Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tái khẳng định cam kết của Washington trong việc bảo đảm an ninh của đồng minh Nhật Bản trong hôm 18/4, trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cùng lời tuyên bố sẽ thử nghiệm tên lửa “hàng tuần”.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trước bữa trưa thân mật tại Tokyo hôm 18/4. (Nguồn: AP).
Trước đó, Bình Nhưỡng tiếp tục bỏ qua sức ép của cộng đồng quốc tế khi tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa được cho là thất bại hôm Chủ nhật tuần trước. Trong bối cảnh dấy lên nhiều quan ngại về khả năng nước này đang chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 6, Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Han Song-ryol đã nói rằng chương trình vũ khí của họ sẽ tiếp tục gia tăng.
“Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều vụ thử tên lửa hơn mỗi tuần, mỗi tháng và mỗi năm” - ông Han nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng BBC, nói rằng “cuộc chiến tổng lực” sẽ diễn ra nếu Mỹ có hành động chống lại họ.
Đặt chân tới Tokyo để tham gia các vòng thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Phó Tổng thống Mỹ Pence đã hoan nghênh mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
“Khối đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản là cột mốc của hòa bình và an ninh ở khu vực Đông Bắc Á” - ông Pence nói với ông Abe.
Lãnh đạo Nhật trong cuộc họp cũng kêu gọi đưa ra giải pháp hòa bình cho căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng đưa ra các biện pháp cứng rắn.
“Đối với chúng tôi việc tìm kiếm các nỗ lực ngoại giao cũng như cách dàn xếp hòa bình về vấn đề này là điều hết sức quan trọng” - Thủ tướng Abe nói - “Cùng lúc, chúng tôi vẫn cần phải gây sức ép”.
Ông Abe cho rằng chuyến thăm của ông Pence “hết sức đúng lúc trong bối cảnh tình hình nghiêm trọng xung quanh Triều Tiên”. Mỹ đã quyết định triển khai một tàu sân bay và các tàu hộ tống tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh, trong bối cảnh có dấu hiệu Triều Tiên dự kiến thử hạt nhân thêm lần nữa.
Ông Abe và ông Pence khẳng định mối đe dọa từ Triều Tiên đã lên một cấp độ mới và điều thiết yếu với hòa bình và ổn định khu vực là Nhật và Mỹ phải tăng cường khối liên minh.
Trước đó, trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du châu Á, ông Pence đã đến thăm khu vực Phi quân sự (DMZ) ngăn cách giữa hai miền Triều Tiên và cảnh báo Bình Nhưỡng không nên có các hành động khiêu khích, nói rằng “mọi lựa chọn đang được cân nhắc”. Ông Pence cũng đề cập tới các vụ tấn công mà Tổng thống Donald Trump chỉ thị thực hiện mới đây nhằm vào Syria và phiến quân IS ở Afghanistan như một lời cảnh báo với Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, trong cuộc họp báo chung với Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso, ông Pence cũng đề cập tới tầm quan trọng của quan hệ hợp tác giữa hai bên. Chính quyền Mỹ “tin rằng con đường tốt nhất tiến lên phía trước chính là đối thoại giữa các nước có khả năng cô lập và gây sức ép với Triều Tiên để nước này vĩnh viên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân”, ông Pence nói.
Tăng cường gây sức ép
Trong lúc thực hiện chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump từng nhiều lần đặt ra câu hỏi về hiệp ước quốc phòng giữa Nhật Bản và Mỹ, cho rằng Tokyo nên chia sẻ nhiều hơn gánh nặng quốc phòng. Tuy nhiên, ông Pence đã khẳng định rằng, các cam kết an ninh tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua với Nhật Bản là không thể phá vỡ, đặc biệt trong bối cảnh Washington tuyên bố không loại trừ khả năng hành động quân sự đối với Triều Tiên.
Cũng giống như Hàn Quốc, Nhật Bản đang phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp từ Triều Tiên. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa đạn đạo về phía vùng biển phía Đông, 3 trong số đó rơi ở vị trí rất gần với Nhật Bản, trong cái mà họ gọi là một cuộc tập trận giả định tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở nước này.
Phía Nhật Bản đã thể hiện mong muốn Nhà Trắng tập trung hơn vào việc thúc đẩy Trung Quốc tăng cường mạnh các nỗ lực của họ nhằm kiềm chế chính quyền Bình Nhưỡng và mang nước này trở lại bàn đàm phán sau khi đã rút khỏi các vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trong năm 2009.
Từ trước đến nay, chính quyền Thủ tướng Abe luôn duy trì chiến lược “đối thoại và gây sức ép” trong việc đối phó với Triều Tiên. Tuy nhiên, trong cuộc họp vừa qua, ông Abe và ông Pence đã không đề cập tới các vòng đối thoại sâu hơn với Triều Tiên. Thay vào đó, hai nhà lãnh đạo khẳng định rằng đất nước họ sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, dù không đề cập tới việc Mỹ có tham vấn Nhật Bản trước khi đưa ra hành động quân sự với Triều Tiên hay không.