. Nhưng một số chuyên gia đặt câu hỏi rằng, liệu những thay đổi trong NAFTA có xứng đáng để Mỹ gây ra tình trạng căng thẳng với Canada hay không?
“Chúng ta đã thực sự gây tổn hại tới mối quan hệ với một đồng minh lớn…chỉ vì một vài thùng sữa” - Jeffrey Rosensweig, Giáo sư chuyên ngành kinh doanh tại ĐH Emory, nhận định.
Các nhà đàm phán từ 3 quốc gia đã phải bỏ hết khoảng thời gian cuối tuần để làm việc qua điện đàm, với hy vọng sẽ cứu rỗi được thỏa thuận thương mại tự do ba bên đã tồn tại suốt 25 năm qua.
Trước đó, Tổng thống Trump đã được thông báo vắn về các vòng đàm phán sắp hoàn tất bởi ông Lighthizer và cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner. Chính quyền Trump đã lên kế hoạch chuyển thỏa thuận mới tới Quốc hội Mỹ, chính thức khoảng thời gian xem xét kéo dài 60 ngày trước khi được phê chuẩn. Quốc hội cũng có thể đề xuất sửa đổi trong khoảng thời gian này.
Mỹ cần có Canada
Ngay trước các vòng đàm phán căng thẳng tổ chức trong tuần trước, nhiều nhà lập pháp Mỹ đã cảnh báo rằng họ sẽ không ủng hộ một thỏa thuận mà thiếu đi Canada trong đó. “Sẽ là một sai lầm bất hủ nếu như thiếu đi Canada”- Thượng nghị sỹ Ron Wyden thuộc đảng Dân chủ, cảnh báo.
Chính quyền Tổng thống Trump đã làm việc hết sức nhanh chóng để đạt được thỏa thuận mới trước khi Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieta rời văn phòng làm việc vào ngày 1/12 tới. Để đạt được hạn chót đó, văn bản của thỏa thuận trên cần được chuyển tới Quốc hội trước tháng 10.
Các nhà đàm phán từ 3 nước đã bắt đầu thảo luận về việc cập nhật NAFTA cách đây hơn 1 năm. Ông Trump trước đó hứa hẹn sẽ đàm phán lại thỏa thuận này hoặc sẽ hủy bỏ nó hoàn toàn, gọi nó là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được ký kết”.
Tháng 8 năm nay, Mỹ và Mexico đã giải quyết được tranh chấp liên quan tới ngành sản xuất ôtô, nhưng một số điểm bất đồng với Canada vẫn còn. Tổng thống Trump muốn Canada mở cửa thị trường bơ sữa với nông dân Mỹ, trong khi Canada muốn bảo vệ một cơ chế giải quyết tranh chấp. Và hai mục tiêu trên đều đã đạt được trong thỏa thuận mà hai nước nhất trí.
Canada và Mexico hiện là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước Mỹ. Một thỏa thuận nếu thiếu đi một trong hai nước này sẽ gây nên tình trạng hỗn loạn trong giới doanh nghiệp Mỹ vốn dựa dẫm vào hoạt động thông thương giữa ba nước.
Phòng Thương mại Mỹ cũng từng cảnh báo rằng sẽ là điều “không thể chấp nhận được nếu như gạt bỏ Canada, thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta trên thế giới”. Xe cộ, máy móc và các sản phẩm nông nghiệp chiếm phần lớn trong lượng hàng hóa trao đổi giữa 3 nước.
“Chúng ta đang có một sân chơi với Canada và Mexico, và trong suốt ¼ thế kỷ qua NAFTA vẫn được duy trì” – ông Rosensweig nói- “Điều này không thay đổi được gì cả. Đó chỉ là một động thái chính trị”.