Quân đội Mỹ đang tăng chi tiêu cho nhiều nghiên cứu tuyệt mật nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hệ thống phòng thủ tên lửa, với hy vọng dự báo chính xác hơn nguy cơ về các cuộc tấn công tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA được phóng thử từ California, Mỹ. (Nguồn: Missile Defense Agency/TTXVN).
Hãng tin Reuters cho biết chương trình nghiên cứu này đang diễn ra nhưng không được công bố rộng rãi và chỉ có rất ít dữ liệu về chương trình này được công khai trong dự thảo ngân sách mới nhất của Lầu Năm Góc và thường không mấy nổi bật.
Hãng tin trên cũng dẫn lời một số quan chức giấu tên cho biết Chính phủ Mỹ hiện có nhiều chương trình tuyệt mật để nghiên cứu cách thức phát triển các hệ thống do AI điều khiển, nhằm bảo vệ nước Mỹ hiệu quả hơn trước nguy cơ tấn công tên lửa hạt nhân.
Nếu các nghiên cứu này thành công, Mỹ sẽ có trong tay các hệ thống máy tính có thể tự suy nghĩ, xử lý một lượng dữ liệu lớn, bao gồm cả những hình ảnh vệ tinh, với tốc độ và độ chính xác vượt trội so với khả năng của con người, để tìm kiếm các dấu hiệu của việc chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa.
Khi được cảnh báo trước, Chính phủ Mỹ có thể lựa chọn theo đuổi các phương án ngoại giao, hoặc trong trường hợp một vụ tấn công sắp xảy ra, quân đội Mỹ sẽ có thêm thời gian để tìm cách phá hủy những tên lửa này trước khi chúng được phóng hoặc bắn chặn hiệu quả hơn.
Theo một vài nguồn tin và tài liệu về ngân sách quốc phòng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất tăng hơn gấp 3 lần ngân sách năm tới cho một chương trình phòng thủ sử dụng trí tuệ nhân tạo, lên tới 83 triệu USD. Việc tăng ngân sách này trước đó chưa được công bố rộng rãi trước đó. Theo giới chuyên gia, khoản tăng này không phải lớn song phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của các nghiên cứu về hệ thống phòng thủ tên lửa ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Mỹ.
Nghiên cứu về sử dụng AI để dự báo và chặn trước các cuộc tấn công tên lửa vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và chỉ là một phần của dự án tham vọng ứng dụng AI vào công nghệ quốc phòng, một nỗ lực nhằm chạy đua với các cường quốc như Nga hay Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả những người ủng hộ và phản đối xu hướng này đều cho rằng sử dụng AI trong phòng thủ tên lửa đi kèm với rủi ro lớn khi tính toán sai lầm của máy móc có thể dẫn tới hậu quả không thể đảo ngược về khủng hoảng hạt nhân. Ngoài ra còn có nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ khí AI toàn cầu với Nga và Trung Quốc.
Tướng John Hyten, chỉ huy trưởng lực lượng hạt nhân của Mỹ, cho rằng khi các hệ thống do AI vận hành được phát triển toàn diện và có thể đưa vào ứng dụng, Lầu Năm Góc cần đảm bảo rằng con người, chứ không phải máy móc, là đối tượng đưa ra quyết định cuối cùng về một cuộc tấn công hạt nhân.