Ba báo cáo khác nhau được công bố hôm đầu tuần đã vẽ nên bức tranh toàn diện về một nước Mỹ năm 2021 đã phải vật lộn với sự nóng lên toàn cầu và nỗ lực để kiềm chế điều này.
Một năm thời tiết khắc nghiệt chết người
Mỹ đã phải đối mặt với những đợt tấn công đều đặn của thiên tai và khí hậu khắc nghiệt tiêu tốn hàng tỷ USD trong năm 2021. Lượng khí thải nhà kính của nước Mỹ năm 2021 đã tăng lên 6% do sự gia tăng nhu cầu sử dụng than đá và vận tải đường dài, khiến quốc gia này ngày càng tụt hậu khỏi mục tiêu cắt giảm biến đổi khí hậu năm 2030.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết hôm 10/1, năm 2021 là năm thời tiết khắc nghiệt nhất đối với nước Mỹ kể từ năm 2011 với con số 688 người chết trong 20 thảm họa thời tiết và khí hậu, gây thiệt hại ít nhất 145 tỷ USD.
“Đó là một năm khó khăn”, nhà kinh tế học và khí hậu học Adam Smith của NOAA khẳng định. “Biến đổi khí hậu đã tạo ra một con đường tiếp cận dễ dàng hơn đối với các mối nguy hiểm trên khắp nước Mỹ”.
Các nhà khoa học từ lâu đã nhấn mạnh biến đổi khí hậu do con người gây ra chính là nguyên nhân làm cho hình thái thời tiết khắc nghiệt trở nên tồi tệ hơn và xảy ra thường xuyên hơn. Không khí và đại dương nóng lên cùng với băng ở hai cực tan chảy nhanh hơn đã làm thay đổi dòng phản lực ngăn chặn các trận bão, làm cho các cơn bão trở nên mạnh hơn, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ.
Thảm họa thời tiết năm 2021 ở Mỹ bao gồm một đợt nắng nóng kỷ lục ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương nơi nhiệt độ lên tới 46 độ C ở thành phố Portland, một cơn bão tuyết chết người ở bang Texas, một cơn bão càn quét trên diện rộng được gọi là ‘derecho’, bốn cơn bão gây ra nhiều thiệt hại dữ dội, bùng phát lốc xoáy chết người, lở đất và hạn hán dai dẳng cùng với vô số đám cháy rừng.
Trong khi năm 2020 Mỹ lập kỷ lục về các thảm họa tiêu tốn nhiều USD nhất, thì vào năm 2021 “các hiện tượng thời tiết cực đoan dường như nghiêm trọng hơn một chút so với năm 2020”, Smith nói.
Smith nhấn mạnh: “Chúng ta đang có những sự kiện xếp tầng một cách phức tạp. Rất nhiều xu hướng đang đi sai con đường”.
Chỉ trong vòng 5 năm qua, Mỹ đã tiêu tốn 742 tỷ USD với 86 thảm họa thời tiết riêng biệt, con số trung bình ở mức hơn 17 thiên tai phải hứng chịu một năm, một kỷ lục mới. Con số này cao hơn gần 100 tỷ USD so với tổng số tiền đã tiêu tốn cho thảm họa tự nhiên từ năm 1980 đến năm 2004.
Jonathan Overpeck, trưởng khoa nghiên cứu về môi trường tại Đại học Michigan, cho biết: “Đó chính xác là những gì tôi có thể thấy trước với biến đổi khí hậu. Bởi đơn giản biến đổi khí hậu về bản chất là làm tăng áp lực của nhiều loại hình thời tiết khắc nghiệt, làm cho các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng, mưa, lũ lụt và bão trở nên nghiêm trọng hơn, có sức tàn phá và gây chết người nhiều hơn”.
Năm ngoái cũng là năm nắng nóng thứ tư được ghi nhận tại Mỹ với mức nhiệt độ trung bình là 12,5 độ C, theo một báo cáo khác của NOAA. Một số thành phố có năm nóng nhất được ghi nhận, bao gồm Akron, Ohio; Baltimore; Bismarck, Bắc Dakota; Boston; Buffalo, New York; Erie, Pennsylvania; Milwaukee, Wisconsin; Montpelier, Vermont; Sault Saint Marie, Michigan và Toledo, Ohio.
Tháng trước cũng là tháng 12 nóng nhất được ghi nhận đối với Mỹ, trung bình là 4,1 độ C, cao hơn 12 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20.
Mối lo ngại về lượng khí thải carbon
Theo báo cáo từ Rhodium Group, một công ty nghiên cứu độc lập, hôm 10/1 cho biết rằng vào năm 2021, lượng khí thải carbon của Mỹ đã tăng trở lại so với năm đầu tiên của đại dịch với tốc độ nhanh hơn so với toàn bộ nền kinh tế nói chung, khiến cho cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải so với năm 2005 vào năm 2030 của thế giới trở nên khó khăn hơn.
Các chuyên gia dự kiến lượng khí thải nhà kính của Mỹ sẽ tăng lên sau đợt đại dịch năm 2020, nhưng mức độ tăng vọt bất ngờ của chúng lại khiến họ lo lắng.
Kate Larsen, đối tác của Rhodium Group, đồng tác giả của báo cáo dựa trên dữ liệu hàng ngày và hàng tuần của chính phủ cho biết: “Điều đáng kinh ngạc là lượng khí thải phát ra còn nhanh hơn cả nền kinh tế nói chung”.
Larsen cho biết việc sử dụng than đá đã tăng lần đầu tiên kể từ năm 2014, cao hơn 17% so với năm 2020, chủ yếu là do giá khí đốt tự nhiên tăng đột biến. “Đây là một ví dụ điển hình về việc chúng ta đã sử dụng khí tự nhiên giá rẻ để thúc đẩy sự suy giảm của than đá trong 15 năm qua”.
Một yếu tố khác chính là lượng khí thải giao thông vận tải, chủ yếu là từ vận tải đường bộ chạy bằng động cơ diesel đường dài, đã tăng 10% do vận tải hàng hóa gần như trở lại mức trước đại dịch và có khả năng tiếp tục tăng.
Về lâu dài, lượng phát thải khí nhà kính của Mỹ đã giảm xuống - ngay cả với bước nhảy vọt vào năm 2021. Tuy nhiên, lượng khí thải năm ngoái đã gia tăng khó khăn trong việc đạt được mục tiêu mà Tổng thống Joe Biden đặt ra như một phần của thỏa thuận khí hậu Paris và Glasgow. Bà cho biết để đạt được mức cắt giảm 50% mà Biden đã cam kết, quốc gia này cần giảm lượng khí thải 5% một năm, chứ không phải tăng lên.
“Chúng ta đã sắp hết thời gian”, Larsen nhấn mạnh.