Vào ngày 28/5 tới đây, tại Hà Nội, phiên đấu giá 5 tác phẩm nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam sẽ được tổ chức tại Sheraton (Xuân Diệu, Hà Nội). Sự kiện này được kỳ vọng sẽ là “bước đệm” để thị trường mỹ thuật Việt có thêm hướng phát triển ngày một chuyên nghiệp.
2 chiếc chóe “Tứ linh” của nghệ nhân Phạm Anh Đạo chào giá khởi điểm lên tới 1 tỷ đồng.
Cụ thể, 5 tác phẩm được mang ra đấu giá lần đầu tiên gồm 1 chiếc tủ thờ (chất liệu: Gỗ gụ-niên đại cuối thế kỷ 19, kích cỡ: 125x54x120cm thuộc sở hữu của họa sĩ Lê Thiết Cương; tranh sơn dầu mang chủ đề “Bên dòng Sông Đỏ”, kích cỡ: 80x133cm, sáng tác năm 2016 của họa sĩ Đào Hải Phong; tranh sơn dầu mang chủ đề “Hạnh phúc”, kích cỡ: 80x160cm, sáng tác năm 2015 của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ; tranh sơn dầu, acrylic mang chủ đề “Tiên nữ vùng cao”, kích cỡ: 140x100cm, sáng tác năm 2014 của họa sỹ Quách Đông Phương.
Đáng chú ý trong số 5 tác phẩm được đấu giá lần đầu tiên, 2 chiếc chóe “Tứ linh” chất liệu gốm, sản xuất năm 2010 của nghệ nhân Phạm Anh Đạo đã được chào giá khởi điểm lên tới 1 tỷ đồng.
Đây là tác phẩm được sản xuất kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, mỗi chiếc chóe nặng 5 tạ, cao 2,7m, đường kính 1,3 m với nước men rạn theo lối giả cổ. Đặc biệt hơn cả, tác giả Phạm Văn Đạo là người khuyết tật được công nhận nghệ nhân trẻ nhất khi mới 35 tuổi.
Nói về mục đích của cuộc đấu giá, ông Trần Quốc Khánh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lạc Việt (đơn vị tổ chức cuộc đấu giá) cho biết: Hiện tại thị trường Việt Nam, việc bán đấu giá chưa được coi là cách bán hàng bởi thói quen, tập quán của người mua và người bán. Đặc biệt với đấu giá tác phẩm mỹ thuật như tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ, đồ cổ…
Tác giả hay chủ sở hữu các tài sản mỹ thuật có giá trị đang quen với cách bán phổ thông là ký gửi tác phẩm tại các phòng tranh, các triển lãm với một giá được niêm yết và nếu giao dịch thành công tác giả hay chủ sở hữu phải chi trả một phần giá trị tài sản bán được cho bên nhận ký gửi. Cũng theo ông Khánh, nhìn nhận với hình thức đấu giá từ thiện vẫn diễn ra lại không phản ánh được giá trị đích thực của tác phẩm. Do vậy, để đưa đấu giá trở thành một cách bán hàng, rất cần sự chung tay góp sức của các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Hạnh- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt, đây sẽ một cách bán hàng mới bằng những công việc cụ thể như: sưu tầm tác phẩm có giá trị, kết nối các chuyên gia, mời cố vấn, tư vấn.
Tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm nghệ thuật sẽ nhận về 100% giá trị của tác phẩm theo giá khởi điểm mà tác giả ấn định, phần bán vượt sẽ được thỏa thuận phân chia tại hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký với tổ chức bán đấu gia chuyên nghiệp và người có tài sản bán đấu giá.
Hiện thị trường mỹ thuật Việt Nam còn khá ảm đạm. Việc mua bán giao dịch tranh đa phần do tự phát. Giới mỹ thuật trong nước nhận định, tranh Việt bán được nhưng phần lớn cho người nước ngoài. Người Việt thường mua tranh để trang trí chứ chưa có hoạt động mua đi bán lại tạo thị trường thứ cấp…
Bên cạnh đó, nhu cầu thưởng lãm mỹ thuật của người dân chưa cao. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm – họa sĩ Vi Kiến Thành cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: Một triển lãm ở Việt Nam, chúng tôi rất muốn mời được những nhân vật VIP, lãnh đạo, những đại gia kinh tế xem triển lãm và có thể mua tác phẩm. Nhưng việc ấy hiện rất khó.
Vì thế mà việc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân được đứng ra tổ chức các sự kiện đấu giá chắc chắn sẽ góp phần thúc đầy thị trường mỹ thuật. Cú hích ấy rất cần có, tại sao không?