Mỹ đã bắt đầu áp dụng chính thức một phiên bản sửa đổi của lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump trong hôm 30/6, nhằm vào công dân đến từ 6 quốc gia Hồi giáo lớn trên thế giới và một số người tị nạn, chỉ ra các mối quan ngại về an ninh mà các tòa án liên bang trước đó cho là không rõ ràng.
Người Hồi giáo ở New York biểu tình phản đối lệnh nhập cảnh gốc mà Tổng thống Trump công bố hồi tháng 1. (Nguồn: EPA).
Việc di chuyển thông qua các sân bay lớn của nước Mỹ trong hôm thứ Sáu vẫn diễn ra như bình thường, khi các quan chức hải quan được chỉ thị chấp nhận thị thực được cấp từ trước cho các công dân đến từ các nước nằm trong danh sách hạn chế nhập cảnh hiện nay gồm Sudan, Somalia, Iran, Yemen, Syria và Libya.
Hình ảnh này tương phản với các cuộc biểu tình và hỗn loạn tại sân bay gây nên bởi phiên bản gốc của lệnh cấm mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra hồi tháng 1 năm nay - dẫn đến các vụ bắt giữ và trục xuất công dân một số nước dù họ có trong tay thị thực hợp lệ.
Ngay trước khi chính thức có hiệu lực, lệnh cấm phiên bản 2 này đã chịu thách thức của phía tòa án, theo đó bang Hawaii đã đặt ra nghi vấn về việc chính quyền Trump cố gắng hiểu sai về tiêu chuẩn cấp thị thực mà Tòa án Tối cao đã đưa ra trong hôm đầu tuần.
Theo phán quyết của tòa, người nước ngoài đến Mỹ trong khi “có mối quan hệ gần gũi với một người ở nước Mỹ” có thể bị miễn lệnh cấm. Nhưng chính quyền Trump lại chỉ thị rằng “mối quan hệ gần gũi” bao gồm quan hệ cha mẹ, con cái, con dâu con rể, cha mẹ kế trong khi lại loại bỏ quan hệ ông bà, cháu chắt, cô chú cùng nhiều mối quan hệ gia đình khác.
Tại sân bay John F Kennedy ở thành phố New York, địa điểm từng diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ nhất phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh gốc mà Tổng thống Trump đưa ra hồi tháng 1 vừa qua, tình hình được cho là bình ổn khi lệnh cấm nhập cảnh mới đi vào hiệu lực.
Một nhóm tình nguyện viên xuất hiện tại sảnh đến của sân bay này để chờ hành khách đến từ 4 chuyến bay khác nhau, 1 từ Istanbul và 3 từ London, để xem có bất cứ hành khách nào cần hỗ trợ về mặt pháp lý hoặc chứng kiến ai đó khác trên chuyến bay bị chặn bởi lực lượng hải quan hay không.
Nhóm người này mang các tấm biển hiệu viết bằng nhiều thứ tiếng, gồm tiếng Anh, tiếng Arab và Farsi. Họ nói rằng họ cũng sẽ nhắm tới một số hành khách khác trên các chuyến bay đến từ Ai Cập, Qatar và Dubai.
Một gia đình Hồi giáo sinh sống tại Mỹ cũng chờ đợi một chuyến bay có 3 người họ hàng đến từ Pakistan thăm họ. Trong ngày đầu tiên áp dụng lệnh cấm mới, gia đình này cho biết họ rất lo lắng rằng thân nhân của họ sẽ bị chặn ở sân bay dù thực tế là Pakistan không nằm trong danh sách các nước bị cấm, và 3 người trên đều có thị thực hợp lệ để đặt chân đến Mỹ.
Một số nhóm tình nguyện viên khác có mặt tại sân bay JFK cũng khuyến khích những người di chuyển tới Mỹ gọi cho một đường dây nóng mà họ thiết lập để nhận được sự hỗ trợ pháp lý ngay khi gặp khó khăn.
Được biết, chính vì các tiêu chuẩn về “mối quan hệ gần gũi” trong gia đình đối với công dân 6 quốc gia Hồi giáo mà bang Hawaii đã đệ đơn kiện lệnh cấm của chính quyền Trump.
“Ở Hawaii, “quan hệ gần gũi trong gia đình” còn bao gồm nhiều người mà chính quyền liên bang không đưa vào định nghĩa của họ” - The Hill dẫn lời ông Douglas Chin, Tổng chưởng lý Hawaii, nói - “Thật không may, định nghĩa này có thể vi phạm phán quyết từ Tòa án Tối cao”.
Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng, việc khôi phục lại sắc lệnh cấm nhập cảnh là một chiến thắng giành cho an ninh của nước Mỹ. “Một ngày vĩ đại đối với nền an ninh và sự an toàn trong tương lai của nước Mỹ”, ông Trump viết trên Twitter sau phán quyết của Tòa án Tối cao, “Chúng ta cần phải giữ cho nước Mỹ an toàn!”.
Cùng ngày, Viện nghiên cứu Cato, chuyên thống kê các vụ tấn công khủng bố ở nước Mỹ trong vòng 40 năm trở lại đây, đã công bố nghiên cứu cho rằng: Công dân đến từ 6 quốc gia nằm trong danh sách cấm nhập cảnh - gồm Somalia, Yemen, Libya, Syria, Iran và Sudan - không chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công nghiêm trọng trên đất Mỹ. Người tị nạn đến từ Syria và nhiều nơi khác cũng không bị coi là mối đe dọa đối với Mỹ, theo báo cáo.
Sắc lệnh cấm nhập cảnh mới cũng làm dấy lên phản ứng từ nhiều chính trị gia đảng Dân chủ, những người cũng lên án định nghĩa về tiêu chuẩn “quan hệ gần gũi” trong gia đình của chính quyền Trump.
“Làm sao Tổng thống Trump có thể coi một số thành viên trong gia đình là “gần gũi” trong khi lại bỏ qua quan hệ ông-cháu? Điều này không thể làm đất nước chúng ta an toàn hơn được” - ông Tammy Duckworth, nghị sỹ đảng Dân chủ ở bang Illinois, nói trong một tuyên bố.