Cuộc đối thoại được tổ chức ngày 21/7 nhằm tìm kiếm “tiếng nói chung” giữa chính quyền tỉnh Nam Định và các hộ dân nuôi trồng thủy sản ở khu vực bãi bồi Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, xung quanh việc tỉnh thu hồi hơn 431 ha đất ở đây để giao cho Tập đoàn Xuân Thiện làm tổ hợp dự án thép.
Cùng tham dự cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định có đại diện các sở, ngành liên quan; cấp ủy, chính quyền huyện Nghĩa Hưng; đại diện các Bộ NN&PTNT, TNMT; Thanh tra Chính phủ; ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp dân Trung ương trong khi các hộ dân đến đối thoại cùng với luật sư.
Cuộc đối thoại được tổ chức tại Nhà văn hóa Trung tâm huyện ven biển Nghĩa Hưng. Đây là cuộc đối thoại lần thứ 3 giữa lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định và người dân liên quan sự việc trên, trong đó lần thứ 2 được chính quyền tỉnh Nam Định tổ chức cách đây ít ngày nhưng người dân không đến tham dự với lý do không có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan ở Trung ương.
“Chỉ mong có việc làm, có cơm ăn, có áo mặc”
Mở đầu cuộc đối thoại, theo sự phân công của Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh Đinh Ngọc Văn báo cáo tổng hợp 21 kiến nghị, đề xuất, thắc mắc của người dân liên quan việc chính quyền tỉnh thu hồi diện tích lớn nuôi trồng thủy sản để làm dự án thép.
Trong đó, các ý kiến đề nghị chính quyền tỉnh làm rõ quy trình thực hiện đầu tư tổ hợp dự án thép của nhà đầu tư Xuân Thiện; làm rõ nguồn gốc, pháp lý, thẩm quyền quản lý đất bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng; căn cứ để xác định diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực Cồn Xanh đã hết hạn hợp đồng cho thuê đất; quá trình thu hồi đất, GPMB có đúng quy trình, thủ tục; lý do tỉnh không lập phương án đền bù khi thu hồi trong khi trước đó người dân đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền của vào ao đầm; làm rõ cơ sở pháp lý khi tỉnh hủy bỏ, chấm dứt Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vốn được tỉnh phê duyệt cách đây chưa lâu, vào ngày 19/12/2018…
Cùng với đó, người dân phản ánh việc triển khai một dự án lớn, liên quan, ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống của nhiều hộ dân nhưng người dân không được cung cấp thông tin đầy đủ, không được lấy ý kiến; từ lúc nhận được thông báo thu hồi đến khi bị thu hồi đất chỉ một thời gian rất ngắn khiến người dân bị bất ngờ, “không kịp trở tay”…
Người dân cũng bày tỏ lo lắng nuôi trồng thủy sản là nghề truyền thống, sinh kế chính của mình nhưng nay đất bị thu hồi, 400 hộ dân với khoảng 6.000 người không biết làm gì tiếp theo để sinh sống, nhất là đối với lao động lớn tuổi. Đề nghị làm rõ việc người dân có được bố trí đất mới để tiếp tục sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản hay không?
Người dân bày tỏ sự không đồng tình trước nhận định của chính quyền địa phương, cho rằng hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản ở khu vực Cồn Xanh là nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, hiệu quả không cao. Nói như các ông Nguyễn Văn Túc, Vũ Ngọc Thuấn, Nguyễn Văn Tuẩn, Nguyễn Văn Cương…,-những người đại diện cho các hộ dân tại cuộc đối thoại là “chúng tôi vẫn đang có cơm ăn nhờ công việc này”, “không mấy nơi có hiệu quả nuôi trồng thủy sản tốt như ở Cồn Xanh”. Người dân đồng thời bày tỏ lo lắng trước việc thương hiệu cá bống bớp của địa phương, được người dân dày công gầy dựng sau đây có thể bị mất vì không còn đầm bãi để sản xuất…
Người dân cũng đề nghị chính quyền tỉnh làm rõ việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường của dự án đồng thời bày tỏ lo lắng trước việc dự án thép có thể làm môi trường sống của người dân bị hủy hoại…
“Tại sao còn bao nhiêu diện tích đất bỏ hoang không lấy để làm mà cứ phải lấy đất nuôi trồng thủy sản?”, ông Nguyễn Văn Túc-đại diện người dân nêu thắc mắc; đồng thời dẫn chứng “Khu công nghiệp Rạng Đông rộng mấy trăm ha trước đó cũng là đất nuôi trồng thủy sản, nay vẫn chỉ là bãi đất trống, rất lãng phí tài nguyên!”.
Từ đó, đại diện cho các hộ dân kiến nghị chính quyền tỉnh đảm bảo cơ chế hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Chúng tôi chỉ mong có việc làm, có cơm ăn, có áo mặc”, người dân nêu nguyện vọng.
Thu hồi đất công cho thuê đã hết hạn nên không có cơ chế đền bù
Theo sự phân công của Chủ tịch UBND tỉnh, các ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng; Sái Hồng Thanh, Bí thư huyện ủy Nghĩa Hưng; Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NH&PTTN; Phạm Văn Sơn, Giám đốc Sở TNMT; Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở KHĐT; Vũ Văn Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng… đã lần lượt trả lời đầy đủ các phản ánh, kiến nghị, đề xuất, thắc mắc của người dân.
Theo trả lời của đại diện các sở ngành tỉnh Nam Định và đại diện chính quyền huyện Nghĩa Hưng, diện tích đất bãi bồi ven biển của huyện thuộc diện đất công, được chính quyền tỉnh thiết lập quản lý từ năm 1994, trực tiếp là UBND huyện Nghĩa Hưng, UBND huyện ủy quyền cho UBND các xã có diện tích bãi bồi ký hợp đồng cho các hộ nuôi trồng thủy sản thuê, với thời hạn 2 năm một, hết thời hạn 2 năm lại được gia hạn. Theo nội dung hợp đồng, khi hết hạn thuê đất, chính quyền có nhu cầu thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án thì các hộ thuê đất phải có trách nhiệm bàn giao và không được đền bù.
Theo ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng, đến thời điểm ngày 31/12/2021, hầu hết trong số 400 hộ thuê đất đã hết hạn thuê đất theo hợp đồng, chỉ còn một số ít hộ còn hạn thuê đất đến hết năm 2022. Việc thu hồi đất đối với hầu hết trong số 400 hộ dân thuê đất được tỉnh và huyện triển khai sau thời điểm ngày 31/12/2021 nên theo Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng việc này là đúng pháp luật.
Lý do tỉnh và huyện không lập phương án đền bù được ông Hoàng Trọng Nghĩa giải thích tại thời điểm thu hồi, người dân không còn liên quan đến diện tích đất thuê, đất đang được UBND các xã quản lý, là đất công nên chính quyền không có căn cứ để lập phương án đền bù.
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng liệt kê các quyết định của UBND tỉnh, UBND huyện Nghĩa Hưng liên quan việc triển khai các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện, từ đó khẳng định việc triển khai dự án được thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh; các văn bản liên quan việc thu hồi đất trước đó đã được UBND huyện triển khai về các xã và đã được thông tin, phổ biến rộng rãi tới người dân.
Giải thích về nhận định, đánh giá hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản ở khu vực Cồn Xanh là nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, hiệu quả không cao, lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng cho rằng các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 30.000 lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh, hiệu quả lớn hơn nhiều so với hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện nay. Đồng thời cho biết, dự án ưu tiên về việc làm cho người dân vùng bị ảnh hưởng.
Liên quan việc tỉnh hủy bỏ, chấm dứt Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tham gia cuộc đối thoại, dẫn điểm d, khoản 1, điều 59, Luật Quy hoạch năm 2017, có hiệu lực từ năm 2019 (Các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đã được quyết định hoặc phê duyệt hết hiệu lực chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2018), đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định việc tỉnh Nam Định chấm dứt quy hoạch này được thực hiện theo quy định của luật. “Bộ NN&PTNT cũng có 4 quy hoạch phải chấm dứt”, đại diện Bộ thông tin.
Trước những lo ngại của người dân về việc sau này nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện có thể gây ô nhiễm môi trường, tại cuộc đối thoại, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Sở TNMT “trấn an” bằng việc đưa ra thông tin theo yêu cầu của tỉnh nhà đầu tư đã cam kết sử dụng công nghệ hiện đại, theo tiêu chuẩn G7 châu Âu, không gây nguy hại môi trường. Ông Sơn “trấn an” tiếp người dân bằng việc dẫn chứng một số sự án thép đang hoạt động an toàn, ổn định hiệu quả trên cả nước.
Liên quan nội dung này, đại diện Bộ TNMT cho hay trong 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện, dự án sản xuất kết cấu bê tông do tỉnh đánh giá, phê duyệt báo cáo tác động môi trường, 2 dự án thép còn lại thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của bộ. “Việc thẩm định, phê duyệt đang được bộ triển khai một cách chặt chẽ”, đại diện bộ cho hay. Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị khẳng định: “Tỉnh không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Nếu vi phạm sẽ dừng ngay để xử lý”.
Chính quyền đang đứng giữa chính sách và thực tiễn cuộc sống
Tham gia cuộc đối thoại, Trưởng ban Tiếp dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp nhìn nhận phát triển công nghiệp, dịch vụ là xu thế tất yếu, không chỉ ở Nam Định. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận nhiều đề xuất, kiến nghị của người dân nuôi trồng thủy sản ở khu vực Cồn Xanh là chính đáng, nhất là những lo lắng về việc mất sinh kế, thu nhập và vấn đề ô nhiễm môi trường.
“Người dân đã đầu tư rất nhiều công sức vào đây”, ông nói; thêm rằng: “Nhiều dự án được thực hiện đúng quy trình nhưng ô nhiễm vẫn xảy ra nên người dân mới lo lắng”. Từ đó, Trưởng ban Tiếp dân Trung ương kiến nghị tỉnh Nam Định quan tâm, suy nghĩ, không cơ chế này thì cơ chế khác để hỗ trợ cho người dân ảnh hưởng bởi dự án.
Phát biểu cuối buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị nhìn nhận các mặt văn hóa-xã hội của tỉnh đều phát triển rất tốt nhưng “kinh tế thì bao nhiêu năm nay không phát triển được”; nhìn nhận tổ hợp dự án của Tập đoàn Xuân Thiện là dự án có tính động lực của tỉnh, hướng đến mục đích tạo việc làm mới, tăng thu ngân sách và đã được “cân lên, đặt xuống” nhiều lần. Tuy nhiên, ông Phạm Đình Nghị nhìn nhận hiện chính quyền tỉnh đang phải đứng giữa, với một bên là các quy định, một bên là thực tiễn cuộc sống.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định ghi nhận những phản ánh, kiến nghị, thắc mắc của người dân tại cuộc đối thoại; chỉ đạo các sở ngành rà soát lại các việc đã làm; cam kết sau cuộc đối thoại UBND tỉnh sẽ trả lời các ý kiến kiến nghị bằng văn bản. “Không phải đối thoại xong là xong, nếu sau đây bà con còn có ý kiến, kiến nghị gì cá nhân tôi sẵn sàng tiếp, đối thoại”, ông nói.
Theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết Online, cuộc đối thoại diễn ra trong trật tự, “người nói có người nghe”. Người dân cử một số đại diện của mình ngồi ở hàng ghế đầu, gần, đối diện với các đại diện của chính quyền để lần lượt đối thoại. Kết thúc, người dân cũng ra về trong trật tự.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin từ năm 2021 đến nay, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều bước trong quy trình đầu tư 3 dự án thuộc tổ hợp dự án sản xuất thép của nhà đầu tư Tập đoàn Xuân Thiện với số vốn đăng ký đầu tư 98.900 tỷ đồng, tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng, bao gồm: dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng (xây dựng trên diện tích 83,93 ha, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 2 triệu tấn/năm); dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định (xây dựng trên diện tích 284,97 ha, công suất 7,5 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng) và dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định (xây dựng trên diện tích 56,8 ha, tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng, công suất sản xuất 350.000 tấn/năm).
Trong đó, nhà máy sản xuất cấu kiện bê-tông đúc sẵn (tại địa bàn 2 xã Nghĩa Hải, Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng) đã được khởi công ngày 14/11/2022.