Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trừng phạt qua lại

10/10/2017 07:35

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng khi hai nước tuyên bố ngừng cấp thị thực không nhập cư lẫn nhau, sự việc diễn ra sau vụ việc một nhân viên lãnh sự của Mỹ bị bắt giữ ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước.


Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra biện pháp đáp trả tương tự để phản đối trước lệnh cấm của Mỹ. (Nguồn: RT).

Ngăn chặn lẫn nhau

Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt ra, thì lệnh ngừng cấp thị thực này sẽ cấm công dân Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển tới Mỹ, và ngược lại, vô thời hạn. "Các sự kiện diễn ra gần đây đã buộc chính phủ Mỹ phải đánh giá lại cam kết của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với an ninh của nhân sự Mỹ", tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Ankara cho hay.

Chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi tuyên bố của Mỹ được đưa ra, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra biện pháp đáp trả thông qua Đại sứ quán của họ đặt tại Washington, trong đó công bố một thông báo nói rằng sẽ áp dụng lệnh cấm tương tự như của nước Mỹ.

"Các sự kiện mới đây đã buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải đánh giá lại cam kết của chính phủ Mỹ đối với an ninh của các nhân sự và cơ sở tại Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ" - Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ gần như giống hệt tuyên bố của phía Mỹ, nêu rõ.

Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington cho hay biện pháp trên, có hiệu lực ngay lập tức, sẽ được "áp dụng đối với thị thực nằm trong hộ chiếu cũng như thị thực điện tử và thị thực cần thiết tại biên giới". Trong khi đó, biện pháp của Mỹ đặt ra khiến công dân Thổ Nhĩ Kỳ không được cấp thị thực để tới nước Mỹ trừ khi họ có kế hoạch chuyển tới định cư ở nước này.

Một số người trong hôm 9/10 cho hay khi họ truy cập vào website chính thức của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để xin thị thực trực tuyến, một thông điệp từ chối đã xuất hiện có nội dung: "Không may thay, công dân của quốc gia mà bạn lựa chọn không thể được cấp thị thực điện tử". Thông điệp trên còn có đính kèm một đường dẫn tới danh sách các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, có hơn 37.000 công dân Mỹ tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2016, hạ từ mức 88.301 người trong năm 2015. Phần lớn công dân Mỹ tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ đều mua thị thực tại biên giới, thường là ở các sân bay quốc tế như sân bay Ataturk ở Istanbul.

Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong chương trình miễn thị thực của Mỹ, bởi vậy công dân của họ được yêu cầu nộp đơn xin thị thực không nhập cư tại các tòa Lãnh sự của Mỹ. Thị thực không nhập cư bao gồm những người tới vì mục đích làm ăn kinh doanh, du lịch và học tập, cũng như thị thực diện chuyên gia - bao gồm thị thực báo chí và ngoại giao.

Trong hôm 9/10, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa cập nhật thông tin liên quan tới số lượng đơn xin thị thực của công dân Thổ Nhĩ Kỳ, và vẫn thực hiện các cuộc phỏng vấn cấp thị thực với công dân nước này. Phía Văn phòng Du lịch quốc gia Mỹ cũng không công bố số lượng du khách Thổ Nhĩ Kỳ đang ở nước Mỹ.

Các tuyến đường bay trực tiếp từ các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ tới Mỹ vẫn có thể được đặt vé tại các hãng hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi không có chuyến bay này từ Mỹ bay thẳng đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ lạnh nhạt

Mỹ tuyên bố rằng họ "đặc biệt bất bình" trước việc nhân viên lãnh sự quán của họ tại Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ, người được tiết lộ danh tính là Metin Topuz, sau khi ông bị cáo buộc là có liên hệ với Giáo sỹ Fethullah Gulen hiện đang sống lưu vong ở Pennsylvania (Mỹ).

Ông Topuz hiện vẫn đang bị giam giữ vì "các cáo buộc khủng bố" sau kết luận của một tòa án ở Istanbul hồi tuần trước, hãng thông tấn Anadolu cho hay. Ông Topuz là nhân viên chính phủ Mỹ thứ hai bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ trong năm nay.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, từ lâu đã thúc giục Mỹ dẫn độ ông Gulen, người mà chính quyền Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính thất bại diễn ra hồi mùa Hè năm ngoái, về nước.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington, Serdar Kilic, hồi tháng 7 vừa qua từng nói rằng ông "cảm nhận" được sự sẵn lòng từ một số quan chức Mỹ trong việc thúc đẩy việc dẫn độ này. Tuy nhiên, vị quan chức tỏ ra hết sức thất vọng về tiến trình chập chạm ở Mỹ và cho rằng chính quyền Mỹ đáng lẽ ra có đủ khả năng để thực hiện điều này nhanh hơn.

Ankara trước đó cũng từng giam giữ nhiều công dân Mỹ mà họ cáo buộc là ủng hộ Giáo sỹ Gulen. Năm ngoái, mục sư Mỹ Andrew Brunson đã bị chính quyền Ankara bắt giữ ngay sau vụ đảo chính, với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, dù ông Brunson bác bỏ cáo buộc này.

Quan hệ ngoại giao Mỹ-Thổ cũng suy giảm mạnh thời gian gần đây, đặc biệt là sau sự việc hồi tháng 5 vừa qua, trong đó đội ngũ an ninh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tấn công những người biểu tình bên ngoài khu nhà ở của Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington DC.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trừng phạt qua lại