Mỹ thuật Việt Nam và những khoảng lặng

Minh Quân (ghi) 02/12/2021 06:28

Sau một thời gian dài “trầm lặng” thậm chí “chảy máu” các tác phẩm, thị trường mỹ thuật Việt Nam trong những năm qua đang có nhiều hoạt động. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng các hoạt động này vẫn còn manh nha, bên cạnh việc tự đánh mất thương hiệu với vấn nạn tranh nhái, tranh giả.

“Thật giả” tranh Đông Dương

Thị trường tranh Đông Dương (của các hoạ sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) mười năm qua rất có tiếng tăm trên trường quốc tế. Tranh họa sĩ Đông Dương đã đạt từ 30 nghìn đến 1 triệu USD. Từ những thị trường mang tầm quốc tế này đã góp phần kích hoạt thị trường trong nước.

Tuy nhiên về cơ bản, người nước ngoài không “hơi đâu” nâng giá nghệ thuật cho một nước khác, ngoại trừ chính nước đó bỏ tiền ra mua và đánh giá nghệ sĩ của mình, nhưng kinh doanh thì không kể, vì kinh doanh đem lại lợi cho người mua, người bán, nhà đấu giá, quốc gia lưu giữ tác phẩm.

Thực tế cho thấy, một trào lưu hồi hương nghệ thuật và đồ cổ Việt Nam đang diễn ra trong khoảng 10 năm nay, với giá mua bán thông thường đến hàng trăm nghìn USD. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu khá cao nên có chiều hướng không khuyến khích sự hồi hương này. Đây là một bất cập về chính sách đối với văn hóa. Đối với thị trường và các nhà đấu giá, cái gì bán được, mà nhiều tiền, thì cái ấy có giá trị, do quan điểm này mà tranh giả Đông Dương nhiều gấp bội tranh thật, và trong nước cũng không có một cơ sở pháp lý nào để thắc mắc, vấn đáp với nơi xuất phát từ nước ngoài.

Thế nhưng trước những bất cập trên thì những thông điệp trên Facebook và các mạng xã hội của các họa sĩ, nhà nghiên cứu trong nước rất yếu ớt, tuy cũng có đôi lần làm cho các đối tác nghĩ lại. Ví dụ như trường hợp bức tranh giả của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, đưa ra thị trường quốc tế chính thức từ tháng 10 vừa qua, mà bản thật duy nhất của nó đang nằm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh giả, tranh chép, tranh nhái đang tràn lan cả ở trong ngoài nước, cũng như các cửa hàng kinh doanh tranh chép, tranh nhái công khai trong nước, chẳng có một chế tài nào khống chế.

Tất cả những đề cập trên thực sự đã đặt ra những vấn đề về phát triển văn hóa nghệ thuật để nó gia nhập vào cơ cấu kinh tế xã hội, như là một ngành kinh doanh hữu ích, nâng cao văn hóa đạo đức xã hội, thúc đẩy sáng tạo và kinh doanh, đem lại lợi nhuận mà không làm tổn hại môi trường.

Những cách quản lý văn hoá hiện nay vẫn là quản lý như thời bao cấp, thậm chí còn chặt chẽ hơn, các chế tài và luật kinh doanh nghệ thuật rất sơ khai, thậm chí chưa có. Sự bảo vệ bản quyền còn chưa được thực hiện, khi ngày càng nhiều hình thức kinh doanh văn hoá nghệ thuật nằm ngoài cách hiểu và quản lý thông thường.

Tạo dựng thị trường

Mặc dù thị trường văn hóa, nghệ thuật Việt Nam còn khá non trẻ, và hầu như không có quy định về kinh doanh nghệ thuật, tương ứng với các thị trường văn hóa, nghệ thuật thế giới khác. Nhưng trong nền kinh tế thị trường, nó cũng sẽ phải hình thành, nếu để phát triển tự nhiên thì những mặt hàng thấp kém, câu khách, xa rời văn hóa truyền thống và vi phạm bản quyền sẽ tràn lan.

Do đó cần chủ động tạo hình hài cho thị trường này hướng đến những giá trị nhân văn, tiếp nối tinh hoa truyền thống, bảo vệ tác quyền, và từ mặt mạnh này của thị trường sẽ đẩy những văn hóa phẩm kém chất lượng, kém thẩm mỹ, đồi trụy hoặc hơn nữa là phản văn hóa vào khu vực không thể kinh doanh được, hoặc chỉ trong phạm vi nghiên cứu tâm lý học con người. Bản chất của văn hóa, nghệ thuật mọi dân tộc đều hướng đến cái chọn lọc này, và sự chọn lọc cũng diễn ra tự nhiên như là bản chất và sức mạnh của văn hóa, nghệ thuật chân chính, mà bất chấp khu vực phản chiều.

Vấn đề là sự non trẻ của văn hóa, nghệ thuật khi bước vào thị trường cần có những chế tài nâng đỡ, cho đến khi nó tự cân bằng và sinh lãi về tài chính. Ví dụ như sự hình thành của bảo tàng tư nhân, các viện nghiên cứu tư nhân, các sáng tạo cá nhân, và thị trường nghệ thuật nội địa khi đối diện với thị trường lâu năm bên ngoài.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho giáo dục ở các gia đình và mua các chương trình văn hóa, thể thao từ bên ngoài diễn ra từ lâu, trong đó nhiều nguồn chúng ta có thể làm ngay từ nội địa, nhưng hằng năm mất rất nhiều tiền ra nước ngoài. Cũng như vậy hàng triệu USD hằng năm trả cho các bản quyền thể thao, phim và văn hóa, trong khi đó các chương trình tương tự trong nước lại không bán được. Mỹ thuật Việt Nam bao nhiêu năm bán rẻ ra nước ngoài, nay phải mua về giá đắt...

Những điều đó có thể được điều chỉnh bằng sự phát triển của thị trường văn hóa, nghệ thuật trong nước, quan trọng đó cũng là cách xác lập vị thế của nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam với thế giới, mà nó đang chịu sự bất bình đẳng nặng nề.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, tất cả những vấn đề trên cần có chương trình văn hóa tầm quốc gia, và chiến lược xây dựng thị trường này cụ thể, không duy ý chí tiếp tục áp đặt các thể chế văn hóa từ thời bao cấp.

Bước đầu là hình thành thiết chế lao động nghệ thuật chuyên nghiệp như một nghề tự do có đóng thuế. Thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp như là một hoạt động bắt buộc đối với các công ty kinh doanh. Thừa nhận và đầu tư cho các cá nhân tài năng, ngoài bằng cấp và Nhà nước. Xây dựng các gallery như là phòng văn hóa và sưu tập của doanh nghiệp và địa phương. Đưa ngành quản trị kinh doanh nghệ thuật vào chương trình của một vài trường đại học. Xây dựng luật kinh doanh nghệ thuật và bảo vệ bản quyền cho từng ngành nghệ thuật cụ thể...

Hệ quả kinh tế và giá trị tinh thần của văn hóa, nghệ thuật không bao giờ hiện ra ngay, dẫn đến người ta đánh giá thấp vai trò của nghệ thuật với xã hội, có hay không cũng được, nhưng nếu nhìn nhận mọi dân tộc đã tồn tại và phát triển chính là nhờ nền tảng văn hóa mà dân tộc ấy sáng tạo ra, và khi nó cũng trở thành một động lực kinh tế thì nền văn hóa ấy rất mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ thuật Việt Nam và những khoảng lặng